Những năm qua, Việt Nam đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực.
Phụ nữ làng hoa Tây Tựu (Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) áp dụng kinh nghiệm để chăm sóc cho hoa thược dược nở đúng vào dịp Tết. Ảnh: Vũ Sinh
Có được thành công này không thể không kể đến vai trò của phụ nữ - một trong những nhân tố đóng góp quan trọng, thiết thực.
Hiện, phụ nữ chiếm 50,2% dân số và chiếm 47,3% lực lượng lao động; phụ nữ đang ngày càng khẳng định rõ nét vai trò vị trí của mình khi tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Phụ nữ trong cuộc sống hiện đại
Người phụ nữ có vai trò, vị thế rất lớn trong cuộc sống hiện đại. Nếu gia đình được coi là tế bào của xã hội thì người phụ nữ được coi là hạt nhân của tế bào này. Gia đình là nơi thể hiện thực chất sự bình đẳng và nâng cao vị thế của người phụ nữ. Bên cạnh đó, người phụ nữ của thời hiện đại càng không thể tách rời với thực tế gia đình và xã hội. Bởi chính tại hai môi trường này, người phụ nữ mới thực hiện được những chức năng của mình.
Những năm qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương liên quan đến công tác cán bộ, đến nay, công tác cán bộ nữ có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả đáng ghi nhận, từ đó tạo điều kiện cho phụ nữ ngày càng phát huy hiệu quả vai trò quan trọng của mình khi tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ ngày càng nhận thức đầy đủ và tích cực, chủ động thực hiện quyền công dân, nghĩa vụ đối với đất nước. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ ngày càng được tăng cường và nâng cao về chất lượng, nhiều người được tín nhiệm bầu, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước. Số lượng cán bộ nữ là Ủy viên Trung ương, là đại biểu Quốc hội liên tục tăng qua các khóa gần đây. Việc bố trí lãnh đạo nữ trong Quốc hội chiếm gần 40%. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội hiện là nữ; chủ nhiệm các cơ quan của Quốc hội là nữ chiếm 22,22%; phó chủ nhiệm các ủy ban chiếm 6,45%; tất cả các ủy ban đều có thành viên là nữ; tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 ở cấp tỉnh là 26,54%, cấp huyện là 27,85% và cấp cơ sở là 26,59%. Những kết quả đó đã đưa vị thế phụ nữ Việt Nam tham gia Quốc hội đứng thứ 2 khu vực châu Á - Thái Bình Dương,
Trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam là một trong 20 thị trường doanh nhân nữ phát triển thuận lợi, mạng lưới doanh nghiệp nữ hoạt động hiệu quả nhất ASEAN. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 9/2019, toàn quốc có gần 285,7 nghìn doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chiếm 24% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Trong đó có 50,8 nghìn doanh nghiệp là công ty cổ phần, gần 140 nghìn công ty TNHH một thành viên, hơn 93 nghìn công ty TNHH hai thành viên trở lên và trên 1,5 nghìn doanh nghiệp tư nhân.
Qua khảo sát trên doanh nghiệp dân doanh tại 63 tỉnh, thành phố, báo cáo của VCCI cho thấy, doanh nghiệp do nữ làm chủ có hoạt động kinh doanh tốt hơn doanh nghiệp do nam giới lãnh đạo. Tỷ lệ có lãi ở doanh nghiệp do nữ làm chủ là 64%, cao hơn 63% ở doanh nghiệp do nam làm chủ. Phụ nữ đủ năng lực trình độ để đảm trách các vị trí quản lý khi có 68,6% chủ doanh nghiệp nữ có trình độ học vấn từ trình độ đại học và thạc sỹ quản trị kinh doanh, trong khi tỷ lệ này ở nam giới là 71,9%.
Các doanh nhân nữ là những người nắm bắt rất nhanh các cơ hội để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như sáng tạo trong kinh doanh. Họ tiên phong hướng tới tạo dựng một nền sản xuất sạch, vì sức khỏe của cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Sự nhạy bén trong nắm bắt cơ hội kinh doanh đã giúp các doanh nhân nữ thuận lợi và có ưu thế được lựa chọn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều sản phẩm của doanh nghiệp được cải tiến, đổi mới phù hợp với nhu cầu của thị trường hơn.
