Bộ trưởng Bộ Xây dựng đưa ra các nguyên nhân khiến việc chậm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp.
Chiều 4/6, trả lời chất vấn của đại biểu về giá bất động sản và nguy cơ rủi ro của thị trường, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà lý giải, do chưa có sự đồng bộ của thể chế, mâu thuẫn giữa pháp luật bất động sản với pháp luật của các lĩnh vực khác.
Ngoài ra, cơ cấu sản phẩm của thị trường bất động sản tuy chuyển dịch tích cực nhưng chưa cân đối với nhu cầu thị trường; một số phân khúc trung, cao cấp và một số sản phẩm du lịch như condotel (căn hộ du lịch), resort villa có biểu hiện dư thừa, trong khi đó thiếu gay gắt nhà ở xã hội, nhà thương mại giá thấp.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn trước Quốc hội. |
Hiện nhà thu nhập thấp mới đạt 4,8 triệu m2 so với mục tiêu 12,5 triệu m2 đến năm 2020. Do thiếu nguồn vốn cho vay nên 226 dự án nhà ở xã hội còn chậm tiến độ, ách tắc.
Theo Bộ trưởng Xây dựng, nguồn lực tài chính cho thị trường bất động sản còn thấp, cơ cấu nguồn lực bất hợp lý, chủ yếu dùng vốn tín dụng ngân hàng và tiền ứng trước của khách, trong khi đó vốn chủ đầu tư chỉ khoảng 15%-30% tổng mức đầu tư. Chưa có nguồn vốn dài hạn, ổn định cho thị trường.
Hiện nay cũng chưa có ngân hàng tiết kiệm nhà ở, chưa hình thành thị trường tài chính thứ cấp cho bất động sản.... Có nhiều loại thuế được đánh giá là bất hợp lý, chưa khuyến khích, thu hút nguồn lực cho bất động sản và hạn chế tình trạng đầu cơ. Những hạn chế nêu trên gây rủi ro cho hoạt động bất động sản.
Người đứng đầu ngành Xây dựng cho biết, hiện có Nghị định của Chính phủ về xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường nhà ở, nhưng thực tiễn thực hiện còn chậm, hệ thống thông tin chưa đồng bộ.
Các địa phương cũng chưa quan tâm nhiều đến kiểm soát thị trường, phê duyệt nhiều dự án không phù hợp với thị trường, chủ yếu là phân khúc cao cấp, thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng còn phức tạp, mất nhiều thời gian.
Để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, hạn chế rủi ro, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, đảm bảo đồng bộ từ quy hoạch, đất đai, thuế, cơ chế tài chính, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành; đồng thời tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về bất động sản; đẩy mạnh nhà ở xã hội, nhà thương mại quy mô nhỏ và vừa.
Về nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ còn chậm phát triển, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà dẫn nguyên nhân: địa phương chưa quan tâm hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, trong đó có dự án nhà ở. Một số địa phương chưa sử dụng khoản vay thu được từ chủ đầu tư nộp lại 10-20% khi họ không thực hiện quỹ đất nhà ở xã hội trong dự án; chưa quan tâm quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất cho nhà ở xã hội và hiện thiếu nguồn vốn hỗ trợ lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội.
Hiện Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm, tới thời điểm này đã bố trí 3000 tỷ/9000 tỷ đồng. So với yêu cầu là còn chậm nên người dân có thu nhập thấp khi không được hỗ trợ lãi suất thì họ rất khó khăn trong quá trình mua nhà.
Bộ trưởng Xây dựng dẫn kinh nghiệm quốc tế chỉ làm 2 việc, một là tạo nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp và hỗ trợ tài chính cho người mua. Nhưng với Việt Nam, hệ thống chính sách nhà ở xã hội còn tương đối phân tán, việc huy động nguồn lực còn nặng về bao cấp, chưa sử dụng nguồn lực đất đai tương xứng phát triển nhà ở xã hội. Ngoài ra, việc khống chế tỷ suất lợi nhuận khi doanh nghiệp đầu tư vào nhà ở xã hội chỉ 10%, nên không khuyến khích doanh nghiệp.
Bộ trưởng Xây dựng sẽ tham mưu Chính phủ giải quyết căn bản phương thức nhà ở xã hội. Cùng đó, bổ sung giải pháp để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng nhà ở xã hội.
“Hiện nay cũng có một số tập đoàn lớn đã tham gia vào phát triển nhà ở xã hội, nhưng tình hình chung vẫn cần chính sách để khuyến khích doanh nghiệp hơn nữa”- Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết./.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.