Mặc dù tòa án 2 cấp đã xử, án đã tuyên, đến cả Tòa án tối cao cũng đã phê chuẩn, buộc ông Lê Hữu Chí ở xã Hương Giang (Hương Khê - Hà Tĩnh) phải dời dọn toàn bộ cây cối, tài sản trên đất chiếm dụng trái pháp luật để trả lại mặt bằng cho Công ty Cao su Hương Khê nhưng 5 năm qua, ông Chí vẫn ngang nhiên thách thức pháp luật, khai thác tài sản trên đất đi bán, tiếp tục trồng cây mới lên đó.
Gia đình ông Chí ngang nhiên trồng mới cây trên đất của Công ty Cao su Hương Khê.
Đôi nét sơ lược
Tháng 7/1992, ông Lê Hữu Chí chiếm dụng để trồng cây tại lô 17, khoảnh 6, tiểu khu 200 thuộc địa bàn xã Hương Giang do Lâm trường trồng rừng Hương Khê quản lý (nay đổi tên thành Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê - Hà Tĩnh).
Ông Chí cho rằng, quyền sử dụng đất đối với lô đất 7ha này là của ông nên cố tình không thực hiện, cản trở việc thi hành án và có đơn kiến nghị vượt cấp gửi các cơ quan chức năng dẫn đến việc thi hành án bị kéo dài.
Xét về nội dung vụ án, trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án do các bên cung cấp đã được TAND cấp sơ thẩm, phúc thẩm, TAND tối cao xem xét thấy, Bản án sơ thẩm số 01/2011/DS-ST ngày 27/5/2011 của TAND huyện Hương Khê, Bản án phúc thẩm số 13/2011/HSPT ngày 26/8/2011của TAND tỉnh Hà Tĩnh và Thông báo số 935/TB-DS ngày 02/6/2014 của TAND tối cao thể hiện đủ căn cứ để khẳng định lô đất 17, khoảnh 6, tiểu khu 200, xã Hương Giang thuộc quyền sử dụng hợp pháp của Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê - Hà Tĩnh.
Từ những nội dung trên cho thấy, việc khiếu nại, kiến nghị của ông Chí liên quan đến việc xem xét lại vụ án là không có cơ sở. Việc ông Chí dựa vào lý do trên để không thực hiện thi hành án là trái quy định pháp luật vì lý do ông Chí đưa ra đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết, không thuộc trường hợp được hoãn thi hành án theo quy định tại Điều 48, Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung 2014.
Tuy nhiên, kể từ năm 2011 đến nay, mặc dù ông Chí không tự nguyện thi hành nhưng Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Hương Khê vẫn không tổ chức cưỡng chế, không thực hiện đúng nhiệm vụ của mình trong việc thi hành án theo quy định pháp luật.
Chủ tịch hội đồng THA nói gì?
Ngày 28/9/2016, trước câu hỏi của phóng viên: Vì sao bản án đã có hiệu lực 5 năm vẫn chưa được thi hành?, ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng THA huyện Hương Khê, cho rằng, do cả 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm vênh nhau nên chưa thể thi hành được. “Sở dĩ chưa thi hành án là vì bản án sơ thẩm và phúc thẩm có sự vênh nhau trong việc áp dụng Luật Đất đai năm 2003 và 1993 để xét xử; bản án sơ thẩm ghi yêu cầu ông Chí phải di dời cây và nói vị trí ranh giới rõ ràng nhưng bản án phúc thẩm lại không ghi và không nói rõ vị trí ranh giới. Ngoài ra, một số tình tiết chưa được xem xét”, ông Huấn nói. Theo ông Huấn, lỗi này ông mới phát hiện ra đầu năm 2016 và đã báo cáo lên tỉnh. Hiện, đang tiếp tục làm báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan chức năng.
Luật sư Phan Văn Kiều (Văn phòng Luật sư An Phát) cho rằng, lý do của ông Lê Ngọc Huấn mang tính chất nguỵ biện để trốn tránh trách nhiệm. Theo luật sư Kiều, nếu cho rằng có sự vênh nhau giữa bản án sơ thẩm và phúc thẩm không thi hành được thì tại sao trong thời gian 5 năm, từ năm 2011 đến nay, Chi cục THADS huyện Hương Khê không có bất cứ văn bản nào đề nghị TAND tỉnh giải thích bản án theo quy định pháp luật để thi hành cưỡng chế? Còn sai sót ở bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Hà Tĩnh chỉ là sai sót về lỗi chính tả, không ảnh hưởng đến nội dung giải quyết của vụ án (nội dung giải quyết của vụ án qua 2 bản án đều có sự thống nhất). Cụ thể, tại Bản án phúc thẩm, TAND tỉnh Hà Tĩnh đánh máy sai căn cứ áp dụng pháp luật từ năm 2003 thành năm 1993, trích dẫn các điều 5, 9, 10, 15, 105, 107 đều thống nhất với Bản án sơ thẩm. Còn với lý do cho rằng, trong Bản án phúc thẩm không tuyên yêu cầu di dời cây nên không thể thi hành cưỡng chế được, luật sư cho rằng, lý do này đưa ra là không có cơ sở, không xem xét toàn diện bản án, bởi lẽ, Bản án phúc thẩm đã nêu, buộc ông Lê Hữu Chí trả lại mặt bằng, đồng nghĩa với việc phải di dời các tài sản liên quan.
Cũng theo luật sư Kiều, Bản án phúc thẩm không nêu vị trí tứ cận nên không xác định được, điều này là vô lý, bởi lẽ vị trí lô đất 17 được xác định rõ ràng trên bản đồ địa chính qua các thời kỳ, ranh giới không có sự thay đổi, tứ cận đều tiếp giáp với diện tích đất rừng thuộc quyền sử dụng hợp pháp của Công ty Cao su Hương Khê, không có tranh chấp thì việc tổ chức cưỡng chế hoàn toàn có thể thực hiện theo phán quyết của tòa.
Dư luận cho rằng, phải chăng Chủ tịch Hội đồng THA huyện Hương Khê từ chối việc THA của bản án đã được tòa 3 cấp tuyên vì sợ bị liên lụy trách nhiệm?
Lê Na
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.