Nhiều doanh nghiệp nằm trong kế hoạch thanh tra năm 2018, đến nay, Bộ Xây dựng vẫn chưa công bố kết luận. Vì sao Bộ Xây dựng lại chưa cung cấp hoặc công bố công khai để báo chí, nhân dân giám sát?
Cuối năm 2017, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà ký quyết định phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2018. Theo đó, Bộ Xây dựng thanh tra hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản và thực hiện quy định của pháp luật về nhà ở tại nhiều dự án bất động sản "khủng".
Nhiều dự án, "ông lớn" trong làng bất động sản nằm trong diện bị thanh tra như: khu đô thị Hùng Thắng, chung cư Green Bay, Hạ Long Marine Plaza của Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (Tập đoàn BIM Group); khu đô thị Starlake Tây Hồ Tây của Công ty TNHH Phát triển THT; Khu đô thị The Manor Central Park của Tập đoàn Bitexco...
Liên quan tới Tập đoàn BIM Group, ngày 2/12/18, khi công nhân đang tiến hành đổ bê tông tại tầng 4 dự án Citadines Marina Hạ Long (phường Hùng Thắng, TP Hạ Long) thì bất ngờ có rung lắc và một mảng sàn lớn đổ sập xuống dưới khiến 2 công nhân tử vong. Ngay sau đó, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định đình chỉ thi công dự án Citadines Marina Hạ Long để điều tra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng khiến 2 công nhân thiệt mạng. Trước đó, khi bị báo chí phản ánh về việc xây dựng không phép tại dự án Citadines Marina Hạ Long của Tập đoàn Bim Group, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh đã vào cuộc kiểm tra, yêu cầu dừng thi công dự án và xử phạt chủ đầu tư 50 triệu đồng. |
Khu nhà ở Thạch Bàn; nhà ở của Quân khu 5, nhà ở Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, khu nhà ở Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp, khu nhà ở Quân khu 7 của Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc phòng... cũng thuộc diện thanh tra trong năm 2018.
Dự án Khu đô thị Starlake Tây Hồ Tây có số vốn đầu tư 314.125.000 USD, tổng diện tích là 207,66 ha, nằm trên địa giới hành chính của phường Xuân La (quận Tây Hồ), Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), phường Xuân Đỉnh và Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm), do Công ty TNHH phát triển T.H.T làm chủ đầu tư với 100% vốn Hàn Quốc. Dự án phải đến 10 năm mới giải phóng xong mặt bằng. Starlake Tây Hồ Tây được cấp phép đầu tư năm 2006, theo kế hoạch dự án sẽ động thổ vào dịp Đại lễ Thăng Long - Hà Nội 2010 nhưng mãi tới năm 2012 dự án mới được khởi động và đầu năm 2014 mới chính thức khởi công xây dựng. Sau khi tiến hành khởi công, chủ đầu tư chủ yếu thực hiện san nền và làm hạ tầng kỹ thuật mà chưa tiến hành triển khai xây dựng. Năm 2018, khu đô thị Starlake Tây Hồ Tây của Công ty TNHH Phát triển THT nằm trong danh sách các doanh nghiệp bị thanh tra. |
Tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng thanh tra dự Khang Điền - Phước Long B, khu nhà ở Công ty Song Lập (Melosa Garden); khu nhà ở cao tầng Công ty Thành Phúc, Khang Điền - Phú Hữu (Topica Garden), khu nhà ở Hào Khang (Mega Ruby) do Công ty CP đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền làm chủ đầu tư; khu du lịch Bến Thành - Hồ Tràm của Tổng Công ty Bến Thành - TNHH MTV.
Khu đô thị The Manor Central Park của Tập đoàn Bitexco nằm trong danh sách thanh tra năm 2018 của Bộ Xây dựng. Liên quan tới Tập đoàn Bitexco, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ hàng loạt sai phạm tại dự án BT đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, TP.Hà Nội. Công ty CP Bitexco được chỉ định thầu, với số vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, công trình được khởi công vào tháng 5/2014, thời gian hoàn thành theo hợp đồng là 36 tháng (kết thúc vào tháng 5/2017). Để hoàn vốn đầu tư tuyến đường, Bitexco được UBND TP.Hà Nội đổi khu đất phía Nam đường vành đai 3 rộng khoảng 90ha để phát triển khu đô thị The Manor Central Park. Tuy nhiên, dự án BT này đã có tới 2 lần điều chỉnh mốc thời gian hoàn thành dự án (từ 36 tháng lên 67 tháng). Theo Thanh tra Chính phủ, dự án bị chậm tiến độ so với yêu cầu do năng lực về huy động vốn, bố trí vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án của nhà đầu tư yếu kém, không đảm bảo theo tiến độ giải ngân cam kết. Khu đô thị The Manor Central Park của Tập đoàn Bitexco nằm trong danh sách thanh tra năm 2018 của Bộ Xây dựng (ảnh: Internet) Công tác lập, thẩm định và phê duyệt tổng vốn đầu tư không chính xác do tính sai khối lượng, áp dụng đơn giá và định mức không đúng, làm tăng số tiền 12,17 tỷ đồng. Đồng thời, công tác lập, phê duyệt dự toán thiết kế bản vẽ thi công chưa chính xác do tính sai khối lượng; áp dụng đơn giá và áp dụng định mức chưa đúng, làm sai tăng số tiền 15,9 tỷ đồng. Sau gần 4 năm thi công, tuyến đường BT dài khoảng 3,6km do Bitexco làm nhà đầu tư chưa xong nhưng doanh nghiệp này đã hoàn thiện và mở bán hàng trăm căn hộ, biệt thự tại khu đô thị The Manor Central Park với giá trị từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng/căn để thu hồi vốn cho dự án BT đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An khiến dư luận bức xúc và nghi ngờ về động cơ đầu tư của Bitexco trong dự án. |
Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, kết luận thanh tra gần như không được Bộ Xây dựng công khai với báo chí.
