Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 19 tháng 11 năm 2019 | 11:26

Vật gây án chưa được xác định rõ, bản án liệu có công tâm?

Trong Cáo trạng của VKSND TP Phủ Lý (Hà Nam), vật gây án chưa được cơ quan này xác định rõ nên trong phần tranh luận giữa luật sư và đại diện VKS chưa thống nhất được quan điểm vật dụng gây án.

Tòa án nhân dân TP. Phủ Lý vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự lần 2 đối với bị cáo Trần Mạnh Tiến, địa chỉ chỗ ở tại thị trấn Kiện Khê (Thanh Liêm - Hà Nam).
 
Trong Cáo trạng của VKSND TP Phủ Lý, vật gây án chưa được cơ quan này xác định rõ nên trong phần tranh luận giữa luật sư bào chữa cho bị hại và đại diện VKS chưa thống nhất được quan điểm vật dụng gây án.  

 Anh Dương Văn Huân, người bị hại của vụ án. 

 
 
Theo cáo trạng số 145/CT-VKS-PL ngày 29/10/2019 của VKSND TP Phủ Lý, khoảng 10h15 ngày 4/3/2018, Trần Mạnh Tiến đang ngồi uống nước cùng với Hoàng Nam Hà tại số 7 đường Trường Chinh, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Lúc này, Dương Văn Huân, sinh năm 1983, cùng trú tại thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm đi vào quán nước mục đích gặp Tiến để nói chuyện về việc tối ngày 3/3/2018, cháu của Tiến là Trần Mạnh Cường, sinh năm 2000 vô cớ chửi anh Huân. Cả Tiến, Huân, Hà cùng ngồi một bàn. Tiến ngồi đối diện với Huân. Sau khi nói chuyện xong, Huân nhổm người đứng dậy định về thì Tiến chửi Huân. Sau đó, giữa Tiến và Huân xảy ra xô xát, đánh nhau.
 
Tại phiên tòa, trả lời trước Hội đồng xét xử, bị cáo Tiến khai nhận hành vi cố ý gây thương tích 12% cho anh Huân. Tiến khai nhận, hành vi của bị cáo là do trong quá trình xô xát giữa Tiến và anh Huân giằng co kéo nhau từ vỉa hè xuống lòng đường sát mép vỉa hè trước cửa quán trà đá. Lúc này Huân và Tiến đứng đối diện nhau. Bị cáo Tiến có dùng tay trái đấm một cái trúng vào trán của anh Huân theo hướng từ trái sang phải, từ dưới lên trên. Chiếc đồng hồ Tiến đeo ở tay đã cứa vào trán anh Huân khiến bị rách da chảy máu phải vào viện cấp cứu. Đồng hồ của Tiến vỡ và kim bị cong vênh...
 
Khi được HĐXX thẩm vấn, bị hại Dương Văn Huân cho rằng, lời khai của bị cáo Tiến là hoàn toàn sai sự thật. Theo lời khai, bị cáo Tiến đã dùng tay phải cầm cốc thủy tinh để trên bàn ném vào mặt anh Huân. Sau đó, Tiến tiếp tục lao vào dùng hai tay đấm vào đầu, dùng chân đá vào người anh Huân. Anh Huân lúc này chỉ dùng tay chống đỡ lại Tiến và hai bên có giằng co, kéo nhau xuống lòng đường sát mép vỉa hè thì được anh Hoàng Nam Hà căn ngăn. Tiến lại tiếp tục lao vào đánh anh Huân. Cả hai tiếp tục được anh Hà căn ngăn. Sau đó, Huân được anh Hà đưa vào viện Bệnh viện Đa khoa Hà Nam điều trị.
 
Trước những lời khai trái ngược nhau, chủ tọa phiên tòa hỏi nhân chứng Hoàng Nam Hà là nhân chứng chứng kiến toàn bộ vụ việc. Nhân chứng Hà khẳng định bị cáo Tiến cầm cốc thủy tinh ném vào mặt anh Huân khi anh này nhổm dậy định đi về. Chiếc cốc thủy tinh bị Tiến ném vào mặt Huân sau đó rơi xuống đất vỡ. Sau đó nhìn thấy mặt bị hại Huân có máu chảy ướt mặt.
 
Đồng thời, anh Hà còn cho biết chính anh là người nhặt đồng hồ và dây chuyền của bị cáo Tiến đưa lại cho Tiến. Nhân chứng khẳng định lúc nhặt lên đồng hồ còn nguyên không hề bị vỡ. Điều này hoàn toàn trái ngược với lời khai của bị cáo Tiến.
 
Sau phần thẩm vấn, xét hỏi, chủ tọa phiên tòa hỏi đại diện Viện KSND TP Phủ Lý về quan điểm và hướng giải quyết vụ án. Đại diện VKS cho rằng: Qua các tình tiết và chứng cứ chưa đủ cơ sở xác định chiếc cốc thủy tinh (hung khí nguy hiểm) là vật tác động gây ra thương tích cho anh Huân như Bản kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT, Công an TP Phủ Lý. Chính vì vậy, VKS đề nghị truy tố bị cáo Tiến phạm tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại khoản 1, Điều 134, Bộ luật Hình sự. Bị cáo Tiến được áp dụng tình tiết giảm nhẹ, không phải chịu tình tiết tăng nặng mặc dù trước đó năm 2014, Trần Mạnh Tiến đã bị xử phạt hành chính về hành vi cố ý gây thương tích.
 
