Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 19 tháng 2 năm 2014 | 11:26

Vụ chi sai 26,5 tỷ đồng cho Cty Hoàng Lâm Điện Biên: Hé lộ những “mắt xích” quan trọng trong vở kịch tồi!

Chuyện “qua mặt” nhiều cơ quan chức năng vung phí hàng chục tỷ đồng tiền ngân sách nhà nước cho một nhà máy còn chưa đi vào hoạt động ở tỉnh nghèo như Điện Biên đã rúng lên nhiều bức xúc cho dư luận thời gian qua. Câu hỏi tại sao “con voi chuôi lọt lỗ kim” chỉ được giải đáp khi có Kết luận thanh tra của Bộ Tài chính, từ đây hé lộ nhiều “mắt xích” quan trọng trong vở kịch tồi.  

Tiền ngân sách hỗ trợ kiểu “thích là…cho”?

Năm 2012, mặc dù nhà máy chế biến gỗ của Công ty TNHH Hoàng Lâm, địa chỉ tại xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên chưa đi vào hoạt động nhưng lại được hỗ trợ đến 26,5 tỷ đồng, với lí do để vận chuyển sản phẩm cho Nhà máy chế biến gỗ Điện Biên đi tiêu thụ ra khỏi địa bàn. Sự việc trên, đã khiến cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên cũng như nhiều người dân tò mò đặt dấu hỏi. Ngay sau đó, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Điện Biên, Thanh tra Bộ Tài chính đã vào cuộc và tấm mành bí ẩn dần hé mở.

Theo đó, sự việc bắt đầu từ năm 2012 khi tỉnh Điện Biên được Chính phủ phê duyệt chi tiền để phục vụ cho việc thực hiện các chính sách về phát triển rừng tại địa phương. Đón đầu luồng thông tin việc có một khoản tiền lớn đổ về từ Trung ương, Cty TNHH Hoàng Lâm Điện Biên đã làm có hành vi “móc ngoặc” với cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên trong việc tiến hành các thủ tục, thực hiện dự án phát triển rừng nhằm mục đích “thâu tóm” toàn bộ số tiền 26,5 tỷ đồng tiền ngân sách nhà nước.

Hàng loạt văn bản của Sở Nông nghiệp và PTNT Điện Biên gửi cơ quan chức năng nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp

Để thực hiện được việc đó, vào tháng 10/2012, Công ty Hoàng Lâm đã vẽ ra viễn cảnh hoành tráng về việc xây dựng Nhà máy chế biến gỗ Điện Biên với công suất sản xuất 100.000m3 sản phẩm/năm. Dự kiến, năm 2014, sau khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc tiêu thụ nguyên liệu cho tất cả các xã có điều kiện trồng tre, gỗ của tỉnh Điện Biên; tạo nên chuỗi giá trị gia tăng cao cho vùng nguyên liệu các tỉnh vùng Tây Bắc như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Nhà máy giải quyết việc làm thường xuyên cho 500 lao động địa phương với mức lương tối thiểu 3 triệu đồng/người/tháng; doanh thu của nhà máy đạt 300 tỷ đồng/năm, nộp thuế cho ngân sách địa phương khoảng 20 đến 30 tỷ đồng/năm. 

Tuy nhiên, đến cuối năm 2013, khi đoàn giám sát HĐND tỉnh đến kiểm tra thì Nhà máy vẫn chỉ là một dây chuyền được lắp ráp đã qua sử dụng; một số chi tiết máy đã hoen gỉ và có biểu hiện hỏng hóc. Lực lượng lao động sản xuất theo mùa vụ, nhếch nhác chục người, lượng sản phẩm sản xuất thực tế chênh lệch quá lớn so với dự kiến ban đầu... 

Khi dự án chưa hoàn thành như cam kết và chưa đủ điều kiện để được hưởng nguồn ngân sách trên, doanh nghiệp đã tìm cách “đi đêm” với quan chức để ôm chọn gói tiền kích xù 26,5 tỷ. 

Tại Kết luận thanh tra Bộ Tài chính chỉ rõ: Việc cấp tạm ứng 6 tỷ đồng và thanh toán hỗ trợ 26,5 tỷ đồng, khi nhà máy chưa hoàn tất việc xây dựng và chưa có kết quả nghiệm thu công suất thực tế của Hội đồng nghiệm thu do Chủ tịch UBND tỉnh thành lập là sai quy định của Chính phủ; Hơn nữa, thiết bị của nhà máy được mua sắm, lắp đặt không đủ điều kiện được hỗ trợ theo quy định “Thiết bị máy mới 100% hoặc thiết bị đã qua sử dụng nhưng được sản xuất tại các nước phát triển sau năm 2000”.

Nhiều cơ quan đóng vai trò đắc lực tiếp tay cho sai phạm!

Để dựng lên vở kịch tồi nhằm thâu tóm số tiền lớn từ ngân sách nhà nước đó, không chỉ mình Công ty Hoàng Lâm mà đằng sau là cả hệ thống gồm nhiều cơ quan ban ngành tỉnh Điện Biên, trong đó một trong những đơn vị đóng vai trò đắc lực phải kể đến Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh.

