Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 20 tháng 6 năm 2019 | 15:14

Việt Nam và khát vọng vươn lên

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những người làm công nghệ, người làm báo cần có khát vọng vươn lên, phát triển hơn nữa để đưa đất nước  tiến lên.

tr11.jpg
tr11.jpg

 

Bày tỏ ấn tượng về cụm từ “Sáng tạo và khát vọng Việt Nam” được dùng trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những người làm công nghệ, người làm báo cần có khát vọng vươn lên, phát triển hơn nữa để đưa đất nước  tiến lên.

Thủ tướng nhấn mạnh: Con đường đi lên, đi nhanh của nước ta phải là công nghệ và doanh nghiệp công nghệ cao.

Báo chí góp phần tạo sự đồng thuận xã hội

Thủ tướng nhìn nhận, lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông đã đóng góp lớn cho đất nước về doanh thu, lợi nhuận, hình thành được đội ngũ doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin có thương hiệu và tạo ra một lượng lớn việc làm cho người lao động.

Lĩnh vực báo chí góp phần quan trọng vào việc tạo ra sự đồng thuận xã hội, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp của Đảng, Nhà nước.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định lại đúng vai trò, sứ mệnh của lĩnh vực bưu chính, viễn thông, thông tin, tuyên truyền và làm tốt công tác định hướng chiến lược cho sự phát triển của các lĩnh vực này.

Theo Thủ tướng, năm 2018, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm tốt vai trò kiến tạo, thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường viễn thông; nghiên cứu quy hoạch tần số để triển khai thử nghiệm công nghệ 5G trong năm 2019. Tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” đứng đầu khu vực ASEAN về số lượng duy trì sử dụng và thuộc top 10 tên miền mã quốc gia có số lượng đăng ký sử dụng cao nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Công nghiệp phần mềm tiếp tục là ngành duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao (13,8%) với doanh thu ước đạt 4,3 tỷ USD, xuất khẩu ước đạt 3,5 tỷ USD. Số doanh nghiệp phần mềm đạt khoảng 10.000 cơ sở với lực lượng nhân lực 120.000 người.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng bày tỏ không hài lòng trước việc thứ hạng ICT của Việt Nam còn thấp, thậm chí tụt hạng. “ICT, đáng lẽ là đầu tàu cả nước thì những năm gần đây chậm lại rất nhiều”, Thủ tướng nói và cho biết, WEF vẫn đánh giá Việt Nam tụt hạng do sự sẵn sàng về cách mạng công nghiệp 4.0 chưa tốt. Đây chính là trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ngoài ra, vai trò của một số Sở Thông tin và Truyền thông còn mờ nhạt, chưa đóng góp nhiều vào lĩnh vực công nghệ; mạng xã hội còn nhiều bất ổn. Cả nước có gần 18 nghìn nhà báo nhưng chưa thực sự đồng tâm hiệp lực, xây dựng, phát triển đất nước.

Do đó, Thủ tướng  nhấn mạnh đến khâu xây dựng thể chế và nhiệm vụ đào tạo cán bộ trong lĩnh vực công nghệ thông tin và lưu ý đây là nhiệm vụ quan trọng của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Nông nghiệp lọt top 15 quốc gia phát triển nhất

Tại Hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT diễn ra đầu năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: "Ngành nông nghiệp phải khơi gợi được khát vọng của dân tộc, phải phấn đấu trong 10 năm nữa Việt Nam lọt nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất. Riêng lĩnh vực chế biến nông sản phải vào nhóm 10 nước của thế giới".

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam phải phấn đấu trở thành một trung tâm chế biến xuất khẩu đồ gỗ, sản xuất tôm lớn của thế giới. Riêng lĩnh vực chế biến nông sản phải vào nhóm 10 nước của thế giới.

Trong năm 2019, Thủ tướng yêu cầu ngành nông nghiệp phải đạt tăng trưởng cao, ít nhất 3%, xuất khẩu đạt 42-43 tỉ USD, có 70 huyện và 50% số xã đạt chuẩn NTM, tỉ lệ che phủ rừng đạt 41,85%.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và PTNT cần có thể chế pháp luật tốt, xóa bỏ những thể chế lạc hậu để nông nghiệp có bước tiến mới.

Tái cơ cấu mạnh mẽ hơn mô hình tăng trưởng nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, trong đó có việc xây dựng sản phẩm chủ lực quốc gia, cấp tỉnh.

Làm tốt công tác thị trường, dự báo, cung cầu, phát triển thị trường mới, đặc biệt xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam như gạo, tôm, lúa... vì hiện chúng ta còn hơi chậm so với Thái Lan, Campuchia.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, công nghệ sinh học và áp dụng thành tựu khoa học công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo...

Tiếp tục xây dựng mục tiêu nông thôn mới như mục tiêu đã đề ra về môi trường sống, vật chất tinh thần cho người dân, cơ chế cho những vùng khó khăn trong xây dựng nông thôn mới, không bị bệnh thành tích mà phải chú trọng tới đời sống người dân...

Khát vọng vươn lên của khu vực tư nhân

Tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kinh tế tư nhân nổi lên như một trong những động lực quan trọng, dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Sau khi có Nghị quyết Trung ương 5, Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân, mặc dù chưa có sự đánh giá tổng kết đầy đủ những kết quả đạt được nhưng 2 năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự lớn mạnh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên của khu vực tư nhân.

Tuy nhiên, những kết quả này vẫn còn thấp so với mức tiềm năng. Đúc kết thực tiễn ở các nước đã thành công trong cải cách kinh tế cũng cho thấy khu vực kinh tế tư nhân trong nước có vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển. Các ngành, các cấp cần phải tìm cách kích hoạt vai trò này tốt hơn nữa.

“Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ và cá nhân tôi đã liên tục động viên tư nhân khởi nghiệp, nuôi dưỡng khát vọng lớn trong phát triển. Tôi tin rằng nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể hùng mạnh khi có những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu”, Thủ tướng nói.

Tiếp theo xu hướng từ đầu nhiệm kỳ, chủ trương thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp đã mang lại kết quả tích cực với trên 131 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và trên 34 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Chúng ta tự hào có nhiều tập đoàn tư nhân đang phát triển lớn mạnh và nhiều công trình, dự án rất lớn hứa hẹn tạo ra bứt phá cho tương lai, như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Bắc Nam, tổ hợp lọc dầu Nghi Sơn, các tổ hợp sản xuất ô-tô Trường Hải, Vinfast….

Nhiều doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn, biến điều không thể thành có thể, vươn lên khẳng định mình, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Có những lĩnh vực Việt Nam đã trở thành một trong những công xưởng của thế giới như: điện thoại di động, điện tử, lắp ráp ô-tô, dệt may, da giầy, gạo, tôm, cá tra... 

Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thành công gắn với Cách mạng công nghiệp lần thứ  4, thu hút được sự quan tâm của nhiều quỹ đầu tư quốc tế,trong nước. Đây chính là những yếu tố tạo nên nền tảng của một nền kinh tế ứng dụng công nghệ cao và phát triển kinh tế số.

Sự thần tốc của VinFast

 Phát biểu tại lễ khánh thành Nhà máy sản xuất ô tô VinFast tại Hải Phòng ngày 14/6, Thủ tướng bày tỏ ngạc nhiên với những kết quả đạt được chỉ sau đúng 650 ngày kể từ khi Thủ tướng dự lễ khởi công Nhà máy này-2/9/2017. Sự thần tốc trong việc xây dựng Nhà máy ô tô Vinfast cho thấy một khát vọng lớn và cháy bỏng ngọn lửa nhiệt huyết trong những con người đã chung tay góp trí làm nên một dự án có thể gọi là kỳ tích của ngành ô tô Việt Nam cũng như trên thế giới.

Điều này chứng minh chân lý giản đơn, đó là chỉ có khát vọng và lý tưởng mới là động lực thôi thúc chúng ta hành động biến ước mơ thành hiện thực. Kết quả này không phải chỉ để minh chứng rằng người Việt Nam có thể làm được những điều mà thế giới làm được, quan trọng và thực tế hơn, nó đóng góp trực tiếp vào các thành quả kinh tế và xã hội của địa phương cũng như của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực để hướng tới mục tiêu một nước có nền công nghiệp phát triển và xã hội khá giả vào năm 2045.

Thủ tướng mong muốn VinFast hãy chủ động liên kết và hợp tác với các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam như Thaco, Thành Công… để tăng sức mạnh cộng hưởng. Tất cả cùng hướng đến mục tiêu xác lập vị thế vững chắc thị trường trong nước và sớm đưa ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tiến ra khu vực và toàn cầu.

 

Tầm nhìn Việt Nam 2030 và 2045

“Đến những năm 2030, Việt Nam hướng tới một xã hội khá thịnh vượng, thuộc nhóm có thu nhập trung bình cao. Nền kinh tế thị trường đã phát triển hơn trong nước sẽ do khu vực tư nhân dẫn dắt, có khả năng cạnh tranh, và hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại buổi làm việc đầu Xuân Kỷ Hợi 2019 với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

GDP bình quân đầu người 2030 đạt ít nhất 18.000 USD (theo giá PPP năm 2011), tương đương với Malaysia  năm 2010. Khi đó trên 50% dân số Việt Nam sống ở khu vực đô thị. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP ở mức hơn 90% và đóng góp hơn 70% việc làm. Tỷ trọng của khu vực tư nhân trong GDP ít nhất là 80%. Chỉ số phát triển con người theo Liên Hợp quốc (HDI) đạt ít nhất 0,7.

Về tầm nhìn đến 2045, Thủ tướng mong muốn: “Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển. Dân tộc chúng ta không hề thua kém bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới; khả năng con người Việt Nam không hề kém hơn so với dân tộc khác; lòng yêu nước của chúng ta không hề thua kém họ”.

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Lai Châu: Đưa cây sâm trở thành sản phẩm thương hiệu quốc gia

    Lai Châu: Đưa cây sâm trở thành sản phẩm thương hiệu quốc gia

    Tỉnh Lai Châu phấn đấu đến năm 2030, diện tích trồng sâm đạt khoảng 3.000ha, sản lượng khoảng 30 tấn/năm; đến năm 2035, trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc gia, có giá trị xuất khẩu cao.

  • Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Vừa qua, trong khuông khổ của Hội chợ Nông nghiệp Mekong Agri Expo 2024 ở Đồng Tháp, tại Hội thảo về nông nghiệp tuần hoàn, nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển nông nghiệp tuần hoàn là một hướng đi mới trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo và giảm lượng chất thải ra môi trường.

  • Bến Tre cần khai thác tiềm năng tín chỉ carbon từ cây dừa

    Bến Tre cần khai thác tiềm năng tín chỉ carbon từ cây dừa

    Bến Tre có diện tích trồng dừa lớn nhất nước với khoảng 78.000 ha, với diện tích này, tỉnh có tiềm năng lưu trữ từ 1,9 - 5,8 triệu tấn CO2. Với giá bán khoảng 5 USD/tấn CO₂, có thể mang lại thu nhập thường xuyên cho người dân trồng dừa nơi đây.

Top