Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Liên quan đến sai phạm của Tập đoàn Khai Silk, ngày 31/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh đã kí Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đoàn sẽ thực thi nhiệm vụ kiểm tra tại Công ty TNHH Khải Đức có địa chỉ trụ sở chính tại số 2 Phan Văn Chương, phường Tân Phú, quận 7, TP HCM.
Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật có liên quan. Phát hiện, xử lý hoặc đề xuất xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; báo cáo kết quả kiểm tra và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước liên quan.
Trước đó, chiều 30/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh cũng đã chủ trì họp với các đơn vị liên quan, nghe báo cáo về việc kiểm tra và xử lý vụ vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa của sản phẩm khăn lụa Khaisilk.
Bộ trưởng đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường chỉ đạo đơn vị chức năng, ra quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự sang Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội đối với cơ sở kinh doanh hàng dệt may do bà Nguyễn Thu Nga là chủ hộ kinh doanh, địa chỉ số 113 Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Bộ Công Thương cũng đề nghị UBND TP Hà Nội, UBND TP HCM có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng, phối hợp Đoàn kiểm tra liên ngành để làm rõ dấu hiệu vi phạm của Tập đoàn Khaisilk, Công ty TNHH Khải Đức và chi nhánh của Công ty TNHH Khải Đức tại 113 Hàng Gai.
Báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội sau khi kiểm tra tại cửa hàng KhaiSilk số 113 Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho thấy, do nhu cầu hàng hóa tăng đột biến nên các nhân viên cửa hàng đã tự ý mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ nhãn gốc "Made in China", sau đó khâu nhãn KhaiSilk "Made in Vietnam" để bán cho khách hàng.
Chủ cửa hàng khai nhận, tổng số hàng hóa cơ sở đã mua về và thay nhãn là 60 chiếc, đã bán 4 chiếc, còn tồn 56 chiếc bà Nga đã tự nguyện giao nộp cho Đoàn kiểm tra. Giá niêm yết sản phẩm là 644.000 đồng/chiếc, tổng giá trị hàng hóa vi phạm là hơn 36 triệu đồng.
Được biết, chiều 31/10, Chi cục Quản lý thị trường TP HCM cũng đã tiến hành kiểm tra tại 3 địa điểm kinh doanh của công ty Khaisilk. Tuy nhiên, các cửa hàng này đã tạm thời đóng cửa từ vài ngày trước đó.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP HCM ngày 31/10 cho biết, kết quả kiểm tra hàng hoá của công ty Khaisilk sẽ được báo cáo Cục quản lý thị trường và Sở Công Thương thành phố để có hướng xử lý tiếp theo./.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.