Bắt đầu từ việc tạm ứng 6 tỷ đồng không đúng quy định, cuối tháng 12/2012, mặc dù dự án của Công ty Hoàng Lâm mới xây dựng và lắp đặt được 2 nhà xưởng, chưa đủ điều kiện để thành lập Hội đồng nghiệm thu nhà máy nhưng ngày 21/12/2012, Sở Nông nghiệp và PTNT Điện Biên lại có văn bản 2525/TTr-SNN trình UBND tỉnh thành lập hội đồng nghiệm thu dự án?.

Nhà máy của Công ty Hoàng Lâm

Tiếp đó, ngày 28/12/2012, đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Lâm nghiệp và Công ty Hoàng Lâm đã tự lập Biên bản xác nhận khối lượng, tiến độ xây dựng nhà máy chế biến gỗ công nghiệp của doanh nghiệp này, với tổng các hạng mục đã đầu tư cho dây chuyền 1 của nhà máy đến thời điểm kiểm tra, nghiệm thu là hơn 16,8 tỷ đồng, ước đạt 35% khối lượng đầu tư của dây chuyền 1. Cùng ngày, Sở này có văn bản đề nghị UBND tỉnh Điện Biên, Kho bạc NN cho Công ty Hoàng Lâm được thanh toán vốn hỗ trợ đợt 1 là 6.000 triệu đồng. Ngày 31/1/2013, KBNN đã giải ngân tạm ứng chi phí hỗ trợ vận chuyển số tiền trên.

Việc làm trên đã bị Thanh tra Bộ Tài chính vạch trần, bởi căn cứ TT 03/2012/TTLT-BKHĐT-NNPTNT-TC về việc hỗ trợ thanh toán lần 1 là khi nhà máy trong quá trình đầu tư với khối lượng đã thực hiện 30% trở lên. Tuy nhiên, theo GCN đầu tư ngày 8/7/2011, Nhà máy gỗ công nghiệp của Cty Hoàng Lâm nêu trên được đầu tư xây dựng có công suất 100.000m3/năm và tổng mức đầu tư là 290 tỷ đồng, thì 35% khối lượng đầu tư của dây chuyền 1 (công suất 20.000m3) chỉ mới đạt 7% khối lượng so với công suất nhà máy; tổng giá trị khối lượng đã đầu tư 16,8 tỷ mới chỉ bằng 5,8% so với tổng mức đầu tư nhà máy.

Về thanh toán hỗ trợ vận chuyển 26,5 tỷ đồng, không ai khác vẫn là Sở Nông nghiệp và PTNT “chủ bút” cho các văn bản. Cụ thể, tại Tờ trình 328 ngày 28/3/2013 của liên ngành Sở NN và KBNN về việc thanh toán vỗn hỗ trợ vận chuyển, nêu: “nhằm giảm bớt khó khăn về kinh phí đầu tư, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành toàn bộ nhà máy chế biến gỗ Điện Biên, Sở NN đề nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ bổ sung kinh phí 20.500 triệu đồng cho nhà máy (đã trừ tạm ứng 6.000 triệu - PV).

Cùng ngày, Sở Nông nghiệp tiếp tục có CV 330 đề nghị Kho bạc NN cho Cty Hoàng Lâm được thanh toán số tiền trên. Ngày 9/4/2013, Kho bạc NN đã chi số tiền cho Cty Hoàng Lâm.

Theo Bộ Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Điện Biên và chủ đầu tư đã phớt lờ, không thực hiện theo Biên bản liên ngành ngày 27/3/2013. Tức, hồ sơ số liệu báo cáo UBND tỉnh chỉ nghe Cty báo cáo mà không được kiểm tra cụ thể.

Như vậy có thể thấy, để doanh nghiệp sở hữu được số tiền 26,5 tỷ đồng có vai trò khá quan trọng, đắc lực của Sở Nông nghiệp và PTNT trong toàn bộ quá trình sự việc. Đây được coi là “cánh tay” đắc lực tạo nên vở kịch tồi đã bị cơ quan chức năng vạch trần sai phạm.

UBND tỉnh Điện Biên, Kho bạc NN và nhiều đơn vị khác cũng có trách nhiệm liên quan.  Sai phạm của các cá nhân, ban ngành cũng như thu hồi số tiền nói trên như thế nào sẽ được xử lí ra sao. 
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc./.

"Trao đổi với PV, một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Điện Biên cho hay: ngày 12/2 doanh nghiệp đã có cam kết với UBND tỉnh và các ngành về lộ trình xử lí công việc, cũng như trả lại số tiền trên. Cụ thể, ngày 20/2 sẽ nộp lại 10 tỷ đồng, trước 31/3 sẽ hoàn thành các tiêu chí về máy móc. Tuy nhiên, trao đổi với đại diện doanh nghiệp lại cho rằng (13/2), chưa hề có bất kì báo cáo nào lên cơ quan chức năng, hiện tại để có số tiền lớn trên trả nợ là rất khó khăn và chưa thể hứa trước khi nào mới thực hiện xong lộ trình".

Thành Vinh

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top