Liên quan đến vụ án tham nhũng xảy ra tại Công ty cao su Hà Tĩnh, Luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng, cần xem xét dấu hiệu buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm ở các cơ quan chức năng cũng như trách nhiệm của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam bởi hậu quả và tính chất nghiêm trọng của vụ án đã xảy ra.
Công ty Cao su Hà Tĩnh: Cán bộ cấu kết lập hồ sơ khống rút tiền Nhà nước! Cảnh sát thực hiện lệnh bắt ông Trần Ngọc Sơn (ảnh Báo Hà Tĩnh) Như Báo Đời sống & Tiêu dùng đã thông tin, vụ án tham nhũng xảy ra tại Công ty Công ty TNHH MTV cao su Hà Tĩnh đã được Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về tham nhũng (Bộ Công an) điều tra, khởi tố vụ án và chuyển Công an Hà Tĩnh tiếp tục điều tra, làm rõ.
Ngay sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, công an tỉnh Hà Tĩnh đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Ngọc Sơn - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê, nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV cao su Hà Tĩnh; Nguyễn Văn Hà (SN 1971, trú tại tỉnh Hải Dương) - Giám đốc Công ty Đại Phát và Ngô Đăng Khoa (SN 1973) - nguyên Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) về hành vi “Tham ô tài sản”.
Liên quan đến vụ án này, Đời sống & Tiêu dùng đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn Cầu, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
- Dưới góc độ pháp luật, Luật sư đánh giá như thế nào về tính chất, mức độ nghiêm trọng và hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án tham nhũng này?
Trước hết, cá nhân tôi nhận thấy việc các cơ quan báo chí, truyền thông và các nhà báo đã dũng cảm, bản lĩnh khi vạch trần các thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của nhà nước của các bị can trong vụ án này là điều đáng biểu dương nhất, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay vì trong thực tế, những vụ việc tương tự thường có rất nhiều cám dỗ về vật chất.
Theo quy định của pháp luật thì hành vì tham ô 5,2 tỷ đồng của các bị can là đặc biệt nghiêm trọng, gây thất thoát tài sản của nhà nước làm mất đi tính đúng đắn của các cơ quan quản lý nhà nước và làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với chính quyền.
Hà Tĩnh là một tỉnh nghèo, chịu nhiều thiên tai hàng năm cho nên việc tham ô 5,2 tỉ đồng đặt trong mối tương quan giữa tổng thu ngân sách, tỷ lệ hộ nghèo, số hộ gia đình hưởng trợ cấp, thì có thể nói tính chất đặc biệt nghiêm trọng đã rất rõ ràng, và vụ án này thực sự gây chấn động tại địa phương này.
Tính chất nghiêm trọng của vụ án còn thể hiện ở chỗ các bị can đã cấu kết chặt chẽ, thực hiện thủ đoạn rất tinh vi và đặc biệt là làm ảnh hưởng tới chủ trương phát triển lâm nghiệp của tỉnh Hà Tĩnh.
- Ba bị cáo trong vụ án đã bị khởi tố, bắt giam về hành vi Tham ô tài sản, quy định tại điều 278 Bộ Luật Hình sự. Việc khởi tố các bị cáo theo tội danh trên đã phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm của các bị cáo hay chưa?
Việc khởi tố các Bị can với tội danh “ Tham ô tài sản” quy định tại điều 278 Bộ Luật Hình sự (BLHS) phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án đã được báo chí đăng tải, kể từ thời gian tội phạm bị phát hiện cho đến khi khởi tố vụ án và khởi tố bị can tương đối dài nên các cơ quan tiến hành tố tụng đã cân nhắc một cách thận trọng, toàn diện nên khả năng thay đổi tội danh gần như không thể.
- Nếu bị truy tố và xét xử theo tội danh này, các bị cáo có thể phải chịu mức hình phạt nào thưa Luật sư?
Với tổng số tiền tham ô của nhà nước lên đến 5,2 tỉ ,nếu có đủ căn cứ thì các Bị can sẽ bị truy tố ở khoản 4 điều 278 BLHS có mức hình phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Nếu bị coi là có tội thì mức hình phạt chắc chắn sẽ nghiêm khắc, tuy nhiên cụ thể như thế nào thì không thể biết trước được vì còn nhiều yếu tố cũng như diễn biến tại phiên tòa.