Luật sư Phạm Quang Hòa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho anh Dương Văn Huân cho rằng: Bản cáo trạng của VKSND TP Phủ Lý đã không tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, VKS đã không kết luận cụ thể thương tích ở trán anh Huân là do vật gì gây nên. Trong khi đó, Bản kết luận giám định của Công an Phủ Lý đã kết luận chiếc cốc thủy tinh là vật có cạnh trực tiếp gây nên thương tích. Như vậy, hung khí gây án chưa được VKS kết luận, vậy thì hành vi phạm tội có thể xác định được không ?  
 
Đáp lại quan điểm của luật sư, đại diện VKS viện dẫn bản kết luận giám định pháp ý ngày 4/6/2019 của Viện Pháp y quốc gia kết luận: Chiếc đồng hồ, tang vật không có khả năng gây ra thương tích trên. Chiếc cốc ít có khả năng gây ra thương tích. Vì vậy, chưa đủ căn cứ xác định chiếc cốc thủy tinh là vật chứng gây thương tích.
 
Khi được Tòa cho phép, luật sư Hòa cho rằng, việc đánh giá chứng cứ phải mang tính chất tổng hợp, khách quan, toàn diện. Việc Cơ quan CSĐT đi đến kết luận bị cáo đã dùng chiếc cốc thủy tinh gây thương tích cho anh Huân là hoàn toàn có cơ sở dựa trên đánh giá đầy đủ, toàn diện. Chỉ có hai nguồn hung khí, đó là chiếc đồng hoặc cốc thủy tinh. Chiếc đồng hồ thì cơ quan giám định đã khẳng định không thể gây ra thương tích như trên trán của anh Huân. Vậy thì chiếc cốc thủy tinh, cơ quan CSĐT đã căn cứ vào lời khai của nhân chứng, bị hại để xác định rằng Tiến đã dùng chiếc cốc để ném Huân gây ra thương tích 12% là hoàn toàn có cơ sở pháp lý.
 
Luật sư Hòa cho rằng,  đồng hồ của bị cáo Tiến cứa vào trán anh Huân làm rách da là vô lý, bởi Hội đồng y khoa của Bệnh viện Đa khoa Hà Nam đã kết luận trên trán có vết rách sâu dài 7 cm, đứt tĩnh mạnh. Đại diện VKS đã đưa ra các quan điểm phủ nhận kết luận của cơ quan CSĐT là vô cùng khiên cưỡng, thiếu khách quan.
 
Sau phần tranh luận, đối đáp, không hài lòng với nhận định của VKS và HĐXX, bị hại cùng luật sư đã bỏ về không tiếp tục phiên tòa. Tuy nhiên, sau phần nghị án, HĐXX cho rằng dựa vào các tình tiết, chứng cứ và phần tranh luận tại phiên tòa đủ căn cứ để xác định bị cáo Trần Mạnh Tiến phạm tội “Cố ý gây thương tích” được quy định tại Khoản 1, Điều 134, Bộ Luật hình sự. Bị cáo Tiến được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ và không có tình tiết tăng nặng. Chính vì vậy, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Trần Mạnh Tiến 18 tháng tù (cho hưởng án treo) và thời gian thử thách 36 tháng.
 
Trước đó, tại bản án hình sự sơ thẩm số 143/2018/HSST, ngày 05/11/2018, TAND TP. Phủ Lý đã áp dụng điểm đ, Khoản 2, Điều 134; điểm b, s Khoản 1, Khoản 2, Điều 51; Điều 38; Điều 47; Điều 50 của Bộ luật Hình sự . Các điều 106, 136, 331, 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự tuyên bố bị cáo Trần Mạnh Tiến phạm tội “Cố ý gây thương tích” xử bị cáo Trần Mạnh Tiến 30 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt đi thi hành án.
 
Trước phiên xét xử sơ thẩm lần 2, theo quy định của Luật Báo chí, phóng viên, nhà báo đã cung cấp các giấy tờ theo quy định. Tuy nhiên, Thư ký cũng như Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa vẫn không cho tác nghiệp khiến cho  phóng viên, nhà báo cũng như nhưng người tham dự phiên tòa này bất bình.
 
Theo Luật Báo chí sửa đổi bổ sung năm 2016 và có hiệu lực từ 01/01/2017, các khoản c, d  Điều 25 về Quyền và nghĩa vụ của nhà báo được quy định như sau:
 
.... Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật
 
... Được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật;
 
Còn Nghị định 159/ NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 mở rộng đối tượng được bảo vệ trong khi tác nghiệp báo chí, bao gồm hai đối tượng “nhà báo” và “phóng viên”.
 
Nhà báo là người hoạt động báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp thẻ.
 
Phóng viên là những người hoạt động báo chí, đưa tin viết bài, chụp ảnh được cơ quan báo chí cử đi tác nghiệp báo chí mà chưa có thẻ nhà báo.
 
Luật Báo chí cũng như Nghị định 159/NĐ-CP quy định nêu rõ là vậy nhưng tại phiên xét xử sơ thẩm lần 2 vụ án hình sự với bị can Trần Mạnh Tiến, Thư ký tòa cũng như Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa vẫn yêu cầu phóng viên phải có Thẻ nhà báo và Giấy giới thiệu, còn nhà báo phải có Giấy giới thiệu và Thẻ nhà báo mới cho tác nghiệp, còn không chỉ được tham dự như những người dân bình thường. 
 
 
 
 
Hà Nam
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top