Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 11 năm 2019 | 14:53

Vì danh dự Việt Nam, phải chung tay gỡ "thẻ vàng" EU

Tháo gỡ thẻ vàng, thủy sản Việt Nam có thể đi các nước một cách hiên ngang.

thuy-san.jpg

Sáng nay (6/11), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Các đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa – Vũng Tàu), Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đặt câu hỏi về biện pháp để gỡ thẻ vàng từ Ủy ban châu Âu (EU)?.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, EU chính thức rút thẻ vàng với Việt Nam ngày 23/10/2017 do có vi phạm về đánh bắt thủy sản ngoài phạm vi hải phận của nước ta và khai báo các sản phẩm không đúng yêu cầu.

Sau 2 năm, EU công nhận khuôn khổ pháp lý của Việt Nam đã tiệm cận và không có vi phạm ở các quốc đảo trên Thái Bình Dương, tuy nhiên, vẫn còn một số vi phạm ở vùng biển phía Nam.

"Tất cả hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị kiểm soát 100%, thay vì chỉ kiểm soát theo xác suất như trước đây. Không khắc phục được vi phạm thì sẽ bị rút thẻ đỏ và 28 nước EU không nhập thủy sản của Việt Nam nữa", Bộ trưởng giải thích.

Theo Bộ trưởng Cường, sau khi bị rút "thẻ vàng", Việt Nam đã tập trung, nỗ lực thực hiện các chương trình gỡ thẻ. Tháng 11/2017, Quốc hội thông qua Luật Thủy sản, trong đó đưa vào nội dung 9 kiến nghị của EU, tập trung tái cơ cấu để nghề cá có trách nhiệm, bền vững, an toàn... EU ghi nhận khuôn khổ pháp luật Việt Nam hiện đã tiệm cận với yêu cầu.

Tuy nhiên, thực trạng khai thác thủy sản vẫn còn một số tồn tại: vi phạm ở vùng biển phía Nam vẫn còn, năm 2019 có 113 vụ, hơn 180 ngư dân, 8 tỉnh. "Vi phạm chỗ này EU rất gay gắt", ông Cường nhấn mạnh.

Ngoài ra, việc thực hiện các bước khai báo của doanh nghiệp, ngư dân hiện chưa tốt. Tổ chức lượng giám sát, kiểm tra trên biển hiện chưa hiệu quả.

Bộ trưởng Cường cho biết thêm: "Hôm nay, EU cử phái đoàn sang kiểm tra lần thứ 2 và yêu cầu đến phút chót không thông báo họ đi tỉnh nào trước. Chúng tôi có quan điểm hoàn toàn đồng tình. Chúng ta nói rõ các khuyến nghị của EU trùng với mục tiêu phát triển Việt Nam. Những nỗ lực để gỡ thẻ vàng không chỉ vì lợi ích EU mà vì phát triển nghề cá bền vững của Việt Nam. Không có thẻ vàng chúng ta vẫn phải làm".

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp kêu gọi: "Chúng ta phải đồng lòng, chung tay. Tới đây mong các tỉnh làm tốt, quyết liệt hơn và doanh nghiệp cũng cần chung tay vào để gỡ thẻ vàng. Bản thân bà con nông dân cũng nên vì quyền lợi lâu dài, thương hiệu, danh dự của Việt Nam, quyền lợi con cháu và quyền lợi sát sườn để sớm thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành khai thác thủy sản.

Tháo gỡ thẻ vàng, thủy sản Việt Nam có thể đi các nước một cách hiên ngang".

 

 

 

D.T
Ý kiến bạn đọc
Top