Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 12 tháng 5 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 5 tháng 8 năm 2017 | 8:56

Vụ án “buôn lậu” gỗ trắc ở Quảng Trị: Mong xét xử công tâm!

Những ngày đầu tháng 8/2017, chúng tôi tham dự phiên tòa sơ thẩm vụ án được cho là “buôn lậu” gỗ xảy ra tại Quảng Trị hơn 6 năm về trước, do TAND TP Đà Nẵng xét xử. Quang cảnh hội  trường xử án rất trang nghiêm, đúng với tinh thần cải cách hành chính tư pháp mới.

>> TAND TP .Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử vụ án “buôn lậu” gỗ trắc ở Quảng Trị

>> Vụ án “buôn lậu” gỗ trắc ở Quảng Trị: Ban Dân nguyện vào cuộc

Ông Trương Huy Liệu luôn khẳng định mình không có tội trước tòa

Các cơ quan thông tấn báo chí được bố trí chỗ ngồi, được tự do tác nghiệp, đặc biệt các bị cáo được trả lời các câu hỏi rõ ràng, rành mạch không hạn chế thời gian. Tại phiên tòa cả 5 bị cáo đều đồng thanh, đề nghị tòa xét xử đúng người, đúng tội. Nếu sai họ sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn không sai phải trả lại quyền lợi hợp pháp cho họ, bởi cơ quan buộc tội là Viện KSND tối cao không đủ cơ sở để chứng minh người bị buộc tội có tội; trong khi đó, người bị buộc tội lại chứng minh được mình vô tội bằng cách viện dẫn các quy định của pháp luật.

Đây là vụ án được cho là “buôn lạu’ gỗ trắc lớn nhất từ trước đến nay với số lượng 535,800m3. Số gỗ này có nguồn gốc xuất xứ từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị), do Công ty Ngọc Hưng (Quảng Trị) là chủ hàng. Sau khi thực hiện đầy đủ các quy định, mở tờ khai nhập khẩu, nộp đầy đủ thuế tại cửa khẩu Lao Bảo, và chuyển về cảng Cửa Việt, Quảng Trị làm thủ tục kiểm hóa xuất khẩu sang nước thứ 3, tất cả mọi thủ tục đều được thực hiện đúng quy định pháp luật. Thế nhưng, khi chuyển hàng vào cảng Tiên Sa - Đà Nẵng để xuất sang Trung Quốc thì bị phía Tổng cục Hải quan do ông Nguyễn Văn Cẩn lúc đó là Phó Tổng cục trưởng (nay là Tổng cục trưởng) chỉ đạo dừng không cho xuất khẩu. Mặc dù  Chi cục Hải quan Đà Nẵng có văn bản khẳng định lô hàng này chỉ vi phạm hành chính nhưng Tổng cục Hải quan lại khởi tố vụ án hình sự thiếu thuyết phục. Từ đó, khiến vụ việc đi vào chỗ rối ren, phức tạp, lúng túng, thiếu chứng cứ buộc tội nên hơn 6 năm nay cứ trả hồ sơ đi trả hồ sơ lại mà vụ án vẫn chưa xét xử xong, nay là lần triệu tập thứ 3 của Tòa án TP Đà Nẵng mới xét xử trên tinh thần bản cáo trạng cũ không được bổ sung.

Tại phiên tòa, ông Trương Huy Liệu, Phó giám đốc Công ty Ngọc Hưng  tiếp tục khẳng định Công ty Ngọc Hưng và các thành viên liên quan không phạm tội buôn lậu, và viện dẫn các văn bản quy phạm pháp luật để chứng minh điều đó. Các tài liệu vụ án cho thấy, số gỗ trên ông Liệu nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, làm thủ tục kê khai, nộp thuế đầy đủ theo quy định của pháp luật. Số hàng này đã được hải quan kiểm hóa, chothông quan và làm xong thủ tục, chuẩn bị  xuất khẩu sang nước thứ 3 thì bị dừng lại, khởi tố.

Cáo trạng của Viện KSND tối cao quy kết ông Liệu và Công ty Ngọc Hưng tội buôn lậu, vì cho rằng nhập khẩu lô gỗ trên không rõ nguồn gốc hợp pháp từ Lào. Điều này, ông Liệu viện dẫn quy định của Bộ Công thương tại Công văn số 1328/BCT-XNK ngày 8/2/2013, phía doanh nghiệp nước xuất khẩu phải thực hiện theo quy định của nước sở tại; “doanh nghiệp Việt Nam chịu trách nhiệm thực hiện các quy định, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất theo pháp luật Việt Nam”. Do vậy, Công ty Ngọc Hưng không có trách nhiệm chứng minh về nguồn gốc, lai lịch số gỗ này khi hàng đang ở bên nước Lào, mà đó là việc của doanh nghiệp xuất khẩu (doanh nghiệp Lào). Ông Liệu cũng viện dẫn văn bản pháp quy khẳng định, tại thời điểm ông mua lô hàng này, nhà nước Lào cũng không cấm xuất khẩu gỗ trắc; Nhà nước Việt Nam cũng không cấm nhập khẩu,xuất khẩu gỗ trắc có nguồn gốc từ nhập khẩu.

Một tình tiết khá quan trọng được làm rõ tại Tòa là, cùng thời điểm nhập lô gỗ 535,8 m3 (lô gỗ trong vụ án) này, ông Liệu còn có một lô gỗ khác 551m3 nhưng do hàng quá nhiều nên lô gỗ 551m3 này được làm thủ tục sau lô kia đúng 1 ngày, với tính chất mua bán, xuất xứ hàng hóa, thủ tục… y hệt như lô hàng bị bắt. Lô hàng 551m3 này cũng bị cơ quan chức năng niêm phong khoảng 2 năm, nhưng sau đó kết luận là lô hàng hợp pháp và Công ty Nghọc Hưng đã làm thủ tục xuất khẩu thành công sang nước thứ 3.

