Đau đầu với nạn xả rác bừa bãi, ô nhiễm môi trường. Công tác tuyên truyền và xử phạt được áp dụng nhưng vẫn chưa dứt điểm, phường Hiệp Phú (TP Thủ Đức, TP.HCM) đã cho ra đời app Công dân Hiệp Phú để giải quyết bài toán ô nhiễm.
"Vũ khí" công nghệ vào cuộc
Cùng với hình thức phát tờ hướng dẫn cài đặt app này trên điện thoại thông minh, hàng chục cán bộ của phường còn tỏa đến các khu dân cư, phòng trọ trực tiếp phổ biến và thao tác cho người dân.
Tính năng tương tác đa dạng của app Công dân Hiệp Phú giúp người dân được truy cập và nắm bắt hoạt động của chính quyền lẫn các đoàn thể ở đây bất kỳ lúc nào. Những thông báo của địa phương liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính, các quy định mới ban hành đều được đăng tải kịp thời. Ngược lại, nhân dân đều có thể "chat" với chính quyền, nêu lên ý kiến đề xuất, nhu cầu, kể cả những bức xúc trước tình trạng xả rác không đúng nơi quy định, hành vi gây ô nhiễm môi trường.
App Công dân Hiệp Phú nhanh chóng phát huy hiệu quả, chuyện lén lút xả rác ngoài đường của một số cá nhân quen "ném đá giấu tay" giờ đã phải chùn lại. Không việc gì giấu được quần chúng. Tại những vị trí camera quan sát không "quét" được thì đã có "mắt thần" của hàng ngàn người dân phát hiện.
Quả nhiên, khi có dân tham gia giám sát thì người vi phạm rất khó "lọt lưới". Nhiều quần chúng rất có kinh nghiệm đã nhanh tay chụp hình, quay clip làm bằng chứng gửi lên app. Cơ quan chức năng chỉ việc xác minh và xử lý. Động tác tiếp theo là thông báo công khai trên ứng dụng này kết quả giải quyết tin báo của người dân.
Chuyển biến tích cực đến rất nhanh. Dọc tuyến đường Song hành Xa lộ Hà Nội - cửa ngõ ra vào giống như "mặt tiền" của TP.HCM - từng là "điểm nóng" về vứt rác ở vỉa hè, dán quảng cáo trái phép trên cột điện giờ đã không còn. Nhiều cơ sở sản xuất, gia công gây ô nhiễm môi trường sau khi được nhắc nhở đã khắc phục. Ngay cả nạn đổ nước ra đường cũng chấm dứt.
Nhà nước và nhân dân cùng làm
Sáng chủ nhật hằng tuần, cán bộ 6 khu phố của phường tổ chức làm vệ sinh đường phố như là dịp để nhân dân trên địa bàn hoạt động tập thể, thắt chặt tình đoàn kết và cùng nhau làm sạch môi trường sống.
Các câu lạc bộ tập thể dục buổi sáng trên đường nhắc nhau hễ thấy rác thì nhặt, có quảng cáo trái phép là gỡ. Ý thức tự giác đã hình thành nên từ phong trào hành động thiết thực. Hẻm của tôi ở khu phố 3 có bác Trần Thị Lan (64 tuổi) hằng ngày siêng năng quét dọn, lan tỏa đến những cư dân xung quanh nên luôn xanh - sạch - đẹp.
Giờ đây đến cậu bé Bùi Lê Việt Anh (10 tuổi) khi thấy vỏ chai nhựa nằm trên đường cũng nhặt bỏ vào thùng rác. Những hộ gia đình có nuôi thú cưng cũng biết giữ gìn vệ sinh để không ảnh hưởng đến cộng đồng.
Ứng dụng Công dân Hiệp Phú còn góp phần giải quyết nạn ô nhiễm tiếng ồn, đặc biệt là "karaoke kẹo kéo" với âm lượng lớn. Qua app, người dân được giải thích cần giữ yên tĩnh cho trẻ em học trực tuyến nên đã vui vẻ chấp hành.
Còn nhiều ưu điểm của app cho cộng đồng như hỗ trợ giữ gìn an ninh trật tự; nhu cầu hỗ trợ y tế, an sinh xã hội của người dân trong thời điểm giãn cách; giúp chính quyền nắm bắt thông tin và đáp ứng kịp thời. Hy vọng mô hình app công dân sẽ được lan tỏa, để người dân cùng chính quyền các địa phương phối hợp chặt chẽ trong việc giữ gìn môi trường sống tốt đẹp cho cộng đồng.
