Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 26 tháng 2 năm 2017 | 9:2

Vì sao phải thanh tra Dự án giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên?

Sau khi Bộ Công Thương lên phương án xử lý, ngày 16/2/2017, Thanh tra Chính phủ đã ban hành quyết định thanh tra toàn diện Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 do Cty CP Gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư.

>> Thanh tra toàn diện dự án nghìn tỷ Gang thép Thái Nguyên

Tại buổi công bố Quyết định số 286/QĐ-TTCP của Tổng Thanh tra Chính phủ ngày 24/2/2017, ông Vũ Đức Tâm - Thanh tra viên cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra khối kinh tế ngành (Vụ I, Thanh tra Chính phủ) - Trưởng đoàn cho biết: sẽ tiến hành thanh tra toàn diện việc Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 trong thời gian 40 ngày.

Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Cty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên được phê duyệt từ năm 2005, đến năm 2007 đã được tổ chức khởi công rầm rộ với mong muốn nâng cao năng lực sản xuất phôi thép và thép cán từ nguyên liệu trong nước lên 1.000.000 tấn/năm, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, đưa Cty trở thành một trong những nhà sản xuất thép có quy mô, công nghệ và thiết bị tiên tiến trong khu vực và thế giới; đảm bảo cho Cty phát triển nhanh và bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo kế hoạch thì đến năm 2011 (tức là sau khoảng 4 năm thi công), Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Cty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên sẽ hoàn thành, được nghiệm thu và chạy thử nghiệm. Thế nhưng, đến nay sau hàng chục năm kể từ ngày khởi công và hơn 4,5 nghìn tỷ đồng đã được giải ngân cùng tổng mức đầu tư đã được đề xuất điều chỉnh lên con số kỷ lục là hơn 8,1 nghìn tỷ đồng, Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Cty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên vẫn chưa biết đến ngày hoàn thành.

Hầu hết các hạng mục thi công đều dở dang: Bãi liệu, thiêu kết, luyện gang, luyện thép và oxy đều chưa hoàn thiện; tiêu hết số tiền được phê duyệt nhưng nhà máy vẫn chưa thành hình hài.


Sau hàng chục năm, đại công trường Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Cty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên vẫn ngổn ngang.

Theo báo cáo tài chính của Cty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, đến thời điểm 30/6/2016, tổng giá trị đầu tư của dự án này đã thực hiện đạt gần 4.540 tỷ đồng, chiếm tới 98% tổng giá trị xây dựng cơ bản dở dang của Cty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên. So với thời điểm đầu năm, giá trị xây dựng cơ bản dở dang của dự án này tăng thêm hơn 101 tỷ đồng.

Con số về đồng tiền đã tiêu cùng với thực tế công trường xây dựng khiến dư luận phải giật mình, bởi thông thường, các dự án chỉ để dự phòng đến tối đa 10% chi phí, nhưng riêng Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Cty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên thì khoản chi phí phát sinh còn lớn hơn cả tổng mức đầu tư ban đầu?

Nhiều chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng: Nếu so sánh dự án của Gang thép Thái Nguyên với dự án thép của Hòa Phát có thể thấy, riêng giai đoạn 3 của dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép tại Hải Dương công suất lớn hơn dự án đầu tư mở rộng giai đoạn 2 của Gang thép Thái Nguyên (750.000 tấn/năm so với 500.000 tấn/năm) nhưng Tập đoàn Hòa Phát chỉ làm trong 18 tháng và chỉ đầu tư 3.800 tỷ đồng để rồi cũng đã hoàn thành và đưa vào sản xuất từ lâu.

Rất nhiều câu hỏi được đặt ra kể từ khi Chính phủ có kết luận và chỉ đạo Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) góp vốn tối thiểu là 1.000 tỷ đồng vào Cty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên với tư cách là cổ đông Nhà nước như: Giải pháp này có “đủ liều” để Cty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên hoàn thành giai đoạn 2 dự án mở rộng nhà máy trong bối cảnh công ty kinh doanh liên tục thua lỗ? Thực tế Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Cty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên sẽ “ngốn” bao nhiêu tiền? Sau khi nhà máy đi vào hoạt động có thể vận hành hết công suất hay lại chỉ hoạt động cầm chừng và tiếp tục cộng dồn các món nợ ngân hàng? Cơ quan, cá nhân nào chịu trách nhiệm về việc chậm tiến độ và đội vốn của dự án khủng này?...

Trước thực tế trên, tháng 5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Công Thương thành lập tổ công tác; thuê tư vấn độc lập; đánh giá toàn diện dự án trong đó có phương án “bán cho nhà đầu tư có năng lực”.

Ngày 12/7/2016, tại Hội nghị sơ kết 06 tháng đầu năm của Bộ Công Thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Cơ chế hỗ trợ của Nhà nước cũng phải thay đổi theo hướng chấm dứt cơ chế xin cho, không bao cấp và hỗ trợ cho sự yếu kém. Không thể cứ tiếp tục ném tiền vào những Gang thép Thái Nguyên mấy nghìn tỷ nữa”. Theo đó, đây là một trong 12 dự án yếu kém của ngành Công Thương đang được Chính phủ chỉ đạo xử lý, tái cơ cấu.

Để bạn đọc có thể cảm nhận được sự thực cảnh hoang lạnh tại công trình 8,1 nghìn tỷ này, Báo Xây dựng xin mời cùng “chiêm ngưỡng” qua một vài “nét chấm phá” ở những góc ảnh dưới đây:

Theo Thái Nguyên Nhân/Xây dựng

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top