Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 14 tháng 11 năm 2016 | 8:40

Vụ án 43 Lý Thường Kiệt: Có hay không nhóm lợi ích?

Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục nhận được đơn phản ánh của ông Cao Văn Đình cho rằng, phán quyết của Tòa án nhân dân Tối cao xuất hiện nhiều điểm “nghi vấn” cho thấy có nhóm lợi ích trong vụ án tranh chấp nhà đất tại số 43 Lý Thường Kiệt (Hà Nội).

>> Thư bạn đọc: Phán quyết của tòa án có khách quan, minh bạch?

Luật sư Hùng cho rằng, Quyết định số 103/VX về việc trả lại nhà cho cụ Nhân không có giá trị, vì trước đó vào ngày 27/12/1969 UBHC TP. Hà Nội mà đại diện là Cục Quản lý Công trình công cộng đã chuyển nhượng nhà số 43 Lý Thường Kiệt cho Tocontap để lấy 4.958 đồng theo giấy báo nợ số 2/12.

Theo ông Đình, đằng sau vụ án là một thế lực đồng tiền khủng khiếp đang thao túng và thâu tóm, mở rộng đất từ phía Alphanam. Ông Đình cũng không hiểu tại sao ông Hiển cư trú tại Hà Lan, không được phép tham gia vụ án, vì ông Hiển đã nhượng phần thừa kế cho nguyên đơn (văn bản đó đã là chứng cứ vì không tranh chấp theo Khoản 1 Điều 52 và Khoản 2 Điều 14 Nghị định 75/2000/NĐ-CP), lại được các cấp tòa án xét xử sơ thẩm và phúc thẩm đưa vào để “phù phép” khôi phục thời hiệu khởi kiện, bởi có yếu tố nước ngoài như quy định tại Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11.

Theo Quyết định rút kháng nghị số 01/2016/RKN-DS ngày 14/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao thì nguyên đơn đã bỏ ra 26,9 tỷ đồng để thỏa thuận với bị đơn là 5 hộ gia đình, cao hơn 25 tỷ đồng so với số tiền tự nguyện ban đầu tuyên trong bản án. Dư luận đang đặt câu hỏi: nếu công lý thực sự thuộc về nguyên đơn, thì tại sao nguyên đơn lại phải bỏ ra hơn 1 triệu USD để trả cho các hộ dân, phải chăng tiền đó để xoa dịu sự phẫn nộ của các hộ dân (?!).

Bản án số 189/2011/DSPT ngày 03/10/2011 và Quyết định rút kháng nghị số 01/2016/RKN-DS ngày 14/6/2016 của Tòa án Nhân dân Tối cao đều cho rằng nguyên đơn được quyền sở hữu nhà số 43 Lý Thường Kiệt dựa trên Bằng khoán điền thổ số 52P do Pháp thuộc cấp vào năm 1952 nhưng năm 1960 cụ Nhân (mẹ của nguyên đơn) đã bàn giao cho Nhà nước, và dựa vào Quyết định số 103/VX năm 1973 của Ủy ban Hành chính TP.Hà Nội (UBHC TP Hà Nội) trả lại nhà cho cụ Nhân.

Luật sư Trương Tiến Hùng (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: “Quyết định số 103/VX về việc trả lại nhà cho cụ Nhân không có giá trị, vì trước đó vào ngày 27/12/1969, UBHC TP.Hà Nội, mà đại diện là Cục Quản lý công trình công cộng đã chuyển nhượng nhà số 43 Lý Thường Kiệt cho Tocontap để lấy 4.958 đồng theo giấy báo nợ số 2/12, thế có nghĩa là UBHC TP. Hà Nội không còn nhà để mà trả lại cho cụ Nhân. Vậy, vì đâu các cấp tòa án và Hội đồng Thẩm phán Tòa án Tối cao lại không xem xét tính bất hợp pháp của Quyết định số 103/VX của UBHC TP. Hà Nội?”.

Ông Cao Anh Tuấn (con trai ông Đình hiện đang sinh sống tại 43 Lý Thường Kiệt) cho biết: Đã khai với tòa án là được Tocontap cho thuê nhà từ năm 1964 và có cung cấp các phiếu nộp tiền thuế nhà cho nhà nước.

Chi tiết này, theo Luật sư Trương Tiến Hùng thì: ông Đình thuộc đối tượng được mua lại nhà đã thuê theo Điều 5 Nghị định 61/1994/NĐ-CP và được cấp sổ đỏ theo Khoản 4 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003. Tại sao Tòa án không xem xét chứng cứ có lợi cho bị đơn?

 “Khi tòa án giải quyết vụ án phải tuân thủ tính khách quan, toàn diện, đầy đủ, chính xác và phải đánh giá từng chứng cứ, sự liên quan giữa các chứng cứ và khẳng định giá trị pháp lý của từng chứng cứ theo Điều 96 Luật Tố tụng dân sự số 24/2004/QH11, tuy nhiên tòa án đã bỏ qua tính bất hợp pháp của Quyết định số 103/VX về việc trả lại nhà cho mẹ nguyên đơn là vi phạm pháp luật vô cùng nghiêm trọng, dẫn đến người có rất nhiều tiền lẽ ra không được sở hữu nhà lại được tòa án phán quyết được sở hữu nhà 43 Lý Thường Kiệt”, Luật sư Hùng cho biết.

Nhất Nam

 

 

Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top