Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 4 tháng 3 năm 2016 | 1:46

Vụ thu hồi đất đai ở khu dân cư Ba Bản - QL25: Đã xử lý đúng luật?

Ngày 2/2/2006, UBND huyện Sơn Hòa (Phú Yên) ra Quyết định số 202/QĐ-UBND về việc “Thu hồi đất và giấy chứng nhận QSDĐ” của nhiều hộ dân đang ở. Vụ việc trôi qua gần 10 năm, không một thông tin hồi âm, nào ngờ ngày 30/7/2015, UBND huyện Sơn Hòa lại đưa ra bán đấu giá. Vụ việc đúng sai như thế nào, cần phải được làm rõ, không nên ép buộc dân lành vào bước đường cùng.

Lô 15B của ông Tô Văn Lục đang bị UBND huyện Sơn Hòa hăm he cưỡng chế tháo dỡ (đã bị gọi đi gọi lại nhiều lần).

Bất cập trong việc thu hồi đất?

Quyết định số 2018/2000/QĐ-UB ngày 25/5/2000 của UBND huyện Sơn Hòa và đồ án quy hoạch phân lô chi tiết khu dân cư Ba Bản - QL25 đã được phê duyệt và cho phép đưa vào sử dụng. Thực hiện Quyết định này, ngày 01/2/2001, UBND huyện Sơn Hòa ra thông báo rộng rãi đến UBND các xã, thị trấn và toàn thể nhân dân biết: “Nay triển khai giao đất xây dựng nhà ở cho hộ có nhu cầu với đủ các điều kiện: Có hộ khẩu thường trú tại các xã Sơn Hà, Suối Bạc và thị trấn Củng Sơn; Các hộ gia đình có nhu cầu đất xây dựng nhà ở, kinh doanh dịch vụ thương mại (kể cả ở nơi khác tới); Người được giao đất phải nộp đủ tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước trước khi được giao nhận đất do Phòng Địa chính huyện cắm mốc, được Phòng Xây dựng cấp giấy phép”.

Với các điều kiện trên, UBND huyện Sơn Hòa còn cho phép: “Hồ sơ xin giao đất UBND các xã, thị trấn xét đề nghị trước khi trình UBND huyện”.

Lúc ấy, không riêng gì Sơn Hòa, gần như cả nước nổi lên phong trào “bán đất, đổi lấy công trình”. Chưa đầy nửa năm sau, UBND huyện Sơn Hòa đã bán gần 400 lô đất (200m2/lô), dọc hai bên Quốc lộ 25 (địa phận các xã Sơn Hà, Suối Bạc) và hai bên tuyến đường 24/3 lên Nhà máy đường Sơn Hòa. Một vài năm sau, những quyết định cấp đất và cấp giấy chứng nhận QSDĐ chưa kịp ráo mực, lại rộ lên tình trạng sang tên, đổi chủ (thực chất là bán đất lấy chênh lệch của những cán bộ đương chức lúc ấy).

Đây là một trong những điểm nổi cộm về sai phạm đất đai ở Sơn Hòa, nguyên do UBND huyện Sơn Hòa buông lỏng quản lý, tạo điều kiện cho cấp xã lạm quyền đưa danh sách người thân, người quen của mình vào tranh mua, tranh bán, gây thiệt hại rất lớn cho một số người dân chất phác, hiền lành nhưng thực sự có nhu cầu về sử dụng đất. Do vậy, ngày 25/5/2004, UBND tỉnh Phú Yên ra Quyết định số 1185/QĐ-UB giao Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập đoàn thanh tra xác minh vụ việc.

Tại cuộc họp ngày 19/4/2005, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Đào Tấn Lộc kết luận: Thống nhất với báo cáo của đoàn thanh tra theo QĐ 1185. Qua báo cáo đã làm rõ được nhiều sai sót trong việc quản lý, sử dụng đất đai tại các xã trên địa bàn huyện Sơn Hòa, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sơn Hòa.

Riêng đồ án khu dân cư Ba Bản QL25, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: “UBND huyện Sơn Hòa phải ra các quyết định cần thiết để thực hiện ngay các kiến nghị tại Mục 2 báo cáo của đoàn thanh tra. Đối với các trường hợp giao đất cho những cá nhân chưa có gia đình, nhưng họ đã có gia đình trước khi thanh tra (tức trước QĐ 1185, ngày 25/5/2004 - PV) thì làm các thủ tục cho hợp thức hóa, nếu có gia đình sau khi thanh tra hoặc không có gia đình thì cương quyết thu hồi”.

Phải chăng có sự ức hiếp dân lành?

Trước khi đi vào chi tiết vụ việc, cần nói thêm rằng, đồ án khu dân cư Ba Bản - QL25 đã có hàng trăm người dân đứng ra mua đất xây dựng nhà ở, đáp ứng đủ các điều kiện của UBND huyện Sơn Hòa, kể cả một số hộ dân từ nơi khác, tạo nên một thị tứ sung túc, đúng nghĩa với chủ trương di giãn dân của Chính phủ. Cho nên, đất và nhà ở của họ thuộc quyền sở hữu cá nhân (có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) đã được luật pháp thừa nhận. Có thể nói, với góc độ này, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên chưa đứng trên quan điểm quan hệ pháp luật về đất đai để chỉ đạo xử lý.