Ông Nguyễn Lê Hiệp, chủ tịch UBND phường Hiệp Phú (TP Thủ Đức), cho biết ứng dụng Công dân Hiệp Phú chính thức ra đời từ tháng 9-2020. Ban đầu chỉ dành cho hội và đoàn thể trên địa bàn phường, sau đó được mở rộng thành kênh thông tin của phường với công dân trên địa bàn. Trên đó, UBND phường thông tin về lịch làm việc, tiếp dân, lịch họp, nhận và trả lời phản ánh của người dân về tất cả các vấn đề trên địa bàn từ môi trường, y tế, lịch tiêm ngừa đến trật tự xây dựng, giao thông... Hiện có hơn 3.500 người đang sử dụng, chủ yếu là công dân của phường.
Lan tỏa mô hình chở rác đi, mang gạo về
Trong tình trạng tương tự như phường Hiệp Phú, những trăn trở của chính quyền và các đoàn thể phường Bình Thọ, TP Thủ Đức, trong việc tuyên truyền giáo dục nhân dân nâng cao ý thức tự giác phân loại rác tại nguồn, không xả rác bừa bãi, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần... đã cho ra đời sáng kiến vì cộng đồng đó là "đổi rác lấy gạo".
Chương trình "Đổi rác lấy gạo" được UBND phường thông báo rộng rãi trước đó nhiều ngày, đã nhanh chóng trở thành phong trào lan rộng các khu dân cư. Rất dễ bắt gặp hình ảnh "nhà nhà dọn rác, người người nhặt rác". Những vỏ chai nước, lon bia nằm lăn lóc bên đường, gốc cây được lượm sạch.
Thùng rác đặt trước cửa mỗi ngôi nhà giờ chỉ còn các loại rác không thể tái chế. Công nhân thu gom rác đỡ vất vả, xe chở rác cũng "nhẹ" hơn. Tại các tuyến đường đông người qua lại như Võ Văn Ngân, Đặng Văn Bi, xuất hiện một số thùng xốp nhỏ ghi dòng chữ rất dễ thương: "Xin rác tái chế!".
Ban đầu, chủ nhân của những dòng chữ ấy chỉ nghĩ được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Thế nhưng, kết quả vượt quá sự mong đợi. Có nhiều người "bội thu" nhờ "quà tặng" của khách đi đường. Một chú ở khu phố 1 dí dỏm: "Ở thành phố nhưng chúng tôi vẫn "sản xuất" được gạo đấy!".
Trong mỗi gia đình, rác giờ đây không còn bị dồn chung một thùng như thói quen lúc trước. Những loại rác tái chế được đều "để dành" trong túi riêng. Báo cũ, vỏ thùng mì tôm không còn bị vứt chỏng chơ, tất cả được xếp gọn gàng cùng các bạn "nhôm nhựa" chờ ngày "xuất khẩu". Nhiều đồ dùng tưởng chừng bỏ đi nhưng vẫn còn giá trị kinh tế.
"Giáo dục để hình thành thói quen tốt như một phản xạ có điều kiện, trong việc phân loại rác thải tại nguồn, là điều chúng tôi muốn hướng đến thông qua hoạt động này" - chia sẻ của bà Lê Thị Ngọc Bích, phó bí thư thường trực Đảng ủy phường, được nhiều người tâm đắc.
7h chương trình mới bắt đầu, song từ rất sớm hàng đoàn người nô nức chở những bao rác được chằng buộc cẩn thận đến nơi "hội quân". Bà Lê Thị Thủy - chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường - phấn khởi cho biết: "Cứ 1kg rác tái chế mang đến, người dân sẽ được tặng 1kg gạo mang về. Buổi sáng hôm ấy chúng tôi đã trao 1.055kg gạo, đồng nghĩa với thu được hơn 1 tấn rác". Trung bình một người dân đã mang khoảng 10kg rác đổi lấy gạo.
Lý thuyết là vậy, nhưng trong lúc tiếp nhận, nhiều người chở "sản phẩm" đến khi cân cho ra số lẻ vẫn được làm tròn theo hướng tăng lên. Một chị thu mua phế liệu tình cờ đạp xe qua đây đã vào tham gia.
"Mặt hàng" của chị cân được 6,5kg, ban tổ chức đã tặng chị 7kg gạo và còn mời chị sang "Gian hàng quần áo 0 đồng" bên cạnh, lựa chọn những món hàng tùy thích. Một cán bộ vui vẻ chia sẻ, ở đây không cần phải "sale" như Black Friday mà hoàn toàn miễn phí. Gần như cùng lúc, nhiều bộ quần áo cũ song còn khá tốt và gạo từ các nhà hảo tâm tiếp tục chở đến ủng hộ.
Ý nghĩa nhân văn của chương trình này được nhân đôi, khi toàn bộ số rác tiếp nhận sẽ chuyển giao cho bộ phận môi trường đô thị. Kinh phí thu về sẽ được bổ sung vào quỹ Vì người nghèo, tiếp tục chăm lo những hoàn cảnh khó khăn.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.