Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 21 tháng 10 năm 2014 | 11:49

Vụ án Vietinbank Yên Bái: Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm!

KTNT- Đó là khẳng định của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại Hà Nội khi xét xử phúc thẩm vụ án nguyên Giám đốc Vietinbank Yên Bái và đồng phạm.
 
Các đối tượng này đã phạm tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, gây thất thoát cho Nhà nước hơn 16 tỷ đồng. Tuy nhiên, còn nhiều đồng phạm khác đã bị “bỏ lọt” tại cấp sơ thẩm mà Tòa án nhân dân Tối cáo đã chỉ ra.
 

 
Bản án phúc thẩm số 735/2013/HSPT ngày 28/11/2013  của Tòa án nhân dân Tối cao. 

Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng
 
Ngày 28/11/2013, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại Hà Nội  đưa vụ án vi phạm quy định cho vay tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh Yên Bái (Vietinbank Yên Bái) ra xét xử phúc thẩm. Các bị cáo gồm: Ngô Văn Hanh (nguyên Giám đốc Vietinbank Yên Bái), Trần Sỹ Trường (nguyên Trưởng phòng Khách hàng Viettinbank Yên Bái), Nguyễn Văn Hùng (Giám đốc Công ty TNHH Hùng Linh); Hoàng Xuân Phong (nguyên cán bộ tín dụng Vietinbank Yên Bái).  
 
Bản án phúc thẩm số 735/2013/HSPT ngày 28/11/2013  của Tòa án nhân dân Tối cao đã chỉ ra mức độ vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự và có dấu hiệu bỏ lọt hàng loạt đồng phạm. Cụ thể, Bản án nêu:
 
Tòa án cấp sơ thẩm (Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái) xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng của người tham gia tố tụng trong quá trình xét xử. Cụ thể, các hợp đồng tín dụng liên quan đến hành vi “Vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” trong vụ án đều được ký kết giữa Vietinbank và Công ty TNHH Thẩm Hường, Công ty TNHH Hùng Linh nhưng Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái không đưa 02 công ty này vào tham gia tố tụng mà thay vào đó lại đưa cá nhân bà Trần Thị Hường, ông Nguyễn Văn Thẩm và các thành viên của Công ty Thẩm Hường vào tham gia tố tụng; Tòa sơ thẩm không đưa Ngân hàng Phát triển Việt Nam mà thay vào đó lại đưa các ông Trần Văn Bảo, Nguyễn Tuấn Sơn và ông Nguyễn Tiến Công vào tham gia tố tụng.
 
Tòa án nhân dân Tối cao nhận định: Việc điều tra tại cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được. Mặc dù, Tòa sơ thẩm đã “tách số tiền nợ của Công ty TNHH Thẩm Hường để giải quyết bằng một vụ án khác” nhưng vẫn xác định, Công ty Thẩm Hường vay trái pháp luật là 12.206.000.000 đồng. Do Tòa án cấp sơ thẩm không đưa Công ty Thẩm Hường, Công ty Hùng Linh cùng Ngân hàng Phát triển Việt Nam vào tham gia tố tụng và do việc “tách số tiền nợ của Công ty Thẩm Hường để giải quyết bằng một vụ án khác” nên hậu quả chính xác của vụ án chưa thể xác định được.
 
Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Hường cho rằng, Công ty Thẩm Hường không những không còn nợ mà mà đã thanh toán tiền thừa cho Vietinbank theo các chứng từ thanh toán đã nộp cho Tòa án cấp phúc thẩm. Tại phiên tòa hoãn ngày 24/9/2013, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã yêu cầu và đại diện Vietinbank đã đồng ý sẽ chủ động mời đại diện của Công ty Thẩm Hường đến để đối chiếu, xác nhận chính xác công nợ giữa hai bên nhưng Vietinbank đã không thực hiện yêu cầu này. Tại phiên phúc thẩm, đại diện của Vietinbank không mang theo cán bộ chuyên môn và sổ sách, chứng từ, không có điều kiện để cho hai bên tiến hành đối chiếu từng chứng từ thanh toán với nhau nên không có căn cứ để xác định tính chính xác công nợ giữa 02 bên.
 
 
Nhiều “đồng phạm” bị “bỏ lọt”
 
Đó là khẳng định của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại Hà Nội trong Bản án số 735/2013/HSPT ngày 28/11/2013. Bản án phúc thẩm cho rằng: Ngoài các bị cáo Ngô Văn Hanh, Trần Sỹ Trường và Hoàng Xuân Phong, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy còn có một số người đồng phạm khác trong hành vi “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
 
Mặc dù, xác định hậu quả của vụ án thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng theo quy định tại khoản 3, Điều 179, Bộ luật Hình sự và từ trang 26 đến trang 28 của Bản án sơ thẩm đã xác định rõ hành vi đồng phạm của 10 người khác nữa, trong đó có một số người có vai trò tích cực như: Phó giám đốc Chi nhánh Vietinbank Yên Bái – Tạ Bích Thủy, nguyên Tổ trưởng Tổ Quản lý rủi ro – Trịnh Thị Ngọc Hoa, nguyên Phó trưởng phòng Khách hàng – Nguyễn Thành Chung và nguyên Kế toán trưởng – Nguyễn Thị Minh Thúy, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại đồng tình với việc không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với số người này của Viện Kiểm sát sơ thẩm là không phù hợp với tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, không đảm bảo sự công bằng, bình đẳng trước pháp luật giữa những người có hành vi phạm tội với nhau.
 
Ngoài ra, theo HĐXX cấp phúc thẩm, theo quy định tại Điều 179, Bộ luật Hình sự thì chỉ những hành vi vi phạm quy định của pháp luật về cho vay trong hoạt động tín dụng mới bị coi là tội phạm, nhưng Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái truy tố và Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo chủ yếu căn cứ vào các quy định của pháp nhân Vietinbank (không phải là quy định của pháp luật) là không đúng với quy định về loại tội phạm này.
 
Gần một năm trôi qua, kể từ ngày 28/11/2013, sau khi HĐXX Tòa phúc thẩm – Tòa án nhân dân Tối cao tại Hà Nội quyết định hủy bản án sơ thẩm và yêu cầu Cơ quan điều tra cấp sơ thẩm tổ chức điều tra lại, giải quyết đúng pháp luật, nhưng đến nay, theo Công ty TNHH Thẩm Hường, các cơ quan chức năng liên quan dường như vẫn “án binh bất động”, chưa hề thấy bất kỳ hoạt động điều tra, xác minh làm rõ và xét xử đúng pháp luật, khiến tội phạm vẫn “nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật”.
 
Với những sai phạm tố tụng đã được chỉ rõ trong bản án của Tòa phúc thẩm, cũng như những tố cáo của các đương sự có liên quan xung quanh vụ án kinh tế “gây chấn động ở tỉnh miền núi nghèo Yên Bái” nhưng không hiểu sao, “sự thật khách quan” của vụ án theo yêu cầu của Tòa phúc thẩm vẫn chưa được cơ quan điều tra cấp sơ thẩm làm rõ. Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái nhanh chóng vào cuộc xử lý dứt điểm vụ án, đảm bảo tính nghiêm minh và thượng tôn của pháp luật.

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin.
 
Nhóm PV
 
KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top