Ứng dụng khoa học công nghệ phun nước tự động vào sản xuất nông nghiệp hiện nay, chính là góp phần vào gìn giữ tài nguyên nước và cũng là một trong những biện pháp thích ứng với sự biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Đứng trước thực trạng biến đổi khí hậu toàn cầu và việc sử dụng nguồn nước ngầm tràn lan không hiệu quả, làm nguồn nước ngầm tự nhiên ngày càng cạn kiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sản xuất, dẫn đến nguy cơ mất an toàn an ninh lương thực. Ngày Nước thế giới (22/3) năm nay, Liên Hợp Quốc (UN) phát động với chủ đề là “Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình”.
Với thông điệp nhấn mạnh vai trò quan trọng của nước ngầm trong hệ thống nước và điều kiện vệ sinh, hoạt động nông nghiệp, công nghiệp, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu; hướng đến kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng cần có những hành động khai thác, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước ngầm; thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng tăng.
Nhiều địa phương ở miền Trung đã ứng dụng công nghệ phun tự động vào chăm sóc cây trồng, vừa hiệu quả, vừa nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, đồng thời cũng là biện pháp tiết kiệm nguồn nước ngầm đang dần dần cạn kiệt.
Nông dân Nghệ An ứng dụng rộng rãi công nghệ tưới phun tự động
Là một tỉnh miền Trung với kiểu thời tiết khắc nghiệt, nhất là vào mùa hè, thời tiết nắng nóng, khô hạn, dẫn đến việc thiếu nước tưới cho cây trồng, nhiều gia đình ở các xã miền tây huyện Quỳnh Lưu đã ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới nước phun mưa tự động chống hạn cho cây trồng.
Gia đình ông Nguyễn Trọng Tự ở thôn 4A, xã Quỳnh Châu đã đầu tư gần 100 triệu đồng để mua đường ống, thuê nhân công đào bể chứa nước và lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt trên diện tích 10.000 m2.
Huyện Quỳnh Lưu có 500 ha chuyên canh trồng rau màu các loại thì có đến 82% diện tích được người dân đưa công nghệ tưới phun bán tự động vào sản xuất các loại rau, củ, quả. Nhờ vậy, sản lượng rau màu của các xã đạt 500 – 600 tấn/năm.
Nhờ ứng dụng công nghệ tưới phun tự động này mà năng suất chất lượng của các loại cây trồng rất cao, thu nhập của bà con nông dân luôn ổn định.
Bà Vũ Thị Bích Hằng – Phó trưởng phòng NN & PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết: Tưới nhỏ giọt kiểm soát được lượng dinh dưỡng bón cho cây trồng, giảm ẩm mốc trên cây. Xác định được lợi ích này thì huyện thường xuyên tuyên truyền đến các hộ dân và đồng thời tuyên truyền chính sách mà người dân được hưởng theo NQ HĐND tỉnh đối với việc lắp đặt hệ thống tưới phun nhỏ giọt nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả phát triển nông nghiệp trên địa bàn cũng như giảm thiểu lãng phí tài nguyên nước trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
Gia đình ông Nguyễn Viết Hùng (thôn Quyết Tiến, xã Chi Khê, huyện Con Cuông) bội thu, đạt năng suất 80kg/gốc. So với năng suất trung bình của người dân trồng cam trên địa bàn, vườn cam của gia đình ông Hùng cao hơn 30%. “Bí quyết” sản xuất của ông chính là nhờ ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel, phương thức quấn quanh gốc.
Theo ông Hùng, sau khi lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, chỉ cần mở van, hệ thống tự động tưới đồng loạt cho hàng trăm gốc cam. Không cần phải mất tiền thuê nhân công và hệ thống tưới tự động sẽ tưới 1ha cam trong chỉ gần 2 tiếng. Ưu điểm của hệ thống tưới hiện đại này là tiết kiệm được hơn 50% khối lượng nước, nên gia đình tôi chỉ cần sử dụng một giếng khoan phục vụ tưới cho cả vườn cam.
Hà Tĩnh ứng dụng công nghệ tưới nước tự động vào sản xuất nông nghiệp
Giám đốc HTX An Tâm Farm chia sẻ, trước đây, chúng tôi trồng rau thủy canh theo phương pháp thủ công, tốn nhiều nhân lực do công nhân phải trực tiếp pha, tưới chất dinh dưỡng. Với công nghệ IoT, mọi thứ được tự động hoá. Qua điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, chúng tôi có thể điều chỉnh, giám sát lượng phân, nước tưới, theo dõi từng thời điểm phát triển của cây trồng. Từ chỗ cần 4 - 5 nhân công, nay HTX chỉ cần 1 nhân công vận hành và thu hoạch. Bên cạnh đó, chi phí tiền điện, nước tưới nhờ được kiểm soát nên tiết kiệm khá lớn.
Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ phối hợp với HTX An Tâm Farm đã tiến hành đánh giá về năng suất, hiệu quả kinh tế của các mô hình ứng dụng công nghệ IoT cho thấy năng suất thành phẩm trung bình đạt khoảng 14 - 16 tấn/1.000 m2/năm, cao hơn 30% so với năng suất rau truyền thống.
Ông Lê Đình Doãn - Trưởng phòng Quản lý Khoa học sở KH&CN Hà Tĩnh cho biết, ứng dụng công nghệ IoT vào phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa, phù hợp với sự phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn. Đồng thời, mở ra một hướng sản xuất mới, hướng người dân phát triển sản xuất theo hướng bền vững, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn cho người tiêu dùng.
Mô hình tưới nước nhỏ giọt ở Quảng Ngãi
Để giải bài toán thiếu nước sản xuất vào mùa khô hạn, nhiều nông dân trong tỉnh đã chủ động đầu tư, áp dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt trên các loại cây trồng khác nhau.
Ông Huỳnh Văn Quang, một hộ dân trồng dưa ở xã Phổ Phong (Đức Phổ) cho biết, cánh đồng này thường xuyên thiếu nước tưới, nên hiệu quả cây trồng không đạt. Hiện nay hơn 50% diện tích được nông dân chuyển đổi sang trồng dưa hấu nhờ mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt.
“Trước đây, người dân thường áp dụng cách tưới tràn, nhưng chỉ cầm chừng cứu dưa trong nắng nóng vì nguồn nước hạn chế. Giờ đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, cây được phân bổ nguồn nước đều đặn mà vẫn tiết kiệm được nguồn nước tưới”, ông Quang nói.
Bên cạnh vườn dưa nhà anh Quang, anh Huỳnh Văn Phước cũng có hệ thống tưới nhỏ giọt cho 5 sào dưa. Anh Phước cho hay, một hệ thống tưới nhỏ giọt trung bình khoảng 10 triệu đồng. Tuy chi phí đầu tư đầu vào không nhỏ, nhưng hệ thống này có thể tưới trên diện tích lớn, chỉ cần đấu nối thêm đường ống lắp van và sử dụng trên 10 năm nếu bảo quản tốt.
Cây ăn quả rất khó phục hồi trước tình trạng khô hạn kéo dài. Chính vì thế, tại vùng trồng cây ăn quả xã Hành Nhân (Nghĩa Hành), mô hình tưới nhỏ giọt được nhiều hộ nông dân ứng dụng. Những năm trước, ông Phạm Ngọc phải bỏ nhiều công sức cho việc kéo nước tưới gần 1ha sầu riêng của gia đình. Bây giờ chỉ cần mở hệ thống tưới nhỏ giọt trong khoảng 2 giờ đồng hồ đã đảm bảo điều tiết đủ nước để giữ ẩm cho cây. Ngoài ra hệ thống có thể đưa phân bón trực tiếp vào nguồn nước tưới, giảm thiểu lượng phân bón thất thoát chảy tràn ra ngoài.
Ông Ngọc chia sẻ: “Trồng cây ăn quả thì phải đầu tư hệ thống nước tưới cây mới đạt năng suất. Tuy tốn kém chi phí đầu tư ban đầu, nhưng lợi ích nó đem lại rất nhiều; giảm thiểu đáng kể thời gian, sức lao động, mình có thể tận dụng để làm việc khác”.
Trong sản xuất nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng, rất cần nước để tưới cho cây trồng, do đó nước không thể thiếu. Tuy nhiên trước tình trạng thiếu nước trầm trọng như hiện nay, nếu việc sử dụng nguồn nước không tiết kiệm, kém hiệu quả sẽ dẫn đến nguy cơ mất an ninh nước là điều hiện hữu. Việc ứng dụng khoa học công nghệ tưới nước nhỏ giọt vào sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân nước ta cũng là những bước đi thích hợp ban đầu cần thiết để đóng góp vào việc bảo vệ nguồn nước vô giá do thiên nhiên ban tặng.
Ngay từ bây giờ các quốc gia phải có chính sách quản lý, sử dụng nguồn nước ngầm một cách hợp lý, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để nguồn nước ngầm không bị ô nhiễm, cạn kiệt.
Thông qua thông điệp chủ đề Ngày Nước thế giới năm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn sự quan tâm, chung tay của cộng đồng trong việc nhận định nước ngầm quan trọng đối với con người và môi trường. Bằng các biện pháp bảo vệ cũng như tôn vinh những giá trị của nước đem lại, chúng ta có thể đánh giá một cách toàn vẹn, từ đó đưa ra các giải pháp hiệu quả để quản lý và bảo vệ nguồn nước.