Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sơn Động (Bắc Giang) mua 460 máy cắt cỏ trị giá gần 3 tỷ đồng thì có tới 436 máy là giả, Công an tỉnh Bắc Giang đã khởi tố vụ án về tội buôn bán hàng giả.
Nhưng hiện nay, vẫn chưa có tổ chức, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về sai phạm này trước pháp luật.
Ngày 17/6/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bắc Giang có văn bản gửi Kinh tế nông thôn cung cấp thông tin tiến độ điều tra vụ án liên quan tới thực hiện dự án hỗ trợ máy cắt cỏ và cung cấp xe gom rác thải cho các xã, thị trấn do Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sơn Động làm chủ đầu tư năm 2017.
Theo đó, ngày 8/9/2017, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động ban hành Quyết định 5200a/QĐ-UBND về việc phân bổ vốn sự nghiệp Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững (Chương trình 30a) năm 2017, trong đó giao Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sơn Động làm chủ đầu tư thực hiện dự án “Hỗ trợ phát triển ngành nghề và dịch vụ”.
Để thực hiện dự án, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sơn Động đã ký hợp đồng kinh tế với ông Nguyễn Hùng, chủ cửa hàng Hùng Hải (ở TP. Bắc Giang) mua 460 máy cắt cỏ nhãn hiệu Honda UMK425T-U2ST xuất xứ Thái Lan với tổng số tiền 2.898.000.000 đồng (6.300.000 đồng/chiếc).
Từ cuối tháng 11/2017 đến đầu tháng 12/2017, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sơn Động phối hợp với nhà thầu cung cấp 460 máy cắt cỏ cho các hộ dân thuộc đối tượng lựa chọn dự án.
Ngày 8/4/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bắc Giang nhận được văn bản của Công ty TNHH Honda Việt Nam Power Products (địa chỉ ở TP. HCM), phản ánh về việc sử dụng máy cắt cỏ giả nhãn hiệu Honda để thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2017 trên địa bàn huyện Sơn Động.
Ngày 10/4/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bắc Giang ra Quyết định giải quyết tin báo về tội phạm theo quy định của pháp luật. Quá trình điều tra cơ quan Công an đã tạm giữ 436 máy cắt cỏ của các hộ dân tham gia dự án để giám định (một số máy bị thất lạc không thu lại được), kết quả xác định không phải máy cắt cỏ do Công ty Honda sản xuất.
Khi phát hiện số máy cắt cỏ đã bàn giao cho người dân là giả, ông Nguyễn Hùng đã chủ động khắc phục bằng việc mua 460 máy cắt cỏ nhãn hiệu Honda chính hãng để cấp bù cho các hộ dân.
Xác định vụ việc có dấu hiệu của tội “Buôn bán hàng giả”, ngày 9/8/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bắc Giang ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Buôn bán hàng giả” (máy cắt cỏ nhãn hiệu Honda) xảy ra tại huyện Sơn Động. Hiện, Công an tỉnh Bắc Giang vẫn đang tiếp tục điều tra vụ án, làm rõ hành vi và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Có thể nói, trong vụ án, hành vi “Buôn bán hàng giả” (máy cắt cỏ nhãn hiệu Honda) là quá rõ ràng, đây là vụ buôn bán hàng giả quy mô lớn. Nếu không được phát hiện kịp thời, nhiều tỷ đồng của Nhà nước đã bị thất thoát, Chương trình 30a đúng đắn của Đảng, Nhà nước đã bị bóp méo khi người dân được hỗ trợ máy cắt cỏ giả.
Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bắc Giang đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Buôn bán hàng giả”. Tuy nhiên, đã hơn 10 tháng, vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Đặc biệt, Phòng Nông nghiệp và PTNT được UBND huyện Sơn Động giao làm chủ đầu tư dự án, cũng là đơn vị tham mưu để UBND huyện phê duyệt mua 460 chiếc máy cắt cỏ cũng chưa bị làm rõ trách nhiệm. Trong đó, có trách nhiệm của bà Hoàng Thị Ninh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sơn Động.
Ở một góc độ khác, Công an tỉnh Bắc Giang cũng cần làm rõ có hay không việc Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sơn Động phối hợp với nhà thầu đưa 436 máy cắt cỏ giả vào để trục lợi ngân sách Nhà nước?.
Thiết nghĩ, Công an tỉnh Bắc Giang cần khẩn trương điều tra, có kết luận vụ án, làm rõ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có vi phạm theo quy định của pháp luật; công khai kết quả để người dân biết, giám sát..
Ngày 9/8/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bắc Giang ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Buôn bán hàng giả” (máy cắt cỏ nhãn hiệu Honda) xảy ra tại huyện Sơn Động nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.