Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 7 tháng 9 năm 2009 | 1:24

Vốn kích cầu của CP: Chủ trang trại và hợp tác xã kêu khó tiếp cận

Gói kích cầu nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ tuy đã triển khai được hơn 4 tháng (từ 17/4/2009) nhưng đến nay, các chủ trang trại, hợp tác xã vẫn khó tiếp cận nguồn vốn này do quá nhiều bất cập.Không có tài sản thế chấp

Từ khi gói kích cầu được triển khai, nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận nguồn vốn. Tuy nhiên, hiện nhiều chủ trang trại, hợp tác xã (HTX) vẫn chưa biết vay vốn bằng cách nào và được ưu đãi đến đâu. Ông Nguyễn Văn Phượng, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp và Trang trại nông dân, nông thôn Việt Nam cho rằng: “Đến nay, chỉ có khoảng 15% tổng số trang trại trên cả nước tiếp cận được nguồn vốn kích cầu”.

Khi tiếp xúc với chúng tôi, nhiều chủ trang trại vẫn tỏ ra ngơ ngác khi nói về gói kích cầu. Ông Chu Quốc Tuấn, chủ trang trại có diện tích hơn 10ha tại xã Mộc Nam (Duy Tiên - Hà Nam) tâm sự: “Nghe đài báo nói nhiều về gói kích cầu, nhưng thực tình tôi không biết thủ tục, điều kiện vay vốn như thế nào”. Theo ông Tuấn, chính quyền địa phương cần cử một tổ công tác chuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân các thủ tục để vay vốn.

Chị Nguyễn Thị Hương, Chủ nhiệm HTX chăn nuôi Hồ Sơn (Tam Đảo - Vĩnh Phúc), đồng thời là chủ trang trại với hơn 40 con lợn nái ngoại cho biết: “Xã viên rất muốn mở rộng sản xuất. Riêng trang trại chăn nuôi của tôi cũng cần vay trên 1 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại. Nhưng khi đi vay vốn với chức danh Chủ nhiệm HTX - chủ tài khoản doanh nghiệp, ngân hàng nói không có tài sản thế chấp nên không thể vay số tiền lớn như thế. Trong khi hầu hết các gia đình vào HTX là mong muốn có quyền lợi thiết thực, nhất là được vay vốn phát triển sản xuất, nhưng các tổ chức tín dụng không thể đáp ứng, vì thế uy tín của HTX có phần giảm sút. Hiện nay, do thiếu thông tin nên nhiều trang trại, HTX khó tiếp cận nguồn vốn kích cầu”.

Việc tiếp cận vốn cũng là một vấn đề nan giải với các doanh nghiệp làng nghề. Ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết: “Chỉ có khoảng 15 - 20% doanh nghiệp làng nghề được vay vốn với mức phổ biến 50 - 100 triệu đồng nên chưa đáp ứng được nhu cầu”.

Gói kích cầu đã đem lại lợi ích thiết thực cho nhiều nông dân.


Hướng đi nào cho người chăn nuôi?

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Hợp tác xã và PTNT Hà Nam cho biết: “Chính sách vay vốn vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà. Nhiều tổ chức dịch vụ như HTX hiện không có tài sản thế chấp nên không thể vay vốn kích cầu”. Còn theo ông Nguyễn Lâm Viên, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp và Trang trại nông dân, nông thôn Việt Nam: “Vướng mắc lớn nhất hiện nay khiến nhiều người không mặn mà với nguồn vốn là do một số quy định chưa phù hợp với thực tế. Phần lớn trang trại chưa hạch toán được sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, vì vậy ngân hàng không có cơ sở để chứng minh nông dân đã mua bán thứ gì”.

Còn theo ông Tuấn, phần lớn các doanh nghiệp làng nghề quy mô nhỏ, tự phát nên khả năng lập dự án thuyết phục ngân hàng rất yếu. Trong khi đó, số lượng HTX và tổ sản xuất lại chiếm tới 90% tổng số các doanh nghiệp làng nghề.

Nguyên nhân khác, theo lý giải của ông Phượng là chính sách hạn điền, chính sách giao đất, giao rừng chưa rõ ràng. Điều này làm cho hầu hết trong tổng số 13.000 - 14.000 trang trại của cả nước chưa có sổ đỏ mà chỉ có giấy chứng nhận trang trại. Loại giấy này không được các ngân hàng chấp nhận khi làm thủ tục, hồ sơ vay vốn. Mặt khác, ông Phượng cho rằng, các ngân hàng cũng không muốn cho trang trại nông nghiệp vay vì tính rủi ro cao.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai gói kích cầu nông nghiệp, nông thôn, mới đây, Chính phủ đã có công văn yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT rà soát, đánh giá thực trạng khó khăn và nhu cầu cần hỗ trợ đối với các mặt hàng đang đề nghị bổ sung vào danh mục hàng hóa, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp để có biện pháp tháo gỡ. Hy vọng rằng, với những giải pháp kịp thời của Chính phủ, nông dân và HTX sẽ được tiếp cận đầy đủ nguồn vốn hỗ trợ.

Chủ trang trại, HTX có thể vay 500 triệu đồng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến rộng rãi các bộ ngành về dự thảo Nghị định của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, các hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có thể vay tối đa không có đảm bảo bằng tài sản là 50 triệu đồng; hộ sản xuất ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn vay tối đa 200 triệu đồng; chủ trang trại, HTX vay tối đa 500 triệu đồng.

Theo NHNN, trong những năm gần đây, dư nợ tín dụng cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn có xu hướng chậm lại trong khi khá nhiều lĩnh vực nông nghiệp, làng nghề, dân vẫn “khát” vốn. Thống kê sơ bộ, năm tháng đầu năm 2009, dư nợ cho vay của Ngân hàng Nông nghiệp PTNT tăng 18%; dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất tại ngân hàng này cũng đạt 94.831 tỷ đồng.


Hải Ninh

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top