Thay vì đưa ra kết luận thanh tra tại các doanh nghiệp, đơn vị bị thanh tra trong năm 2018, Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ công khai một cách chung chung kết quả thanh tra như một thành tích của ngành. Cụ thể, trong năm 2018, Thanh tra Bộ Xây dựng đã triển khai 93 đoàn thanh tra, đạt 108% so với kế hoạch năm. Đến nay, đã ban hành 72 kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền 927,5 tỷ đồng. Trong đó, yêu cầu phê duyệt lại dự toán 707,9 tỷ đồng; yêu cầu giảm trừ thanh quyết toán 134,8 tỷ đồng; yêu cầu nộp về tài khoản của chủ đầu tư 15,2 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 6,3 tỷ đồng...
Danh sách doanh nghiệp bất động sản bị thanh tra theo như công bố tiếp tục nối dài sang năm 2019.
Tổng Công ty Mbland cũng bị thanh tra về hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản và thực hiện các quy định của pháp luật về nhà ở tại các dự án Square Filed (Tây Ninh); Tổ hợp văn phòng, Trung tâm thương mại và khu căn hộ Golden Filed; Dự án Grand Plaza (đều ở Hà Nội)...
Ngoài ra, cũng theo danh sách thanh tra trong năm 2019, Công ty Cổ phần Hóa dầu Quân đội (Mipec) có các dự án bị thanh tra như: Mipec City View (Khu nhà ở Kiến Hưng - Hà Đông); Tổ hợp dự án văn phòng, trung tâm thương mại và nhà ở Mipec Riverside (quận Long Biên, Hà Nội). Công ty Cổ phần đầu tư LDG có các dự án thanh tra gồm: Khu dân cư và dịch vụ Giang Điền, tỉnh Đồng Nai; Khu dân cư Tân Thịnh; Chung cư Marina Tower, tỉnh Bình Dương; Khu chung cư cao tầng tại 69 đường An Dương Vương, phường 16, Quận 8 (West Intela); Khu cao ốc phức hợp, tại đại lộ Võ Văn Kiệt, phường 16, quận 8 (High Intela), TP HCM.
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Gia Yên, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng, năm 2017, Bộ Xây dựng vẫn công khai các kết luận thanh tra trên website Bộ Xây dựng, trừ những kết luận được đóng dấu mật. Tuy nhiên, từ năm 2018, không thấy Bộ Xây dựng công khai.
Theo ông Yên, theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng, những kết luận thanh tra không được đóng dấu mật thì không có lý do gì không công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
Còn ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc thanh tra các doanh nghiệp địa ốc hằng năm là đúng nhưng sau thanh tra phải công bố rộng rãi để người mua nhà biết được doanh nghiệp nào làm ăn tốt, doanh nghiệp nào làm ăn không tốt. Tuy nhiên, hiện, không hiểu lý do gì có những doanh nghiệp bị công khai, có doanh nghiệp không công khai khi có kết luận. Điều này là không sòng phẳng.
Theo ông Võ, hiện chưa có chế tài đối với việc cơ quan thanh tra hoàn thành quá trình thanh tra và có kết luận nhưng không thực hiện công bố kết luận thanh tra. Bên cạnh đó, luật quy định công bố kết luận thanh tra cùng với thành phần của đoàn thanh tra tại cơ quan tiến hành thanh tra với ba phương thức lựa chọn: qua báo chí, bảng điện tử và thông báo tại nơi làm việc, mới chỉ được áp dụng qua hai phương thức sau, phương thức công bố báo chí hầu như chưa được áp dụng.
“Theo tôi cần phải sửa luật để viêc công bố thông tin kết luận thanh tra được minh bạch và người dân được biết để giám sát. Cần quy định chế tài xử lý cụ thể đối với người có trách nhiệm không thực hiện việc công khai hoặc công khai không đúng, không đủ nội dung của kết luận thanh tra theo đúng quy định pháp luật”, ông Võ nói.
Liên quan tới kết quả thanh tra năm 2018, Báo Kinh tế nông thôn đã 2 lần gửi văn bản đề nghị Bộ Xây dựng cung cấp một số kết luận thanh tra theo quy định, để các cơ quan đoàn thể, báo chí và quần chúng nhân dân tiếp cận đầy đủ thông tin, nhằm giám sát tốt việc thực hiện kết luận sau thanh tra, nhưng nhiều tháng trôi qua, vẫn chưa nhận được phản hồi.
Vấn đề đặt ra là, phải chăng trong quá trình thanh tra và ra kết luận thanh tra có điều gì khuất tất nên Bộ Xây dựng mới chưa cung cấp cho cơ quan báo chí?
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.