Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 28 tháng 9 năm 2020 | 13:35

Vietcombank treo đất “vàng” đến bao giờ?

Được giao hơn 5.000m2 đất vàng tại ngã 5 Trần Thái Tông (Cầu Giấy - Hà Nội), nhưng đến nay đã 12 năm trôi qua, chủ đầu tư vẫn chưa có động thái gì với khu đất, bỏ mặc dự án nằm chơ vơ giữa khu đô thị đông người.

t46.jpg
12 năm kể từ thời điểm giao đất nhưng lô đất của Vietcombank vẫn quây tôn và chưa bị thu hồi.

 

Dự án chậm tiến độ 12 năm, tại sao chưa thu hồi?

Dự án trụ sở Vietcombank được UBND thành phố Hà Nội giao đất từ năm 2008 có tổng diện tích 5.054,8m2 tại ngã 5 Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội), chủ đầu tư là Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Tại thời điểm tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất vào cuối năm 2008, lô đất này có mật độ xây dựng 54%, tầng cao trung bình cho phép là 15, chức năng sử dụng “thương mại dịch vụ và văn phòng làm việc”. Vietcombank là cái tên được xướng lên trong phiên đấu giá quyền sử dụng đất với mục đích xây dựng trụ sở làm việc.

Để trở thành chủ nhân của khu đất vàng đắt giá này, Vietcombank đã phải bỏ ra hơn 265 tỷ đồng. Đồng thời, đơn vị này đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, đã được bàn giao đất và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, đã 12 năm trôi qua, dự án này luôn nằm trong tình trạng “án binh, bất động”, chủ đầu tư đã quây tôn kín mít khu đất nhiều năm qua.

Ghi nhận hiện trạng tại đây của phóng viên thấy hơn 5.000m2 đất bỏ hoang đang được chủ đầu tư quây tôn kín mít, rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng nhếch nhác vây bủa bên ngoài. Bên trong dự án là bãi đất trống cây cỏ mọc um tùm, nhiều cây cao quá đầu người.

Luật Đất đai năm 2003 quy định, sau 24 tháng dự án chậm tiến độ sẽ bị thu hồi đất và trả lại phần giá trị đã đầu tư trên đất. Mặt khác, theo Luật Đất đai năm 2013 thì sau 24 tháng chậm tiến độ thì được xem xét kéo dài thêm 24 tháng nữa, tức là được phép kéo dài 4 năm. Nếu dự án không triển khai thì cần kiểm tra, thu hồi.

Thế nhưng, điều khó hiểu khiến dư luận bức xúc ở đây chính là lô đất rộng hơn 5.000m2 của Vietcombank đã qua 12 năm kể từ ngày giao đất nhưng vẫn đang trong tình trạng để hoang, lãng phí tài nguyên đất lại không bị thu hồi.

Dư luận hoài nghi và đặt câu hỏi chủ đầu tư Vietcombank chỉ “vẽ” dự án để ôm đất, hay vì một lý do nào khác? Cũng có nhiều nghi ngại về việc dự án hiện có còn là của Vietcombank hay đã “thay tên đổi chủ”? Được biết, giai đoạn 2015-2016, Vietcombank được Kiểm toán Nhà nước “điểm mặt” là một trong những ngân hàng có nhiều diện tích đất chậm triển khai hoặc chưa được đưa vào sử dụng.

Gần 400 dự án chậm triển khai tại Hà Nội

Theo kết quả giám sát của HĐND TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố đang có tới gần 400 dự án sử dụng đất chậm triển khai hoặc vi phạm Luật Đất đai trong nhiều năm qua. Để chấm dứt tình trạng hàng trăm dự án chậm triển khai trong thời gian dài, gây lãng phí nguồn lực đất đai, gây bức xúc trong dư luận, thời gian qua, Hà Nội liên tiếp thu hồi dự án nhà ở do chủ đầu tư không triển khai theo quy định. 

 

t47.jpg

Dự án Trụ sở Vietcombank bỏ hoang ở phố Trần Thái Tông.

 

Cụ thể, Sở KH&ĐT Hà Nội đã ban hành quyết định chấm dứt hoạt động của dự án Khu nhà ở để bán tại thôn Mễ Trì Thượng, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm (nay là phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã được UBND TP cấp Giấy chứng nhận đầu tư tháng 6/2008 cho Công ty TNHH MTV Du lịch Công đoàn Việt Nam.

Thời điểm kiểm tra, dự án chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, chưa khởi công xây dựng, trong khi giấy chứng nhận đầu tư đã hết hạn từ tháng 6/2011 và chưa được gia hạn mới. Việc dự án kéo dài gây lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều hộ dân, từ đó dẫn đến khiếu kiện kéo dài.

Trước đó, vào tháng 7, Sở KH&ĐT ký quyết định chấm dứt hoạt động đầu tư dự án nhà ở thương mại tại ô đất D2-CT1, khu vực Bắc Cổ Nhuế - Chèm, quận Bắc Từ Liêm do Công ty CP quốc tế Sơn Hà làm chủ đầu tư.

Lý do chấm dứt hoạt động do Quyết định số 4042 đã hết hiệu lực, tuy nhiên Công ty CP quốc tế Sơn Hà không thực hiện dự án theo tiến độ quy định.

Đặc biệt, một dự án khác mà Kinh tế nông thôn từng phản ánh trước đây cũng đang trong tình cảnh tương tự. Đó là dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) do Tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng – Licogi làm chủ đầu tư được giao đất từ năm 2004, nhưng tới nay vẫn “đắp chiếu”.

Bàn về vấn đề trên, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Đối với một dự án đã được giao đất, sau 24 tháng nếu chủ đầu tư không triển khai thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ thu hồi hoặc phải gia hạn với một số điều kiện kèm theo. Tuy nhiên, trên thực tế, sau thời gian 24 tháng, không ít chủ đầu tư vẫn “ôm” đất nhiều năm tiếp theo dù không triển khai bất cứ hạng mục nào”.

Để ngăn chặn tình trạng này, theo ông Võ, bên cạnh việc kiên quyết thu hồi, cần có chế tài xử phạt các chủ đầu tư chây ỳ. Ông Võ cho biết thêm, để xảy ra việc này, có nhiều nguyên nhân, nhưng đầu tiên phải nhắc đến việc lựa chọn nhà đầu tư không bảo đảm yêu cầu. Theo ông Võ, có tình trạng chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính nhưng cố “lách” vào để có đất, sau đó không triển khai dự án mà chuyển nhượng lại..

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top