Hiện tượng sụt lún mái kè đê sông Mã (Hoằng Hóa – Thanh Hóa) đã được các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện có sự sụt lún. Đơn vị thi công và nhà thầu đã tháo dỡ, đang tiến hành sửa chữa.
>> Kè sông Mã vừa hoàn thành đã sụt lún!
Do mạch nước ngầm, địa chất yếu?
Công trình tu bổ, nâng cấp tuyến đê tả sông Mã đoạn qua thôn Trà La, xã Hoằng Khánh, huyện Hoằng Hóa chuẩn bị được hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng đã bị sụt lún, bong tróc nghiêm trọng. Ngay sau khi nhận được thông tin từ người dân, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng xuống hiện trường kiểm tra, xác minh. Qua kiểm tra, tình trạng sụt lún, bong tróc đoạn kè mái đê đã được cơ quan chức năng ghi nhận và có văn bản yêu cầu, nhà thi công, chủ thầu có biện pháp khắc phục nhanh chóng để đảm bảo trong mùa mưa lũ sắp tới.
Sụt lún gây sạt mái kè đê
Khắc phuc sụ cố làm phần kè đê nham nhở
Cụ thể, vào ngày 28/1, các cơ quan chuyên môn của huyện Hoằng Hóa đã đi kiểm tra thực địa công trình tu bổ, nâng cấp tuyến đê tả sông Mã, đoạn từ K28+00 đến K44+350. Tại hiện trường thi công hạng mục kè số 1 (kè bãi xã Hoằng Khánh), qua kiểm tra, tuyến kè số 1 đoạn từ K0+55,6 đến K0+105,4 đang trong quá trình thi công đã bị sụt lún, biến dạng mái kè. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa có Văn bản số 113 yêu cầu đơn vị thi công (Tập đoàn ĐTXD Cường Thịnh Thi – công ty cổ phần) phối hợp với đơn vị tư vấn giám sát (Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Đất Việt); đơn vị tư vấn thiết kế (Công ty CP TVĐT Huy Hoàng) làm rõ nguyên nhân xảy ra sự cố trên.
Qua báo cáo số 12 của Ban quản lý dự án đê tả sông Mã, tuyến đê kè số 1 có chiều dài 1.472m, kết cấu thân kè bằng tấm bê-tông đúc sẵn M200 lát mái trong khung bê-tông cốt thép M250. Bảo vệ chân kè bằng đá hộc thả rối. Nguyên nhân gây nên sự cố trên là do mái kè là đất bãi bồi ven sông có địa chất yếu, có thêm mạch nước ngầm chảy ngang thân mái kè, cộng thêm tải trọng trên mái kè lớn.
“Về nguyên nhân sâu xa thì có các nhà chuyên môn người ta sẽ xem xét, đánh giá về sự cố trên. Hiện đã có hai phương án như trong báo cáo đã nêu để khắc phục, nếu các phương án đó không đảm bảo thì sẽ có phương án khác được dùng đến. Hiện, đơn vị thi công đang khắc phục sự cố. Trước mắt đưa các tấm bê-tông lên và đào bới lớp đất nền yếu để có biện pháp khắc phục sau Tết. Trước đó, đơn vị đã khảo sát nhưng thời điểm khảo sát là không có dòng nước ngầm nhưng sau khi có sự cố thì mới phát hiện có mạch nước ngầm lớn chảy xuyên qua kè đê”, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó chánh văn phòng UBND huyện Hoằng Hóa, cho biết thêm.
Liệu công trình có đảm bảo?
Ngay sau khi có chỉ đạo của các cơ quan chức năng, phía đơn vị thi công - Tập đoàn Cường Thịnh Thi đã cho các loại máy móc tu sửa địa điểm bị sụt lún, bong tróc. Trước sự cố này, nhiều người dân lo lắng đặt câu hỏi liệu công trình có đảm bảo trước mùa mưa bão đến?
Những vết nứt tiếp diễn liệu công trình có đảm bảo sau khi khắc phục
Có mặt tại hiện trường, công tác khắc phục sự cố của đơn vị thi công đang được triển khai. Đến ngày 10/2, đã di dời hết số tấm bê-tông khỏi địa điểm bị sụt lún, đồng thời cho máy múc xúc hết số đất nền yếu. Theo quan sát của phóng viên, tại hiện trường địa điểm sụt lún có mạch nước ngầm rò rỉ qua mái kè, nền đất nhão, xung quanh địa điểm sụt lún xuất hiện thêm những vết rạn nứt.
Một người dân lo lắng cho biết: “Kè mới làm mà đã sụt lún rồi anh à! Không biết đến mùa mưa bão liệu có sụt lún thêm nữa không?”.
Anh Phạm Ngọc Lành, cán bộ nhà thầu thi công, cho biết: “ Hiện chúng tôi đang thu dọn, khắc phục bằng việc dùng máy cẩu đưa các tấm bê-tông lên và đào bới lớp đất nền yếu. Thay vào đó bằng đất có độ cứng chắc và tìm cách ngăn mạch nước ngầm rò rỉ qua mái kè”.
“Thời điểm chúng tôi thi công là vào mùa khô, nên không biết địa điểm sụt lún có mạch nước ngầm. Sau khi người dân bơm nước lên đồng thì xuất hiện mạch nước ngầm chảy xuyên qua do đất yếu nên sụt lún. Còn về các phần kỹ thuật của đơn vị thì không có vấn đề gì. Chúng tôi cũng lo ngại về nền đất dọc bờ sông, nếu một số đoạn khác mà cũng giống địa điểm sụt lún thì chắc phải dỡ toàn bộ để thi công lại”, anh Lành nói.
Một số hình ảnh địa điểm bị sụt lún đang được tu sửa:
Tân Thành- Hữu Chí
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.