Ông Liệu nói: Hai lô gỗ này y hệt nhau, hà cớ gì mà lô 551m3 thì sau khi niêm phong hai năm đã cho làm thủ tục xuất khẩu, mà lô 535,8m3 này lại cho là hàng buôn lậu?!

Ông Liệu cũng phân tích rằng: Lô gỗ  535,8m3 này là hàng có nguồn gốc từ Lào, kê khai thủ tục hải quan và nộp thuế đầy đủ theo quy định pháp luật , thì hỏi buôn lậu là buôn lậu cái gì? Vì sao hàng kê khai rõ ràng, nộp thuế đầy đủ, bản hợp đồng mua bán, bản mở tờ khai nộp thuế đều sử dụng con dấu, chữ ký tươi của Công ty Ngọc Hưng, sao lại gọi là hồ sơ giả?!

Cũng như các phiên xử  không thành trước và các văn bản kêu oan đã được ông Liệu gửi Ban Dân nguyện Quốc hội, ông Liệu cho rằng, cơ quan điều tra đã vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng khi giữ lô hàng này không lập biên bản, và nghiêm trọng hơn, án đang điều tra mà toàn bộ vật chứng là 535,8m3 gỗ trắc đã bị cơ quan điều tra cho bán tháo không hề thông tin gì cho Công ty Ngọc Hưng biết. Ông Liệu viện dẫn điểm đ, khoản 1 Điều 8 Quy chế quản lý kho vật chứng (ban hành kèm theo Nghị định số 22/2002/NĐ-CP ngày 18 /2/2002 của Chính phủ) về việc một số mặt hàng thuộc hàng mau hỏng”,  cơ quan điều tra được phép bán khi án đang trong quá trình điều tra vì mặt hàng có hạn sử dụng nhất định, hàng dễ hỏng, khó bảo quản (như lương thực,thực phẩm tươi sống, dược phẩm…). Theo đó, gỗ trắc không có tên trong danh sách này (nghĩa là không thuộc nhóm hàng mau hỏng, mà lại bán tháo trong khi án đang trong quá trình điều tra.

Một tình tiết liên quan đến lô gỗ trắc là tang chứng bị bán khi án đang điều tra này, ông Liệu cho rằng, cơ quan chức năng đã cho bán lô gỗ này với giá rẻ mạt (chỉ bán được trên 63 tỷ đồng, trong khi giá trị lô hàng, theo ông Liệu, tại thời điểm đó có giá thị trường trên 300 tỷ đồng).

Trong bản cáo trạng của Viện KSND tối cao cho là ông Liệu làm giả hồ sơ, giấy tờ giả, ông Liệu cho rằng, đến thời điểm hiện tại, chưa có bất cứ một kết luận nào cho rằng chữ ký, con dấu của Công ty Ngọc Hưng là chữ ký giả, con dấu giả nên không thể kết luận là làm giả giấy tờ được.

   Một tình tiết khác nữa mà ông Liệu không thể chấp nhận đó là cơ quan điều tra kết tội cho ông làm giả giấy tờ, dựa trên lời khai của Trần Đình Quang (nhân viên Công ty Ngọc Hưng đã treo cổ tự vận). Ông Liệu khẳng định, ông không bao giờ chỉ đạo Quang làm giả giấy tờ. Còn việc cáo trạng dựa trên mỗi lời khai của Quang là không đúng, hơn nữa, Quang bị cơ quan điều tra gọi ra Hà Nội làm việc sau khi về đã treo cổ tự vẫn. Bà Trần Thị Dung, Giám đốc Cty Ngọc Hưng đã khóc nức nở khi nhắc đến Quang, là nhân viên cũng là cháu ruột của bà. Bà cho biết, trước khi tự vẫn, Quang để lại 4 bức di thư nhưng sau đó, cơ quan công an sở tại đã đến tịch thu các bức di thư đó, đến nay chưa trả. Một số bị cáo liên quan nghi vấn Quang đã bị bức cung nên khai báo không đúng, và vì vậy nên Quang đã phải tự vẫn khi tuổi đời còn thanh xuân.

Trước tòa, cả ông Liệu, bà Dung đều khẳng định mình không phạm tội buôn lậu và viện dẫn đầy đủ các văn bản chứng minh điều đó. Các bị cáo Đỗ Ý Nhi, Lê Xuân Thành, Đỗ Danh Thắng (nguyên là cán bộ hải quan) cũng cho rằng họ đã kiểm hóa 5% lô hàng theo đúng quy định pháp luật. Các bị cáo này khẳng định lô hàng này là lô hàng hợp pháp, và do đó, các bị cáo không vi phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Đại diện cục Hải quan Quảng Trị cũng cho rằng, các ông Đỗ Ý Nhi, Lê Xuân Thành, Đỗ Danh Thắng không vi phạm; Công ty Ngọc Hưng không phạm tội.

Đã hơn 6 năm qua với 2 lần trả hồ sơ điều tra lại nhưng vụ án vẫn trong vòng luẩn quẩn, không đủ chứng cứ buộc tội. Các bị cáo và người có trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan, người tham dự phiên tòa đều mong muốn những người đại diện cho pháp luật xét xử một cách công tâm, đúng người, đúng tội, không để lọt tội nhưng cũng tuyệt đối không được phép đẩy người vô tội trở thành có tội, vào chỗ oan sai theo đúng tinh thần cải cách tư pháp.

Nhóm PV

 

 


 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top