Cùng một hành vi lấn chiếm đất công nhưng chính quyền TX. Sông Cầu (Phú Yên) “trảm” một hộ, còn một hộ cho phép tồn tại. Cách xử lý khó hiểu và bất chấp pháp luật của chính quyền thị xã đã bị UBND tỉnh Phú Yên “tuýt còi”, thế nhưng suốt gần 8 tháng qua, ngôi nhà 2 tầng của hộ vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại.
Dư luận hoài nghi về cách xử lý xây dựng trái phép trên đất công của TX. Sông Cầu.
Càng xử lý càng tái phạm nghiêm trọng
Đầu tháng 3/1998, vợ chồng ông Nguyễn Văn Mỗ từ Bình Định vào thôn Hòa Mỹ, xã Xuân Cảnh, huyện Sông Cầu (nay là TX. Sông Cầu), lập nghiệp. Tại đây, vợ chồng ông thỏa thuận với vợ chồng ông Bùi Minh Long lập văn tự sang nhượng một ngôi nhà gắn liền với lô đất có giới cận Đông, Tây, Nam, Bắc rõ ràng; trong đó, mặt Đông của lô đất giáp với Quốc lộ 1A kéo dài ra tới mặt biển (đầm Cù Mông) có chiều ngang 12m.
Sau khi nhận chuyển nhượng, ông Mỗ tiếp tục bồi đắp thêm 25m2 phần đất giáp liền với mặt đầm Cù Mông (đã được chủ cũ bồi đắp trước đó) ngang bằng Quốc lộ 1A để làm công trình vệ sinh sử dụng. Tuy nhiên, vì kinh doanh khó khăn, năm 2004, gia đình ông Mỗ chuyển đến định cư tại xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa (cách nơi ở cũ gần 100km); còn lô đất và phần đất bồi đắp thêm thì giữ nguyên trạng.
Cùng thời gian này, ông Huỳnh Xuân Tuấn cũng đến mua đất của ông Bùi Xuân Long. Lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương, ông Tuấn đổ đất nâng nền phần đất tiếp giáp mặt đầm Cù Mông và lấn sang phần đất của ông Mỗ rồi xây dựng lều quán kinh doanh (từ năm 2003 đến nay). Nhiều lần ông Mỗ ngăn chặn, nhưng ông Tuấn bất chấp.
Từ lều quán thô sơ, ông Tuấn nâng cấp thành ngôi nhà cấp 4 rồi ngôi nhà 2 tầng kiên cố, chuyên kinh doanh ăn uống các đặc sản biển. Quá bức xúc trước hành vi ngang ngược của ông Tuấn, ông Mỗ làm đơn khiếu nại gửi các cấp chính quyền TX.Sông Cầu và thanh tra quản lý quốc lộ. Ngay sau đó, chính quyền địa phương và Thanh tra đường bộ V đã lập biên bản yêu cầu đình chỉ thi công và tháo dỡ công trình xây dựng bất hợp pháp của ông Tuấn, nhưng cho đến nay ngôi nhà vẫn ngang nhiên tồn tại.
“Phép vua thua lệ làng”
Trước tình hình đó, ông Mỗ viết đơn khiếu nại gửi UBND tỉnh Phú Yên. Ngày 7/1/2015, UBND tỉnh Phú Yên ra Quyết định số 25/QĐ-UBND giải quyết khiếu nại của ông Mỗ, trong đó, tại Điều 2 quyết định này ghi rõ: Giao UBND TX. Sông Cầu chỉ đạo xử lý nghiêm việc ông Huỳnh Xuân Tuấn lấn, chiếm đất để xây dựng nhà trái phép nằm trong khu vực đất được quy hoạch khu kinh doanh thương mại dịch vụ du lịch theo Quyết định 1377/QĐ-UBND ngày 15/8/2013 của UBND tỉnh (trong đó có phần diện tích đang tranh chấp).
Tuy nhiên, suốt 8 tháng qua, Quyết định số 25 của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên không được chính quyền thị xã thực thi nghiêm túc và không hiểu vì sao quyết định giải quyết khiếu nại không hề đến tay ông Mỗ.
Điều đáng nghi ngờ hơn, khi trước đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã có Báo cáo số 044/BC-TNMT về kết quả thẩm tra đơn tranh chấp quyền sử dụng đất của ông Mỗ (theo Công văn số 937/UBND ngày 31/8/2012 của UBND thị xã). Theo đó, phần đất tranh chấp giữa ông Mỗ với ông Tuấn, UBND thị xã khẳng định không đủ điều kiện theo quy định pháp luật để công nhận quyền sử dụng đất vì nguồn gốc đất đang tranh chấp do Nhà nước quản lý. Đến năm 2005, ông Tuấn xây dựng công trình trái phép bị Nhà nước lập biên bản, ra quyết định xử phạt và quyết định xử phạt có ghi rõ ông Tuấn đã xây dựng công trình trên đất lấn chiếm.
Nhận định như vậy, song thay vì buộc ông Tuấn phải tháo dỡ công trình đã xây dựng trái phép, thì bất ngờ, Chủ tịch UBND TX. Sông Cầu lại giao trách nhiệm cho UBND xã Xuân Cảnh “làm việc với ông Tuấn, yêu cầu ông Tuấn lập hồ sơ xin thuê đất và nộp tiền thuê đất theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật”.
Với quyết định trên, chính quyền TX. Sông Cầu đã công nhận sự tồn tại trái phép ngôi nhà 2 tầng ông Tuấn lấn chiếm, bất chấp quy hoạch khu kinh doanh thương mại dịch vụ du lịch đã được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt.
Như vậy, cấp dưới chẳng những không nghiêm chỉnh thực thi sự chỉ đạo của cấp trên mà còn tự đặt ra “chính sách ưu ái” cho ông Tuấn một cách thiếu minh bạch, càng khiến dư luận bất bình. Đề nghị UBND tỉnh Phú Yên sớm có biện pháp xử lý nghiêm minh tình trạng “phép vua thua lệ làng” này.
Sáng 17/8/2015, nhóm phóng viên có buổi làm việc với ông Lê Văn Thế, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Sông Cầu về việc UBND thị xã Sông Cầu cho phép ngôi nhà ông Tuấn tồn tại dưới hình thức cho thuê đất, ông Thế cho biết: “Vấn đề này đã chỉ đạo kiểm điểm rồi. Thế nhưng không giải quyết dứt điểm được vì các hộ này không có nhà ở, nguyên nhân thứ hai là định hướng của tỉnh quy hoạch nơi này thành khu du lịch thương mại nên UBND thị xã chờ xin ý kiến của tỉnh, bởi nếu xử lý không tốt sẽ làm mất quyền lợi của dân, trong số đó có hộ lấn chiếm trước và sau 15/10/1993. |
Nhóm PV điều tra
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.