Đến nay, những tấm gương về doanh nhân nữ thành công trên thương trường và tạo lập được những thương hiệu, sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam không chỉ ra khu vực mà trên toàn thế giới có thể kể đến những cái tên như: Vinamilk, TH True milk, Saigon Co.op, Ba Huân… Trong 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam hiện nay, có tới 4 phụ nữ.
Đặc biệt, năm 2020, trước khủng hoảng dịch bệnh Covid-19, một lần nữa đã cho thấy vai trò doanh nhân nữ khi làm chủ được hoạt động của doanh nghiệp với việc nỗ lực duy trì đội ngũ nhân tài, truyền năng lượng tích cực cho nhân viên, cộng sự của mình đồng thời duy trì tổ chức, bảo vệ khách hàng chủ chốt đồng hành… Qua đó đã đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đồng hành, chia sẻ với chính quyền các cấp trong thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ là vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Trong hoạt động xã hội, nhiều phụ nữ ngành y tế, giáo dục, văn hóa, báo chí, thể dục thể thao... đã đạt những danh hiệu cao quý. Nhiều tấm gương điển hình đã trở thành nhân tố truyền cảm hứng. Đặc biệt, vai trò và vị trí của phụ nữ trong lĩnh vực giáo dục đã được cải thiện đáng kể, phụ nữ có đầy đủ năng lực trình độ để đảm nhận các vị trí quản lý, tham gia học tập nâng cao trình độ học vấn cũng như đóng góp nhiều hơn vào các hoạt động giáo dục.
Cụ thể, 10 năm qua, giáo dục đại học và trên đại học Việt Nam đã có bước chuyển mình, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước, trong đó có nguồn lao động nữ. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2019, tỷ lệ lực lượng lao động nữ đã qua đào tạo theo trình độ chuyên môn kỹ thuật từ đại học trở lên là 11,3% (nam 10,1%). Đội ngũ nữ trí thức, nhà khoa học nữ ngày càng tăng. Trong 5 năm (2015- 2020), số lượng nữ được phong hàm Phó Giáo sư tăng hơn 2,6 lần; nữ được phong hàm Giáo sư tăng 1,6 lần.
Phát huy vai trò phụ nữ trong xây dựng NTM
Qua theo dõi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) trên phạm vi cả nước trong 10 năm qua (giai đoạn 2010 - 2020) thấy, phụ nữ đã có nhiều đóng góp tích cực trong xây dựng NTM, hàng triệu phụ nữ đã đóng góp công sức, tiền của xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nông thôn; tham gia hiến đất, góp công làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, các công trình về giáo dục, y tế, văn hóa, là lực lượng chủ chốt tham gia công tác vệ sinh, bảo vệ môi trường nông thôn, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu... Đặc biệt, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp đã phát huy vai trò tích cực, chủ động trong xây dựng NTM. Trong đó, nổi bật là về triển khai thực hiện hiệu quả “Phong trào 5 không, 3 sạch”.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã xác định tham gia xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, do vậy, đã vận động phụ nữ cả nước tích cực tham gia xây dựng NTM bằng nhiều hoạt động thiết thực, đặc biệt, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” đã được Hội triển khai sâu rộng, có sức lan tỏa, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia thực hiện; các cấp Hội thường xuyên đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, qua đó phụ nữ đã hiểu hơn về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chủ động tham gia xây dựng NTM, tích cực thực hiện: Dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, hiến đất xây dựng các công trình giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng...; xây dựng nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, thiết thực, như: con đường hoa, hàng rào xanh, đoạn đường phụ nữ tự quản, nhà sạch vườn đẹp, đoạn đường sáng - xanh - sạch - đẹp, phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế sử dụng túi nilon, “Giúp nhau xóa đói, giảm nghèo”...
Tại nhiều địa phương, Hội Phụ nữ đã cụ thể hóa phong trào 3 sạch bằng việc xây dựng cảnh quan môi trường với các tuyến đường hoa, hàng rào cây xanh và đã trở thành một phong trào rộng khắp trong cả nước. Tại nhiều địa phương (Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Yên, Vĩnh Long,...), phong trào trồng hoa của phụ nữ rất phát triển, đã hình thành nhiều tuyến đường hoa dài hàng chục kilômét... Từ phong trào của Hội Phụ nữ đã lan tỏa thành phong trào chung về trồng cây, trồng hoa ở nông thôn, góp phần đưa nơi đây trở thành những miền quê đáng sống.