- Nhiều ý kiến cho rằng, quá trình phạm tội của các bị cáo được thực hiện một cách tinh vi, có tổ chức, gây ra hậu quả lớn (5,2 tỷ đồng), ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm người dân… đã đủ điều kiện để xếp vào những đại án tham nhũng. Luật sư nghĩ gì về ý kiến này?
Theo cá nhân tôi thì số tiền nhiều hay ít chưa phản ánh được đầy đủ tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà các bị can gây ra, vì khách thể mà tội phạm xâm hại trong nhiều trường hợp thì khách thể ngoài vật chất còn có yếu tố phi vật chất, trong trường hợp này thì ngoài hậu quả vật chất, hành vi phạm tội còn làm mất niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ công chức, làm ảnh hưởng tới những dự án phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Hiện nay, với quyết tâm chống tham nhũng của cả hệ thống chính trị thì vụ án tham ô tại Công ty cao su Hà Tĩnh chắc chắn sẽ được quan tâm đặc biệt của các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Hà Tĩnh cũng như các cơ quan Trung ương, việc xác định là “đại án” hay không tùy thuộc vào nhận thức của mỗi người, tuy nhiên theo cá nhân tôi thì đây là “phát súng lệnh” trong trận chiến chống tham nhũng ở tỉnh Hà tĩnh cũng như tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam .
- Theo Luật sư, cơ quan tố tụng có cần thiết phải xem xét đến trách nhiệm của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (cấp trên trực tiếp) và cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh (nơi xảy ra vụ án) khi để vụ án tham nhũng xảy ra tại Công ty cao su Hà Tĩnh?
Căn cứ vào các quy định của pháp luật cũng như Điều lệ, quy chế quản lý nội bộ của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thì rõ ràng ở đây có dấu hiệu của việc buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của các bộ phận chức năng cũng như trách nhiệm cá nhân của Lãnh đạo Tập đoàn vì đây là số tiền lớn, một dự án quan trọng cần được thẩm định, kiểm tra, giám sát chặt chẽ theo quy định.
- Xin cảm ơn Luật sư?
Sai phạm chồng sai phạm tại VRG
Trong một diễn biến khác, mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý với nội dung kết luận và kiến nghị của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG).
Theo kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ, VRG đã có một số vi phạm chủ yếu như: Hội đồng thành viên VRG quyết định tăng vốn điều lệ năm 2010 và 2011 cho các đơn vị thành viên không đúng quy định; VRG quyết định tăng vốn điều lệ để góp vào các công ty cổ phần thuộc ngành nghề kinh doanh chính không đúng thẩm quyền 3.540,5 tỷ đồng; VRG đã đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp vượt so với vốn điều lệ 2.591 tỷ đồng. VRG và các đơn vị thành viên đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính với giá trị rất lớn, tỷ suất lợi nhuận đạt rất thấp, lỗ và tiềm ẩn nguy cơ mất vốn lớn.
Bên cạnh đó, VRG chưa thu 127,7 tỷ đồng phí quản lý ngành năm 2010, làm giảm doanh thu tương ứng về thuế thu nhập phải nộp 31,9 tỷ đồng; Công ty Cao su Phú Riềng (thuộc VRG) hạch toán sai khoản “chi phí sản xuất kinh doanh – chi phí tạo rừng” số tiền hơn 14,6 tỷ đồng, làm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trên 3,6 tỷ đồng...
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thu hồi về Tài khoản tạm giữ chờ xử lý của Thanh tra Chính phủ các khoản về thuế và chi phí do VRG và các đơn vị thành viên chưa thực hiện và thực hiện chưa đúng quy định trị giá 42,968 tỷ đồng. Đồng thời, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân thuộc VRG và đơn vị thành viên liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản…
Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tổ chức thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.
Bộ Tài chính hướng dẫn Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và một số đơn vị thành viên nộp ngân sách nhà nước 42,968 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp chưa nộp đủ theo quy định. Thủ tướng yêu cầu đối với một số vụ việc vi phạm pháp luật, có dấu hiệu tội phạm thì Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo ĐS&TD
KTNT