Đất sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản lâu năm được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và đất sử dụng trước năm 1960, có đóng thuế theo quy định của Nhà nước nhưng khi thu hồi xây dựng khu dân cư, chính quyền sở tại lại bồi thường theo kiểu “cào bằng” với mức giá khoảng 200 nghìn đồng/m2 khiến người dân không phục, gửi đơn đề nghị các cấp chính quyền làm rõ.
Có biên lai đóng thuế nhà đất nhưng gia đình bà Dích lại bị áp bồi thường giá đất nông nghiệp?!
Theo đơn phản ánh của bà Đỗ Thị Dích và ông Thân Văn Quynh cùng trú tại thôn Phúc Lâm, xã Hoàng Ninh (Việt Yên - Bắc Giang): Đầu năm 2016, huyện Việt Yên có kế hoạch thông báo thu hồi đất trên địa bàn xã Hoàng Ninh nhằm mục đích xây dựng khu dân cư và bán đấu giá lấy kinh phí XDNTM. Sự việc không có gì đáng nói nếu chính quyền sở tại tiến hành minh bạch, công khai và giải thích thỏa đáng cũng như bồi thường đúng quy định cho người dân.
Đơn cử như trường hợp gia đình bà Dích có thửa đất 478,5m2 tại xóm phố Mới, khu đền Cô, thôn Phúc Lâm. Mảnh đất này gia đình bà sử dụng từ năm 1954, bà dựng 2 căn nhà cấp 4 (bằng tre, lợp prô ximăng) để ở, đồng thời cải tạo ao cá, chăn nuôi gia cầm, trồng cây ăn quả lâu năm, không hề xảy ra tranh chấp với bất cứ ai. Từ khi có chính sách đóng thuế của địa phương, gia đình bà chấp hành đầy đủ nghĩa vụ theo đúng quy định của Nhà nước.
Năm 2008, địa phương có chủ trương cấp GCNQSDĐ, bà Dích cùng với nhiều người trong khu vực được yêu cầu kí vào giấy tờ đề nghị lập hồ sơ địa chính để cấp GCNQSDĐ nhưng không hiểu vì sao gia đình bà không được cấp.
Ông Đinh Văn Phi, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Việt Yên, sau khi xem biên lai thu thuế nhà đất của bà Dích do chúng tôi cung cấp, cho biết: “Đây là biên lai thu thuế nhà ở, không phải thuế nông nghiệp”. Thế nhưng, gia đình bà Dích lại đang bị áp giá bồi thường đất nông nghiệp (hơn 200 nghìn đồng/m2) và không nhận được lời giải thích thỏa đáng từ cấp chính quyền.
Cũng “cào bằng” như hộ bà Dích, hộ ông Quynh sở hữu diện tích đất nông nghiệp có GCNQSDĐ bị thu hồi tại dự án nhà ở khu dân cư này là 935m2 với mức giá bồi thường khoảng 200 nghìn đồng/m2. Ông cho biết: “Đất gia đình tôi trồng lúa, nuôi trồng thủy sản lâu năm, được cấp GCNQSDĐ nhưng khi chính quyền thu hồi lại cào bằng giá bồi thường. Là dự án an ninh, quốc phòng hay phúc lợi xã hội thì chúng tôi không ý kiến, thậm chí cống hiến thêm cho Nhà nước nhưng đây là dự án xây dựng khu dân cư. Đất họ chưa giải quyết thắc mắc bồi thường xong cho chúng tôi mà đã bán hồ sơ đấu thầu và phát giá là 10 triệu đồng/m2, gấp 50 - 60 lần giá bồi thường cho dân”.
Xét thấy mức giá bồi thường chưa thỏa đáng, hộ bà Dích, ông Quynh chưa ký vào văn bản nhận tiền đền bù.
Hộ ông Quynh còn nhiều thắc mắc về bồi thường giá đất của mình nhưng chưa được cấp chính quyền giải thích thỏa đáng.
Theo ông Phan Văn Trung, Phó chủ tịch UBND xã Hoàng Ninh, thì: “Xã không nhận được đơn phản ánh của các hộ dân này. Trường hợp nhà bà Dích có cải tạo và nuôi trồng thủy sản trước năm 1960, có thời gian bán hàng tạp hóa. Thu thuế nhà đất là do gia đình tự khai”.
Còn ông Nguyễn Văn Phương, Phó chủ tịch UBND huyện Việt Yên, cho biết thêm: “Hoàng Ninh là địa phương đưa ra mục đích đạt NTM năm 2017 nhưng thiếu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng nên huyện có kế hoạch cho xã chuyển mục đích làm khu dân cư bán đấu giá lấy kinh phí phục vụ xây dựng. Giá bồi thường đất trồng lúa nước và cây hàng năm khác ở Hoàng Ninh và một số xã là 50 nghìn/m2; đất nuôi trồng thủy sản 38 nghìn đồng/m2; Hỗ trợ đào tạo nghề và tìm kiếm việc làm đối với đất trồng cây hàng năm là 150 nghìn/m2 và đất nuôi trồng thủy sản là 114 nghìn đồng/m2…Với trường hợp nhà ông Quynh là đất nông nghiệp có sổ thì đền bù theo quy định; nhà bà Dích chỉ có phiếu thu, không đủ căn cứ xác định là đất ở”.
Báo Kinh tế nông thôn đề nghị chính quyền huyện Việt Yên xác minh thông tin, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân. Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp thông tin đến bạn đọc.
Nhất Nam
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.