Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 29 tháng 5 năm 2016 | 9:31

Viết tiếp bài sai phạm ở Kho bạc Nhà nước tỉnh Nam Định: Có hay không lợi ích nhóm?

Lần theo manh mối đơn bạn đọc phản ánh, chúng tôi liên tiếp phát hiện ra hàng loạt việc làm mờ ám trong đầu tư xây dựng và quản lý tài sản tại Kho bạc Nhà nước Nam Định, dẫn đến thất thoát, lãng phí ngân sách hàng trăm tỷ đồng.

>> Cố ý làm trái, gây thiệt hại nghiêm trọng

>> Mang của công cho mượn

>> Lãng phí ngân sách nhà nước?

>> Kho bạc Nhà nước tỉnh Nam Định: “Khuất tất” việc bổ nhiệm cán bộ (?!)

Việc xây dựng trụ sở làm việc của Kho bạc Nhà nước Nam Định có nhiều khuất tất.

Chiếu theo Khoản 1, Điều 32, Nghị định 52/2009/NĐ-CP của Chính phủ thì Kho bạc Nhà nước Nam Định phải hạch toán và báo cáo hàng năm về cơ sở hoạt động tại số 60 đường Phạm Ngũ Lão và Ki ốt số 5 Chợ Rồng (TP.Nam Định) lên Kho bạc Nhà nước Việt Nam. Mặt khác, hai cơ sở này đã dừng hoạt động quá 12 tháng. Theo Khoản 1, Điều 12, Nghị định 52/2009/NĐ-CP, thuộc diện phải thu hồi.

Lúc này, trách nhiệm thu hồi thuộc về ông Nguyễn Hồng Hà, Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Việt Nam như quy định tại Khoản 2, Điều 13, Nghị định 52/2009/NĐ-CP. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì người có trách nhiệm cao nhất của Kho bạc Nhà nước Việt Nam lại không thu hồi sau một thời gian dài ngừng hoạt động.

Chưa dùng lại ở đó, việc xây dựng trụ sở Kho bạc Nhà nước Nam Định cũng có nhiều “khuất tất”. Cụ thể, ngày 24/02/2011, Chính phủ ra Nghị quyết số 11/NQ-CP chỉ đạo thắt chặt tài khóa, giảm đầu tư công, không bố trí kinh phí cho các việc chưa thật sự cấp bách, những dự án đã chi nhưng chưa cấp bách phải thu hồi vốn. Đặc biệt, ngày 15/10/2011, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 1792/CT-TTg xác định vốn ngân sách nhà nước rất hạn hẹp, yêu cầu các bộ ban ngành điều chỉnh theo hướng giảm dần đầu tư công.

Song, Kho bạc Nhà nước Nam Định vẫn được đầu tư xây mới trong khi công trình chưa xuống cấp nghiêm trọng. Theo Điểm a, Khoản 2, Mục 2, Điều 1, Quyết định số 206/2006/QĐ-TTg ngày 14/ 11/ 2006 quy định điều kiện để được xem xét xây dựng bổ sung trụ sở thì: “Trụ sở làm việc hiện có đã xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng phải phá dỡ xây dựng lại”.

Ngày 10/4/2014, Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình xây dựng, Sở Xây dựng Nam Định ra kết luận, trong đó có phần kết cấu (chịu lực): “Về lâu dài không đảm bảo an toàn về khả năng chịu lực”.

Thế nhưng, công trình vẫn bị đập bỏ (2.990m2) để xây công trình mới với kinh phí gần 86 tỷ đồng, vượt xa mức Bộ Tài chính phê duyệt là 20 tỷ đồng, trong khi nhu cầu mở rộng lại không có vì biên chế giảm dần theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP và khối lượng công việc giảm do áp dụng phần mền TabMis.

Điều đặc biệt lãng phí là, diện tích mới (5.521m2) vượt tới 2.767m2 so với tiêu chuẩn cho phép (2.754m2) tại Quyết định 206/QĐ-TTg năm 2006 và Quyết định 1991/2014/QĐ-BTC.

Hơn nữa, theo Điểm b, Khoản 2, Mục 2, Điều 1, Quyết định 206/QĐ-TTg năm 2006, công trình xây dựng Kho bạc Nhà nước Nam Định chỉ được tiến hành khi đã “bố trí kế hoạch vốn trong ngân sách được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Trong khi cấp có thẩm quyền chưa bố trí vốn, ông Vũ Văn Yên, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Nam Định, đã làm hồ sơ trình xin phê duyệt và ông Nguyễn Quang Vinh, Phó tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Việt Nam vẫn phê duyệt đầu tư dự án vào ngày 24/9/2014 với kinh phí gần 86 tỷ đồng. Đứng trước sự việc đã rồi, gần 3 tháng sau, tức ngày 16/12/2014, Bộ Tài chính  mới ra Quyết định số 3259/QĐ-BTC điều chỉnh phê duyệt kế hoạch vốn.

Qua việc này, dư luận hoài nghi có hay không lợi ích nhóm ở đây?

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin diễn biến vụ việc tới bạn đọc.

Nhất Nam

 

Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top