Theo đó, UBND huyện Sơn Hòa ra Quyết định số 202/QĐ-UB ngày 02/2/2006 về việc thu hồi đất và ngày 25/8/2006, Phòng Tài nguyên và Môi trường có thông báo thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ, cá nhân. Đến thời điểm này, thông báo chốt lại là 24 trường hợp, trong đó có 6 trường hợp trả lại giấy chứng nhận QSDĐ và nhận lại tiền mua lúc ban đầu. Trong khi đồ án khu dân cư lên đến hàng trăm hộ, nhiều hộ là cán bộ đã mua đi bán lại nhiều lần, những chủ buôn bán xây dựng nhà hàng, cửa hiệu giàu có vẫn được làm thủ tục hợp thức hóa. Còn những hộ dân lành, những cựu chiến binh nghèo khổ đông con lại bị hành lên, hành xuống, đòi cưỡng chế tháo dỡ nhà cửa.

Họ bức xúc, khiếu nại lên các cấp chính quyền tỉnh, Trung ương nhưng đến ngày 30/7/2015, trong 16 trường hợp, UBND huyện Sơn Hòa vẫn đưa ra bán đấu giá 14 trường hợp (14 lô). Còn hai trường hợp không bị đưa ra bán đấu giá, với lý lẽ là cán bộ thân cận của huyện, của UBND huyện; đó là trường hợp các ông Đào Ngọc Hiển (cán bộ Chi cục Thuế huyện Sơn Hòa) và Nguyễn Đình An (Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Sơn Hòa).

Việc thu hồi đất ở của các hộ dân chỉ vì một lý do đơn giản: cấp sai đối tượng. Ở đây, phải nói thẳng, đứng trên quan điểm quan hệ pháp luật đất đai, họ là những công dân trên 18 tuổi, hội đủ những điều kiện theo thông báo rộng rãi ngày 01/2/2001 của UBND huyện Và, nếu có “cấp sai đối tượng” thì trách nhiệm chính thuộc về các cấp chính quyền xã, huyện Sơn Hòa?!

Vậy, xin hỏi, đối tượng nào được mua đất, được cấp đất ở đây, cần phải làm rõ, thông báo cho dân biết. Chỉ việc hai trường hợp nêu trên không bị đưa ra bán đấu giá, cũng đủ chứng minh sự mờ ám, không công tâm của các ngành chức năng huyện Sơn Hòa.

Nói về 2 đối tượng UBND huyện đang đòi cưỡng chế, tháo dỡ nhà, đó là hộ ông Tô Văn Lục (85 tuổi, khu phố Trung Hòa, thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa) và hộ ông Nguyễn Xuân Phương đều có quyết định cấp đất và giấy chứng nhận QSDĐ từ năm 2001, trên phần đất mua theo đồ án khu dân cư Ba Bản - QL25 (lô 15B-200m2 và lô 15C-200m2) và đều được cấp giấy phép xây dựng từ 2003. Ông Lục tuổi cao, sức yếu, phần đất phía sau dùng làm nhà ở, phía trước cho con cháu xây nhà xưởng sửa chữa xe ô tô.

Ông Phương chưa có điều kiện xây dựng nhà kiên cố. Không những thế, nhà cửa ở thị trấn Củng Sơn còn bị lũ cuốn trôi năm 1993. Ông là cựu chiến binh, có nhu cầu đất ở là chính đáng.

Với những lý do nêu trên, việc đưa hai lô đất của ông Lục và ông Phương ra bán đấu giá là chưa đúng quy định pháp luật (UBND tỉnh đã thừa nhận điều này). Hai ông có thể làm đơn tố cáo hành vi này của UBND huyện Sơn Hòa và khởi kiện ông Đỗ Đình Phiên và ông Đỗ Đại Đức là những người trúng đấu giá (vì mua đất chưa sạch).

Được biết, hiện nay UBND huyện Sơn Hòa chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất vận động hộ ông Lục và ông Phương tự tháo dỡ nhà cửa của mình để bàn giao cho người trúng đấu giá. Lại một lần nữa, UBND huyện Sơn Hòa thực hiện không đúng quy định pháp luật (giao đất bẩn).

Quyết định thu hồi đất không sử dụng vào mục đích cho các dự án công cộng, quốc phòng... chỉ vì mục đích thu ngân sách nhà nước như Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, ông Nguyễn Văn Cư thừa nhận, làm tổn hại đến người dân là không nên. Hơn nữa, việc thu hồi đất này lại không đền bù xứng đáng, ngang hoặc cao hơn giá trị của nó là tước đoạt các quyền lợi của dân.

Thiết nghĩ, UBND huyện Sơn Hòa cần làm rõ vụ việc để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin.

Nhóm PVPY

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top