Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 3 tháng 8 năm 2015 | 8:57

Viết tiếp bài “Chính quyền thu hồi đất rồi bán với giá cao, dân bức xúc”: Hỗn loạn tại phiên đấu giá

Trong phiên bán đấu giá đất do Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sơn Hòa (Phú Yên) phối hợp với Công ty cổ phần Đấu giá và Dịch vụ bất động sản Thiên Việt tại Phú Yên tổ chức sáng 30/7, nhiều người dân có đất bị thu hồi ở khu Ba Bản - Quốc lộ 25 - Nhà máy đường Sơn Hòa đã bức xúc, kéo đến hỏi cho ra lẽ.

>> Phú Yên: Chính quyền thu hồi đất rồi bán với giá cao, dân bức xúc

Bên trọng bên khinh

Tại phiên đấu giá, bức xúc vì UBND huyện Sơn Hòa ra quyết định thu hồi đất của dân rồi đem bán đấu giá với giá cao, nhiều hộ dân đã kéo đến hội trường Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện Sơn Hòa - nơi tổ chức phiên đấu giá - để lên tiếng phản đối. Ngay khi hội đồng bán đấu giá tuyên bố mở phiên đấu giá và công bố các lô đất cùng giá bán khởi điểm, người dân địa phương đã yêu cầu ngừng phiên đấu giá để “làm cho ra lẽ”. Một số người còn “đòi sống đòi chết” tại hội trường khiến phiên đấu giá phải gián đoạn để cơ quan chức năng trả lời những thắc mắc của người dân. Các hộ dân có đất bị thu hồi liên tục đặt câu hỏi: Tại sao trong cùng một khu vực có hộ bị thu hồi đất, có hộ không? Đối tượng như thế nào thì được giữ đất, đối tượng nào bị thu hồi? Tại sao chính quyền thu hồi nhiều lô đất nhưng chỉ bán đấu giá một số lô, số còn lại vẫn “treo”? Căn cứ vào đâu huyện Sơn Hòa quyết định như vậy?... Trong khi đó, đại diện các cơ quan chức năng chỉ trả lời lấp liếm, qua loa: “Có thắc mắc gì thì bà con lên cấp trên, còn chúng tôi chỉ làm theo nhiệm vụ” khiến người dân càng thêm nghi ngờ và vô cùng bức xúc.

Người dân phản đối tại phiên bán đấu giá đất vào ngày 30/7/2015.

Ông Tô Văn Lục ở thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, một trong những người có đất bị thu hồi ở khu Ba Bản - Quốc lộ 25 - Nhà máy đường Sơn Hòa, cho biết: Sơn Hòa là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, hơn 80% dân số làm nông nghiệp. Hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng chưa được đầu tư đúng mức. Xuất phát từ thực tế đó, mong muốn của người dân cũng như chính quyền địa phương là cần cú hích mạnh cho người dân an cư lạc nghiệp. Ngày 1/2/2001, UBND huyện Sơn Hòa có Thông báo số 06/TB-UB về việc giao đất xây dựng nhà ở theo quy hoạch đã phê duyệt khu Ba Bản - Quốc lộ 25 - Nhà máy đường Sơn Hòa, tôi thấy mình có đủ điều kiện như quy định nên đã đăng ký mua 1 lô đất ở khu vực này và đóng đủ tiền đầy đủ. Sau đó, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số T232217 tại tờ QH01 số thửa 15B, diện tích 200m2, mục đích xây dựng nhà ở lâu dài. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, mấy năm sau, huyện lại thu hồi đất của nhà tôi, “treo” từ đó đến nay rồi đem ra bán đấu giá. Theo tôi được biết, mặc dù cùng bị thu hồi đất  nhưng hôm nay, đất của một số hộ lại không bị đem ra bán đấu giá. Chúng tôi thấy chính quyền làm thế là không công bằng, không minh bạch nên đến đây phản đối”.