Phụ nữ có vai trò quan trọng trong xây dựng gia đình, gắn kết các thành viên cùng chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gia đình, chăm sóc, nuôi dạy thế hệ công dân tương lai của đất nước đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, phụ nữ còn có vai trò quan trọng trong việc chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho gia đình, góp phần giáo dục nhân cách trẻ em, xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc; hăng hái tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao tại các địa phương, nhất là vào những dịp lễ tết, góp phần nâng cao đời sống tinh thần khu vực nông thôn.
Ngoài ra, vai trò của phụ nữ và Hội Phụ nữ các cấp trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở còn thể hiện ở việc Hội là đầu mối tích cực cho các câu lạc bộ văn nghệ, câu lạc bộ thể thao tại nhiều địa phương (như câu lạc bộ Quan họ ở Bắc Ninh, câu lạc bộ Ca trù ở Hà Tĩnh, nhiều câu lạc bộ bóng chuyền nữ,...), góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần ở nhiều vùng nông thôn.
“Chiếm hơn 50% dân số, phụ nữ Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung, trong xây dựng NTM nói riêng. Phụ nữ vừa là chủ thể tham gia xây dựng NTM, vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả của chương trình. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội LHPN Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò nòng cốt, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ tham gia xây dựng NTM”, bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, chia sẻ.
Theo bà Thảo, ngày càng xuất hiện nhiều điển hình nữ nông dân mạnh dạn, năng động, vượt khó đi lên làm giàu trên chính quê hương của mình. Chính họ là những người góp phần bảo tồn các nghề truyền thống, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, giúp nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
“Phụ nữ là nguồn nhân lực lớn trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM, nhất là trong xu hướng đô thị hóa và chuyển dịch lao động. Do nhiều nam giới từ nông thôn ra thành thị nên lực lượng lao động chính ở một số vùng nông thôn chủ yếu là phụ nữ. Phụ nữ đang tham gia trực tiếp, tích cực và vận động người thân trong gia đình tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tham gia sản xuất, kinh doanh”, bà Thảo nhấn mạnh.
Phụ nữ trong công tác giảm nghèo bền vững
Hưởng ứng phong trào phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, nhiều năm qua, trong các cấp Hội Phụ nữ nhiều địa phương đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ “Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường”, trong đó, chú trọng xây dựng các mô hình giúp phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thực hiện phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, đến nay các cấp hội phụ nữ trong tỉnh Quảng Ninh đã thành lập được gần 400 mô hình tổ, nhóm, hộ gia đình phụ nữ phát triển kinh tế. Thông qua các mô hình này, chị em đã xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao như: cánh đồng 50 triệu đồng/ha, hoa cao cấp, vườn - ao - chuồng, nuôi trồng thủy sản, trồng rừng... Song song với các hoạt động này, các cấp Hội còn tập trung đẩy mạnh phong trào “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, bằng việc tập trung rà soát số hộ nghèo, chú trọng khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, khảo sát và tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến nghèo, đói, thực hiện các hoạt động giúp đỡ với phương châm “thiếu gì hỗ trợ nấy”. Từ những hoạt động hỗ trợ trên, nhiều chị em đã thoát nghèo, trở thành những tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi, có điều kiện tham gia giúp đỡ những hội viên khác phát triển kinh tế và làm giàu.
