Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) được thiên nhiên ưu đãi, được Nhà nước quan tâm hỗ trợ, nhưng kết quả chưa xứng với tiềm năng, đời sống người nông dân còn nhiều khó khăn.
ĐBSCL đóng một vai trò thiết yếu cho sự phát triển của Việt Nam và an ninh lương thực của khu vực khi sản xuất đến 50% tổng sản lượng lúa gạo của cả nước, chiếm 90% sản lượng xuất khẩu và 70% sản lượng thủy sản nuôi trồng của cả nước.
Thế nhưng, những năm gần đây, nhiều thay đổi cả về tự nhiên và do con người gây ra đã tạo ra sức ép phát triển lớn lên cả vùng ĐBSCL. Những tác động chính gồm: sụt lún đất, ước tính 3-5cm mỗi năm và nước biển dâng, trong đó vùng đồng bằng cao không quá 2,5m so với mực nước biển kết hợp lại với nhau làm tăng rủi ro ngập lụt. Xâm nhập mặn ở những vùng duyên hải do hậu quả của khai thác nước ngầm và nước biển dâng, ảnh hưởng đến sinh kế và nguồn cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất. Tốc độ tăng dân số, đô thị hóa và phát triển nông nghiệp và công nghiệp hóa nhanh chóng gây áp lực lớn lên các nguồn tài nguyên nước và làm giảm chất lượng nước. Phát triển ở thượng nguồn như việc xây dựng các đập thủy điện và hệ thống tưới tiêu làm ảnh hưởng đến chế độ dòng chảy, chu kỳ bồi lắng tự nhiên và luồng cá di cư.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tại Diễn đàn ĐBSCL 2016, diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh
Thực tế, các cộng đồng dân cư duyên hải ở ĐBSCL đang là đối tượng hứng chịu những tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), trong đó có hiện tượng nước biển dâng và những cơn bão nhiệt đới với sức tàn phá ngày càng mạnh. Dự kiến, sản lượng lúa gạo ở ĐBSCL được dự báo sẽ giảm từ 6 - 12% vì ngập lụt và xâm nhập mặn, trong khi đó sản xuất nuôi trồng thủy hải sản cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Quá trình đô thị hóa hiện đang diễn ra nhanh chóng ở các đô thị duyên hải thuộc ĐBSCL vốn đang phải đương đầu với các hiện tượng khí hậu tiêu cực, đặc biệt là lũ lụt, đang tác động chủ yếu đến người nghèo.
Sự sụt giảm sản lượng nông nghiệp ở vùng này sẽ không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà sẽ tác động rõ nét đến giá lương thực, làm suy yếu an ninh lương thực của thế giới do đây là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam, với 1/5 lượng gạo thương mại toàn cầu.
Ông Sơn Minh Thắng, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đánh giá: “Đây là kinh nghiệm rất lớn, làm sao kết nối giữa các tỉnh trong ĐBSCL trở thành chương trình tổng thể cho khu vực để làm sao ứng phó với BĐKH. Từ ứng phó về đê điều, cơ cấu lại cây trồng vật nuôi cho phù hợp”.
Hiện, vẫn còn tình trạng, tỉnh nào biết tỉnh đó, thiếu kế hoạch liên kết vùng để hỗ trợ nhau cùng phát triển. Bên cạnh đó việc kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp gặp khó khăn vì thiếu các điều kiện như xa nguồn năng lượng, suất đầu tư xây dựng lớn do xa nguồn cung cấp nguyên vật liệu. Hiện các nhà đầu tư chủ yếu khai thác nhân công giá rẻ và hưởng các ưu đãi.
Tại Diễn đàn ĐBSCL 2016, diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các tỉnh ĐBSCL phải kết hợp với Chính phủ xây dựng chiến lược vùng chung, tránh tình trạng cạnh tranh nội bộ; phân công tỉnh, vùng phụ trách chuyên biệt các sản phẩm phù hợp, tạo liên kết cạnh tranh tốt hơn, đặc biệt là gắn xây dựng nông thôn mới với ứng phó BĐKH.
“Chúng ta xây dựng và đề xuất những tiêu chí nông thôn mới cho ĐBSCL, đảm bảo tính phù hợp đặc thù của địa phương, tình trạng hạn hán, diễn biến thời tiết bất thường đã và đang diễn ra. Đây là việc cần làm ngay và thực hiện xong báo Thủ tướng chậm nhất trước quý III/2016”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị.
Nạn hạn hán và xâm nhập mặn vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân các tỉnh ĐBSCL
Nâng cao mức sống cho người dân là mục tiêu quan trọng, kết hợp với quy hoạch đê điều và hồ chứa, bảo vệ rừng ngập mặn, nhanh chóng phục hồi hệ sinh thái, chuyển đổi cây trồng vật nuôi… Các tỉnh cần phải xây dựng phương án phòng vệ trong tình huống xấu nhất; Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ nên tăng cường vai trò liên kết, tạo chiến lược phát triển công nghiệp phù hợp và tương xứng với ĐBSCL, tối ưu hóa chuỗi sản xuất, tạo thương hiệu gạo đủ mạnh, phải tiếp tục có giải pháp để phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn.
GS.TS C.M. Veerman, Trưởng nhóm cố vấn Hà Lan cho kế hoạch ĐBSCL nhận định, do đặc thù địa lý, ĐBSCL có khả năng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các tác động bất lợi của BĐKH. Lưu lượng lớn và lũ trên sông sẽ tăng lên vào mùa mưa. Sự giảm dòng chảy trong mùa khô có thể dẫn đến tình trạng thiếu nước ngọt nghiêm trọng. Mực nước biển sẽ tăng lên và xâm nhập mặn sẽ vào sâu hơn vào trong đất liền, dẫn đến một diện tích lớn khu vực ven biển sẽ chuyển thành môi trường nước lợ. Các công trình xuyên biên giới có thể tiếp tục làm trầm trọng thêm những khó khăn về tài nguyên đất và nước.
Theo ông Veerman, phát triển một chiến lược phù hợp để giảm thiểu và thích ứng với những thay đổi này trở nên rất quan trọng. Từ lâu, chính phủ Việt Nam đã nhận ra nước là một tài nguyên thiên nhiên rất quan trọng cho sự phát triển của ĐBSCL. Năm 2008, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH đã được ban hành với mục tiêu chiến lược nhằm đánh giá tác động của BĐKH trong thời gian ngắn hạn cũng như dài hạn. Mục tiêu của Kế hoạch ĐBSCL là góp phần thực hiện và duy trì một vùng đồng bằng thịnh vượng, cả về kinh tế lẫn xã hội, trong đó người dân có một cuộc sống phần vinh trong một nền kinh tế mạnh mẽ và năng động được hình thành dựa trên việc sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và thích ứng tốt với những thay đổi về tài nguyên nước và khí hậu. Việt Nam cần áp dụng các biện pháp để đảm bảo một tương lai an toàn, thịnh vượng và bền vững cả về kinh tế và môi trường và thích ứng với BĐKH cho khu vực ĐBSCL.
P.V
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.