Tại phiên đấu giá, không riêng hộ ông Lục, nhiều hộ khác nằm dọc theo trục đường này bị thu hồi cũng phản ứng trước cách làm không minh bạch của chính quyền địa phương. “Nếu nhà nước thu hồi đất để xây dựng công trình phúc lợi công cộng thì chúng tôi đồng ý. Đằng này, huyện thu hồi đất rồi đem đi bán đấu giá, trong khi chúng tôi yêu cầu được tái định cư, họ lại không cho và yêu cầu mua hồ sơ bán đấu giá thì quá vô lý và bất công”, ông Nguyễn Xuân Phương ở khu phố Trung Hòa, thị trấn Củng Sơn, người mua lô đất 15C, bức xúc nói.

“Tôi mới lên làm cũng chưa nắm rõ”

Theo người dân, quá trình thu hồi đất, cũng như giải quyết bồi thường của UBND huyện Sơn Hòa có nhiều điểm chưa thỏa đáng. Ông Phương bức xúc: “Có những lô cũng bị thu hồi như chúng tôi nhưng trong phiên bán đấu giá lại không đề cập đến. Theo tìm hiểu của người dân, những lô đất đó là của các cán bộ trên địa bàn huyện. Vậy còn gì là công bằng nữa? Chúng tôi đã khiếu nại lên tỉnh, huyện đề nghị giải quyết thỏa đáng nhưng vụ việc vẫn “giậm chân tại chỗ”, chưa có câu trả lời thỏa đáng từ ngành chức năng và  chính quyền”.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng lô đất  15B của gia đình ông Lục.

Có mặt ở huyện miền núi Sơn Hòa, nhóm PV mới hiểu được sự bất bình của người dân liên quan đến việc thu hồi đất. Lý do UBND huyện Sơn Hòa đưa ra khi thu hồi đất là vì giao không đúng đối tượng; thế nhưng, tại phiên bán đấu giá, chính những người này lại đi đấu giá để mua lại những lô đất vừa bị thu hồi. Điều đáng nghi nữa là những lô đất của cán bộ làm nhà nước chỉ có hai người đấu. Trước đó, người dân có hỏi mua hồ sơ những lô này để đấu giá thì bên bán hồ sơ nói đã hết hồ sơ. Hành động này có phải là vì lợi ích nhóm không? “Một số người dân cầm sổ đỏ thế chấp vay vốn ngân hàng làm ăn thì ngân hàng từ chối với nhiều lý do, điều này khiến chúng tôi bị thiệt hại rất nhiều vì không tiếp cận được vốn để sản xuất, kinh doanh”, một người dân bức xúc.

Cũng theo người dân này, điều mà ông vô cùng bức xúc là năm 2001, UBND huyện Sơn Hòa ra quyết định cấp đất, mãi đến 5 năm sau, tức là năm 2006, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa Cao Minh Hòa (nay là Phó bí thư Huyện ủy) mới ra quyết định thu hồi đất. Khi hỏi lãnh đạo huyện tại sao lại thu hồi đất trong khi người dân đã có sổ đỏ, thì những người này nói do cấp không đúng đối tượng. “Thật vô lý, nếu không đúng đối tượng tại sao mãi một thời gian dài sau đó mới ra quyết định thu hồi?”, một người dân khác thắc mắc.

Chúng tôi đưa toàn bộ những bức xúc, kiến nghị của người dân đến trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sơn Hòa, ông này cho biết: “Tôi mới lên làm cũng chưa nắm rõ”.

Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là những lô đất khác cũng bị thu hồi nhưng không hiểu vì lý do gì trong phiên bán đấu giá ngày 30-7 vừa qua không bị đưa ra đấu giá. Sự nghi ngại về việc thu hồi đất của dân rồi phù phép cho những người khác được quyền sử dụng đất là hoàn toàn có cơ sở. UBND tỉnh Phú Yên, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc quyết liệt để sớm chấm dứt sự hoài nghi, tạo niềm tin trong nhân dân.

Nhóm PV điều tra

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top