Tại tỉnh Lạng Sơn, với phương châm “trao cần câu thay xâu cá”, các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hiện nay đi sâu vào việc hỗ trợ các mô hình sinh kế, có sự bám sát theo dõi mô hình của cán bộ hội. Trong đó, ưu tiên, hướng dẫn hội viên tham gia các mô hình kinh tế tập thể như: hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT). Hiện nay, toàn tỉnh có trên 80 THT, HTX do phụ nữ làm chủ. Tiêu biểu như trong năm 2020, các cấp hội đã hỗ trợ, hướng dẫn thành lập các mô hình như: THT chăn nuôi gà Ri lai xã Tam Gia; THT trồng chè hoa vàng, xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình; HTX làm bánh tại xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn…
Bà Nông Thanh Hải, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn, cho biết: Chúng tôi chỉ đạo các cấp Hội thường xuyên rà soát, nắm bắt nhu cầu hỗ trợ về kinh tế của hội viên, đặc biệt là phụ nữ nghèo làm chủ hộ, để đưa ra các hình thức giúp đỡ phù hợp. Trong đó, đẩy mạnh phong trào “Phụ nữ giúp nhau giảm nghèo có địa chỉ”, chú trọng hỗ trợ các mô hình sinh kế, kết nối phụ nữ tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, khoa học kỹ thuật, vận động chị em tham gia các mô hình kinh tế tập thể… Qua đó, góp phần giúp phụ nữ tự tin, năng động trong phát triển kinh tế, khẳng định vị thế trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Gần đây, phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững đã được các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) chú trọng triển khai thực hiện. Thông qua nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau, chị em phụ nữ ở Vĩnh Linh đã phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp nhau xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần to lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Điều đáng ghi nhận là, ngày càng có nhiều mô hình làm kinh tế giỏi do phụ nữ làm chủ. Nếu năm 2006, toàn huyện chỉ có 40 mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, nay tăng lên 210 mô hình với thu nhập bình quân 80 triệu đồng đến 1 tỉ đồng/mô hình/ năm trở lên. Thu nhập bình quân đầu người của hội viên phụ nữ đạt 50 triệu đồng/năm. Hộ nghèo giảm dần qua từng năm. Từ năm 2016 đến nay, Hội Phụ nữ huyện đã giúp 469 hộ thoát nghèo trong đó 219 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Xây dựng được 104 mô hình giảm nghèo bền vững; 48 tổ hợp tác về sản xuất thực phẩm an toàn hoạt động hiệu quả, bước đầu mang về lợi nhuận khả quan.
Phải khẳng định, phong trào giúp nhau phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững của Hội Phụ nữ Vĩnh Linh đã tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho chị em phụ nữ, nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, góp phần xây dựng gia đình “ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, đóng góp sức mình xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Giải pháp nâng tầm vị thế phụ nữ
Mặc dù đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội nhưng phụ nữ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại như: Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia các vị trí quản lý, lãnh đạo vẫn còn thấp, chưa tương xứng với vai trò, vị trí và năng lực của phụ nữ; doanh nghiệp do nữ làm chủ còn gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm khách hàng, tuyển dụng nhân sự, xây dựng các mối quan hệ đối tác... Hầu hết các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có quy mô nhỏ và siêu nhỏ; một số doanh nghiệp nữ vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn hỗ trợ về vốn... Ngoài ra, lao động nữ cũng đang làm các công việc không ổn định, dễ bị tổn thương hơn so với lao động nam. Những định kiến, bất bình đẳng đối với phụ nữ vẫn còn xảy ra ở một bộ phận nhỏ trong xã hội đang gây trở ngại cho sự phát triển tham gia hoạt động xã hội của người phụ nữ.
Để tạo điều kiện giúp phụ nữ tham gia đóng góp nhiều hơn nữa vào phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp như:
Một là, tiếp tục quán triệt các quan điểm, mục tiêu công tác phụ nữ trong tình hình mới. Tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phụ nữ, đặc biệt là Nghị quyết số 11-NQ/TƯ, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị khoá X về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Chỉ thị số 21-CT/TƯ, ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới.
Hai là, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành cần quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu công tác phụ nữ trong tình hình mới từ đó tổ chức lãnh đạo, xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể, tạo bước chuyển biến về chất lượng và hiệu quả công tác phụ nữ ở từng ngành, địa phương, đơn vị.
Ba là, quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, theo đó, cần xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng lao động nữ nói chung và cán bộ nữ nói riêng. Sớm xác định những ngành, những lĩnh vực phù hợp, phát huy được thế mạnh của phụ nữ, những chức danh lãnh đạo và quản lý cần có cán bộ nữ, từ đó có kế hoạch tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt và sử dụng. Chú ý phát hiện tài năng trẻ và có quy trình đào tạo, bồi dưỡng thích hợp để sớm đề bạt, sử dụng.
Bốn là, phụ nữ cần phấn đấu, vươn lên, nhận rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong xã hội và gia đình. Bên cạnh đó, không ngừng nỗ lực, tự nắm bắt xu thế cũng như các cơ hội giáo dục, đào tạo nghề nghiệp để từ đó vươn lên và phát huy tiềm năng đóng góp tích cực vào hoạt động phát triển kinh tế-xã hội.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 3 động lực quan trọng nhất tác động đến sự phát triển của kinh tế trong tương lai, đó là: Doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ; phụ nữ; Internet. Nếu phát huy được 3 động lực này sẽ tạo thế chân kiềng để nền kinh tế bứt phá. |
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.