Có bố đẻ là liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều năm qua, ông Nguyễn Đức Lộng (71 tuổi, trú thôn Chản, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, TP.Hà Nội) “cõng đơn” đòi quyền lợi cho gia đình liên quan đến chính sách dồn điền đổi thửa nhưng chưa được chính quyền địa phương giải quyết.
Ông Lộng chỉ tay về phía khu đất đề nghị được chuyển đổi.
Năm 2002, gia đình ông Lộng cùng với vài hộ trong thôn được HTX Nông nghiệp Phú Vân đồng ý cho thầu 2,2 sào quỹ đất 2 ngay giáp nhà. Nội dung bản hợp đồng nêu rõ, HTX nông nghiệp Phú Vân có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chủ hợp đồng, xử lý kịp thời khi bắt được người vi phạm hợp đồng hoặc khi chủ hợp đồng gửi văn bản, tang vật về xã đề nghị giải quyết. Về thanh toán giá trị thầu, gia đình ông Lộng có trách nhiệm mỗi năm phải nộp 116kg thóc tẻ/sào cho HTX Nông nghiệp Phú Vân. Từ khi được bàn giao thầu diện tích đất trên đến nay, gia đình chính sách này luôn chấp hành tốt mọi quy định, thực hiện nghĩa vụ giao nộp sản lượng thuế đầy đủ.
Năm 2007, gia đình ông Lộng được HTX Nông nghiệp Phú Vân lập biên bản thầu riêng vào cùng quỹ đất trên. Sau khi các con trưởng thành và tách ra ở riêng, vợ chồng ông Lộng sức khỏe yếu nên làm đơn đề nghị UBND xã Vân Từ xem xét cho gia đình ông được chuyển đổi quỹ đất 1 về quỹ đất 2 gần nhà. Chính quyền xã Vân Từ khi đó đã khước từ, không đồng ý giải quyết.
Đến năm 2012, sau khi Nghị định 64 của Chính phủ về dồn điền đổi thửa được ban hành, gia đình ông Lộng tiếp tục gửi đơn lên thôn Chản đề nghị giải quyết và được chi bộ thôn đồng ý 100%. Sau đó, Chi bộ thôn Chản phối hợp với gia đình ông Lộng, gửi đơn đề nghị UBND xã Vân Từ xem xét nhưng vẫn không thể “vượt ải”. Cùng thời gian đó, tại thôn Chính (xã Vân Từ), UBND xã Vân Từ lại đồng ý giải quyết yêu cầu tương tự cho hai hộ dân thôn này.
Cầm trên tay bảng vàng danh dự và Huân chương Kháng chiến được nhà nước trao tặng, vợ chồng ông Lộng xót xa tâm sự: “Không hiểu vì lý do gì mà xã lại giải quyết một cách thiếu công bằng đối với gia đình tôi như vậy. Trong khi gia đình chúng tôi có công với cách mạng thì không được giải quyết, còn những hộ khác lại được xét duyệt nhanh chóng”.
Trước nhiều luồng ý kiến, các hộ dân khác được giải quyết nhanh chóng là do đã “lót tay” cho cán bộ xã, vợ chồng ông Lộng không tin điều đó là sự thật. “Gia đình sống chân thật, kinh tế còn nhiều khó khăn, làm gì có nhiều tiền mà nghĩ đến chuyện đó. Mục đích duy nhất trong yêu cầu được chuyển đổi quỹ đất 1 thành quỹ đất 2 là lý do sức khỏe, muốn được gần nhà cho tiện canh tác”, bà Tâm - vợ ông Lộng - buồn bã nói và đề nghị cơ quan chức năng sớm xem xét.
Vợ ông Lộng bên giấy tờ đất đai liên quan và các bằng khen được nhà nước trao tặng.
Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Ngọc Dương, Chủ tịch UBND xã Vân Từ, khẳng định, chính quyền hoàn toàn đúng trong việc xử lý đề nghị của gia đình ông Lộng. Theo lời vị cán bộ này, trong khi đang sử dụng ổn định quỹ đất 1, ông Lộng bỗng dưng muốn chuyển đổi về quỹ đất 2 ngay cạnh nhà. “Không chỉ chưa đủ điều kiện chuyển đổi theo Nghị định 64, tôi nghi ngờ hành vi của ông Lộng là mờ ám. Ai biết được sau này, ông Lộng sẽ tranh thủ lúc chính quyền thiếu giám sát rồi tiền hành chuyển đổi mục đích sử dụng quỹ đất, thậm chí xây nhà cửa kiên cố trên đó thì sao ?”, ông Dương phỏng đoán.
Quản lý nhà nước phải dựa vào quy định pháp luật, Chủ tịch UBND xã Vân Từ lại dựa vào phỏng đoán để khước từ yêu cầu của người dân. Sự việc ầm ĩ địa phương nhưng chính quyền không tiến hành đối thoại, giải thích rõ ràng. Cách làm việc như vậy có tắc trách, máy móc không? Ở một khía cạnh khác, dù quản lý địa bàn nhỏ hẹp nhưng UBND xã Vân Từ lâu nay để xảy ra nhiều tai tiếng xấu trong việc quản lý đất đai. Đặc biệt là việc người dân nhiều lần tố chính quyền xã này tự ý bán đất giãn dân cho người dân mà không được sự cho phép của chính quyền cấp trên. Thiết nghĩ, UBND huyện Phú Xuyên cần sớm có chỉ đạo xử lý dứt điểm vụ việc trên.
Duy Cảnh
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.