Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 26 tháng 2 năm 2014 | 2:44

Viết tiếp vụ chi sai 26,5 tỷ đồng cho Cty Hoàng Lâm Điện Biên: Đủ dấu hiệu khởi tố hình sự

Quan điểm về vụ việc chi sai hàng chục tỷ đồng tiền ngân sách nhà nước cho Công ty TNHH Hoàng Lâm Điện Biên, Luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh - Đoàn luật sư Thành phố Hà nội cho rằng, có dấu hiệu vi phạm quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đã quá rõ, cơ quan CSĐT cần khởi tố vụ án để tiếp tục điều tra làm rõ...

Vụ chi sai 26,5 tỷ đồng cho Cty Hoàng Lâm Điện Biên: Hé lộ những “mắt xích” quan trọng trong vở kịch tồi!


Như báo Kinh tế nông thôn đã đăng tải, nhằm “thâu tóm” toàn bộ số tiền 26,5 tỷ đồng tiền ngân sách nhà nước, Công ty Hoàng Lâm đã vẽ ra viễn cảnh hoành tráng về việc xây dựng Nhà máy chế biến gỗ Điện Biên với công suất sản xuất 100.000m3 sản phẩm/năm. Dự kiến, năm 2014, sau khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc tiêu thụ nguyên liệu cho tất cả các xã có điều kiện trồng tre, gỗ của tỉnh Điện Biên; tạo nên chuỗi giá trị gia tăng cho vùng nguyên liệu các tỉnh vùng Tây Bắc như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Nhà máy giải quyết việc làm thường xuyên cho 500 lao động địa phương với mức lương tối thiểu 3 triệu đồng/người/tháng; doanh thu của nhà máy đạt 300 tỷ đồng/năm, nộp thuế cho ngân sách địa phương khoảng 20 - 30 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2013, khi đoàn giám sát HĐND tỉnh đến kiểm tra thì Nhà máy vẫn chỉ là một dây chuyền được lắp ráp đã qua sử dụng; một số chi tiết máy đã hoen gỉ và có biểu hiện hỏng hóc. Lực lượng lao động sản xuất theo mùa vụ, lượng sản phẩm sản xuất thực tế chênh lệch quá lớn so với dự kiến ban đầu...

Khi dự án chưa hoàn thành như cam kết và chưa đủ điều kiện để được hưởng nguồn ngân sách trên, doanh nghiệp đã tìm cách “đi đêm” với quan chức để ôm trọn gói tiền kích xù 26,5 tỷ đồng.

Kết quả thanh tra Bộ Tài chính đã chỉ rõ sai phạm của Công ty Hoàng Lâm cũng như “khuyết điểm” của các cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên. Cụ thể, UBND tỉnh Điện Biên đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Hoàng Lâm, với tổng vốn đầu tư 290 tỷ đồng là vượt quá khả năng về năng lực về vốn theo giấy chứng nhận Đăng kí kinh doanh của Cty ngày 14/1/2011, với vốn điều lệ chỉ 2 tỷ đồng.

Quyết định của UBND tỉnh Điện Biên về kế hoạch hỗ trợ vận chuyển sản phẩm từ gỗ cho Nhà máy chế biến gỗ công nghiệp của Cty Hoàng Lâm số tiền 218,750 tỷ đồng trong 5 năm đầu (2012 - 2015) với khối lượng sản phẩm 500.000m3/năm bằng toàn bộ công suất thiết kế của nhà máy được phê duyệt, ngay từ khi nhà máy bắt đầu khởi công (năm 2012) là chưa phù hợp với QĐ 66 của Thủ tướng Chính phủ “Nhà nước hỗ trợ đầu tư và hỗ trợ chi phí vận chuyển sản phẩm trong 5 năm đầu tiên tính từ khi nhà máy bắt đầu sản xuất”

Việc cấp tạm ứng 6 tỷ đồng và thanh toán hỗ trợ 26,5 tỷ đồng, khi nhà máy chưa hoàn tất việc xây dựng và chưa có kết quả nghiệm thu công suất thực tế của Hội đồng nghiệm thu do Chủ tịch UBND tỉnh thành lập là sai quy định của Chính phủ. Hơn nữa, thiết bị của nhà máy được mua sắm, lắp đặt không đủ điều kiện được hỗ trợ theo quy định “Thiết bị máy mới 100% hoặc thiết bị đã qua sử dụng nhưng được sản xuất tại các nước phát triển sau năm 2000”.

Theo đó, trách nhiệm thuộc về Công ty Hoàng Lâm Điện Biên, Sở Nông nghiệp và PTNT, Kho bạc Nhà nước tỉnh Điện Biên, UBND tỉnh Điện Biên, Thường trực HĐND tỉnh Điện Biên và các đơn vị có liên quan.

Qua đó, Bộ Tài chính cũng yêu cầu tỉnh Điện Biên có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thu hồi toàn bộ số tiền 26,5 tỷ đồng đã hỗ trợ cho Cty Hoàng Lâm chưa đúng quy định; chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ sai phạm trong việc hỗ trợ cho Cty Hoàng Lâm và xử lý trách nhiệm cá nhân và tập thể có liên quan theo quy định pháp luật.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế nông thôn, ông Hoàng Văn Nhân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho hay, hiện chúng tôi đã tổ chức chỉ đạo giao các cơ quan chức năng tiến hành điều tra xử lí, chúng tôi sẽ báo cáo kết quả trong thời gian sớm nhất.

Quan điểm về vụ việc chi sai hàng chục tỷ đồng tiền ngân sách nhà nước cho Công ty TNHH Hoàng Lâm Điện Biên, Luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh - Đoàn luật sư Thành phố Hà nội cho rằng, dấu hiệu vi phạm quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đã quá rõ, cơ quan CSĐT cần khởi tố vụ án cũng như tiếp tục điều tra làm rõ thêm các tội danh khác như tội nhận hối lộ; Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng... để xử lí các cá nhân theo đúng quy định của pháp luật.

Phân tích ý kiến của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Điện Biên về cam kết của doanh nghiệp với UBND tỉnh và các ngành về lộ trình xử lí công việc, cũng như trả lại số tiền trên. Cụ thể, ngày 20/2 sẽ nộp lại 10 tỷ đồng, trước 31/3 sẽ hoàn thành các tiêu chí về máy móc", Luật sư Tuấn Anh cho hay, ở đây cần phải hiểu rằng, việc làm của các đối tượng trên đã xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước được pháp luật Hình sự bảo vệ. Chính vì vậy, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì phải khởi tố để điều tra và xử lý. Trong trường hợp các đối tượng "trả lại số tiền trên" thì chỉ được xem xét như một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà thôi. Nếu cơ quan nào cũng như Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Điện Biên, cứ thích thì làm, làm sai, chi sai thì trả lại thì còn gì là trật tự quản lý của Nhà nước.

Sở Nông nghiệp và PTNT Điện Biên đã báo cáo UBND tỉnh Điện Biên những gì, tại sao cơ quan CSĐT chưa khởi tố vụ án.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc ở những kì tiếp theo./.


Điều 165. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.


Thành Vinh

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top