Thời điểm hiện tại, một số địa phương ở Hà Tĩnh bắt đầu tuyển sinh mầm non. Tuy nhiên, thông tin dừng tuyển sinh khối nhà trẻ tại các trường mầm non công lập trên địa bàn toàn tỉnh đã gây bức xúc cho phụ huynh có con trong độ tuổi này.
Phụ huynh “sốc”
Chị Nguyễn Thị Mai Huế ở phường Tân Giang (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Cũng như năm trước, cứ nghĩ các nhà trẻ năm nay vẫn tuyển sinh, nhưng chờ mãi vẫn chưa có thông tin gì. Quá sốt ruột, tôi gọi điện cho trường mầm non thì được biết thông tin không tuyển học sinh độ tuổi nhà trẻ. Với lao động bình thường như chúng tôi, việc cho con học ở trường tư thục với chi phí cao hơn nhiều so với trường công là điều rất khó khăn và quá sức”.
Tại Hội nghị quán triệt một số chủ trương và nhiệm vụ trọng tâm công tác tuyển sinh đối với các trường mầm non công lập năm học 2019 -2020, UBND TP. Hà Tĩnh cho biết sẽ cắt giảm 24 nhóm lớp tại 16 trường công lập trên địa bàn. Cụ thể, sẽ dừng tuyển sinh đối với 20 nhóm lớp nhà trẻ (từ 24 đến 36 tháng tuổi) và ghép 4 nhóm lớp một số trường.
Năm học 2019 - 2020, TP. Hà Tĩnh có 26 trường mầm non, gồm 16 trường công lập, 1 trường công lập tự chủ, 9 trường tư thục. Thành phố có kế hoạch huy động 9.011 trẻ với 317 nhóm lớp (tăng 20 nhóm lớp) so với năm học 2018 - 2019. Trong đó, khối công lập được giao chỉ tiêu 149 nhóm lớp, với 5.005 trẻ; khối ngoài công lập 168 nhóm lớp, 4.006 trẻ.
Không riêng gì ở TP. Hà Tĩnh, các bậc phụ huynh mầm non ở vùng nông thôn cũng như “ngồi trên lửa”. Nhiều phụ huynh ở xã Thạch Ngọc (huyện Thạch Hà) bức xúc về thông báo không tuyển học sinh độ tuổi nhà trẻ và đã đến nhà trường để tìm lời giải thích. Nhiều người bày tỏ thắc mắc khi trường lớp được đầu tư khang trang, đặc biệt năm nay Trường Mầm non Thạch Ngọc lại được hỗ trợ xây dựng thêm 4 phòng học mới trị giá 4 tỷ đồng nhưng nguyện vọng được đi học của tất cả các cháu trong độ tuổi vẫn chưa được thực hiện.
Chị Trần Thị Hương ở xã Thạch Ngọc tâm sự: “Con tôi sinh tháng 2/2017, năm trước đã học lớp nhà trẻ. Nhưng cách đây vài ngày, tôi được nghe nhà trường thông báo dừng tuyển sinh để chờ ý kiến chỉ đạo của Phòng Giáo dục nên chưa được làm hồ sơ tuyển sinh. Thông tin này đến sát ngày tựu trường mới được biết nên phụ huynh gặp rất nhiều khó khăn khi lựa chọn phương án gửi con. Mà ở vùng nông thôn chúng tôi, muốn gửi trường tư hay nhóm trẻ gia đình cũng không có, mấy ngày nay vợ chồng chưa biết gửi con đâu để yên tâm đi làm”.
Do thiếu giáo viên
Cô Nguyễn Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạch Ngọc, cho biết: “Theo kế hoạch của cấp trên, năm nay trường có 8 nhóm lớp, nhưng chỉ có 10 giáo viên, trong đó 1 giáo viên đang nghỉ sinh, một giáo viên cuối tháng 9 cũng sẽ nghỉ sinh. Nếu tính theo tỷ lệ 2 giáo viên/lớp thì trường còn thiếu rất nhiều. Bởi thế, trước mắt chúng tôi mới chỉ hoàn thiện hồ sơ của 125 em ở nhóm lớp 4 đến 5 tuổi. Nhóm lớp 3 tuổi gồm 63 cháu vẫn chưa được tuyển sinh vì thiếu giáo viên”.
Theo số liệu tổng hợp từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh, nếu tuyển đủ số giáo viên mầm non được giao theo Nghị quyết 128/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh với định mức 2 giáo viên/lớp thì bậc mầm non toàn tỉnh có 4.885 giáo viên, tương đương tuyển sinh được 2.442 nhóm lớp với tổng số 75.303 trẻ theo kế hoạch (trong đó có 71.628 trẻ mẫu giáo, 3.675 trẻ nhà trẻ). Song, thực tế giáo viên bậc mầm non toàn tỉnh hiện có 4.514 người (thiếu 371 giáo viên).
Do vậy, khi chưa tuyển đủ giáo viên theo kế hoạch thì 4.925 trẻ, tương ứng với 185 nhóm lớp, chưa được tuyển sinh. Trên thực tế, qua số lượng khảo sát của các trường và các cấp chính quyền địa phương về số trẻ có nhu cầu đến trường nhưng không được tuyển sinh (vì lý do thiếu giáo viên) còn lớn hơn nhiều.
Tuyển sinh mầm non đã khởi động và tình trạng nhiều trẻ độ tuổi nhà trẻ có nguyện vọng đến lớp sẽ rất gặp khó. Dù ở một số trường đã chủ động tiếp nhận hồ sơ hoặc thông tin của tất cả các cháu, nhưng đây chỉ được xem là giải pháp tình thế. Bởi thực trạng thiếu giáo viên đã trở thành “điệp khúc” trong mỗi mùa khai trường những năm gần đây và năm nay, thực trạng này vẫn đang chờ phương án giải quyết của cấp trên.
Cô Trương Thị Diện, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Giang (TP. Hà Tĩnh), cho biết: Năm nay, trường có quy mô 9 lớp (đủ cho lứa tuổi mẫu giáo từ 3 đến 5) nhưng chỉ có 17 giáo viên, tính ra vẫn còn thiếu 1 giáo viên. Theo định mức giáo viên và chủ trương của cấp trên, năm học 2019-2020, trường chưa có kế hoạch tuyển sinh nhóm lớp nhà trẻ. Những ngày gần đây, nhiều phụ huynh của lứa tuổi này đã đến trường bày tỏ nguyện vọng cho con được học ở trường. Hiện chúng tôi cũng chỉ biết nắm bắt và ghi lại thông tin của các cháu, còn phương án xếp lớp đành phải chờ cấp trên”.
Điều khiến phụ huynh bức xúc nhất là hàng năm các địa phương vẫn tổ chức điều tra phổ cập, có thể hoạch định trước để có phương án và kế hoạch tuyển sinh sớm, chứ không phải trước thềm tuyển sinh mới thông báo đột ngột như năm nay.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.