Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 31 tháng 10 năm 2015 | 4:25

Viện Công nghệ điện tử - Di động chất lượng cao SG: Quảng cáo hay, đào tạo dở!

Một nhóm học viên đã kéo đến Viện Công nghệ điện tử - Di động chất lượng cao SG, trụ sở chính tại số 17 Nguyễn Thái Sơn, phường 3, quận Gò Vấp (TP.Hồ Chí Minh) đòi lại học phí vì chương trình giảng dạy, điều kiện cơ sở vật chất không như quảng cáo.

Quảng cáo chất lượng trên trời

Tại trụ sở chính của Viện Công nghệ điện tử - Di động chất lượng cao SG, cả chục học viên cầm trên tay những tờ đơn và bức xúc yêu cầu được gặp trực tiếp ông giám đốc Hoàng Ngọc Phương để đòi lại tiền học phí vì quảng cáo trên trời nhưng đào tạo kiểu “đem con bỏ chợ”.

Nhóm học viên bức xúc trình bày sự việc với phóng viên.

Theo trình bày của các học viên, khi tìm hiểu trên mạng internet thấy Viện Công nghệ điện tử - Di động chất lượng cao SG đang mở chương trình đào tạo sửa chữa điện thoại di động với những lời quảng cáo có cánh (sẽ tạo dựng cho bạn tương lai vững chắc; siêu giảm học phí và bao ra nghề; nếu công ty không đảm bảo việc làm sẽ hoàn trả lại 100% học phí…), nhiều người hào hứng đăng ký khóa đào tạo với mức học phí 11,1 triệu đồng/khóa (4 tháng). Thời gian nhập học bắt đầu từ ngày 10/6/2015. Thế nhưng, khi nhập học được khoảng 3 tuần thì học viên thấy nội dung giảng dạy cũng như điều kiện cơ sở vật chất của viện không đáp ứng được quá trình học.

Viện Công nghệ Điện tử - Di động chất lượng cao SG quảng cáo trên mạng.

Học viên Thái Hòa bức xúc nói: “Khi chúng tôi vào học thì thấy thiếu nhiều trang thiết bị cần thiết để phục vụ cho việc học tập như máy khò, máy hàn, đồng hồ đo và điện thoại để thực hành. Đội ngũ giáo viên giảng dạy cũng không đủ trình độ chuyên môn kỹ thuật, không có giáo trình hướng dẫn học viên cả về lý thuyết lẫn thực hành khiến chúng tôi chẳng biết học kiểu gì”.

Theo Hòa, khi học viên thắc mắc về một số kiến thức, kỹ thuật cơ bản sửa chữa điện thoại, giáo viên của viện rất lúng túng không trả lời được, rồi nói về nhà tra google thì biết (?). Hầu hết thời gian trên lớp, giáo viên chỉ ngồi chơi và lướt mạng, bỏ mặc học viên tự trao đổi hướng dẫn nhau và phải tự mày mò học. Do vậy, nhiều lần học viên trong lớp đã bức xúc kiến nghị lên cán bộ quản lý của viện nhưng chờ mãi không thấy câu trả lời. Thậm chí, cả lớp đã phải viết đơn phản ánh về tình trạng giảng dạy kém chất lượng của giáo viên nhưng chờ hơn 10 ngày sau mới thấy ông giám đốc Hoàng Ngọc Phương xuất hiện, hứa sẽ chấn chỉnh và cải thiện chương trình đào tạo. Tuy nhiên, sau đó học viên vẫn không hề thấy bất cứ sự thay đổi nào.

Bỏ mặc học viên ngồi tự mày mò nghiên cứu, giáo viên ngồi chơi game online trong giờ lên lớp.

Ngày 20/7/2015,  học viên vừa tiếp tục nộp đơn khiếu nại lần thứ 2 thì lập tức ông Phương vào lớp lớn tiếng chửi bới, quát tháo ầm ĩ, rồi bắt bẻ lại những thắc mắc của từng học viên và dọa sẽ ra quyết định buộc thôi học nếu ai cố tình cãi ngang. Ông Phương còn bắt buộc các học viên phải nghiêm túc tuân thủ theo “nội quy” của viện. “Khi gặp được ông Phương, chúng tôi đã yêu cầu phải có giáo trình học tập và sắp xếp thời gian biểu cho từng môn học. Tuy nhiên, ông Phương đã không chấp nhận còn yêu cầu chúng tôi phải chấp hành theo phương pháp đào tạo riêng của viện”, học viên Nguyễn Thành Trung ấm ức nói.

Cố tình né tránh học viên

Theo các học viên, họ đăng ký khóa đào tạo nghề này là do tình cờ đọc được thông tin quảng cáo trên mạng internet. Hầu hết học viên đều đến từ các tỉnh và có hoàn cảnh khó khăn phải mướn phòng trọ để hàng ngày đi học mong kiếm được nghề nghiệp ổn định.

Đơn khiếu nại của học viên gửi các cơ quan chức năng.

Cầm tờ hóa đơn trên tay, Nguyễn Thành Trung (ở Long Khánh, Đồng Nai) ấm ức tâm sự: “Trước khi vào học ở đây tôi làm nghề bán rau, nhưng công việc cho thu nhập thấp và bấp bênh. Tình cờ một lần đọc được thông tin trên mạng thấy quảng cáo quá mê nên tôi đã quyết định vay đủ tiền đóng học phí để nhập học, nào ngờ…!”.

Tương tự, anh Phạm Phú Quốc (Trà Vinh) làm nghề phục vụ quán ăn tại quận Bình Thạnh, chỉ vì nghe lời quảng cáo đã ráng “chạy” đủ tiền đóng học phí để theo đuổi đam mê sửa chữa điện tử, nhưng nay đang đứng trước nguy cơ tiền mất, nghề học cũng chẳng xong.

Đặc biệt, trường hợp của Châu Quốc Lập, đi xuất khẩu lao động bên Canada làm nghề điều dưỡng, vì công việc quá vất vả, thu nhập bấp bênh nên khi đọc được thông tin quảng cáo trên mạng anh đã quyết định bỏ về nước đăng ký theo học khóa đào tạo này, hy vọng sau khi học xong sẽ có việc làm ổn định trên quê hương mình. Ấy vậy mà, đến nay, anh Lập cũng chung số phận như nhiều học viên khác: “Tôi bị lừa, vừa mất tiền lại mất cả công việc đang làm…!”, Lập buồn rầu than vãn.

Những học viên đang tập trung đòi gặp giám đốc Phương để giải quyết sự việc

Trao đổi với phóng viên, các học viên cho biết, đa số mọi người đều đóng đầy đủ tiền học phí theo quy định. Tuy nhiên, sau nhiều lần kiến nghị và thỏa thuận điều chỉnh chương trình đào tạo bất thành, tất cả các học viên trong lớp đã quyết định nghỉ học và yêu cầu Viện Công nghệ điện tử - Di động chất lượng cao SG phải thực hiện đúng cam kết như trên mạng quảng cáo cũng như trong giấy nhập học “viện sẽ hoàn lại học phí cho học viên nếu không đáp ứng được chương trình giảng dạy”. Tuy nhiên, đến nay, đơn vị này tuyên bố không chấp nhận giải quyết, ông Phương cũng cố tình tìm cách né tránh không chịu gặp học viên…

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc./.

 

 ThS, LS.Nguyễn Trung Dũng, Giảng viên Khoa Luật Trường ĐH Vinh, cho biết, về nguyên tắc, Doanh nghiệp Hoàng Phương đã sử dụng tên đơn vị “viện” là trái pháp luật, vì “nhái” theo tên gọi của Nhà nước nhằm mục đích đánh lừa niềm tin của học viên.

Theo Luật KH-CN, Viện phải được Bộ KH-CN hoặc Sở KH-CN mới có thẩm quyền thành lập, người đứng đầu là Viện trưởng phải có học vị từ tiến sĩ trở lên. Do vậy, doanh nghiệp này đã vi phạm quy định về tên gọi không đúng với giấy phép, cho nên dù tất cả các học viên khi đã học xong thì “viện” này vẫn không đủ tính pháp lý để cấp chứng chỉ và thu tiền học phí.

Nhóm PV điều tra

 
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top