Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 10 tháng 12 năm 2014 | 2:28

Vụ “Cưỡng chế trái pháp luật ở Tĩnh Gia”: Đề nghị lập đoàn thanh tra xác định nguồn gốc đất!

KTNT - UBND xã Hải Thanh không xác định được mốc giới thửa đất của gia đình ông Nguyễn Văn An nhưng vẫn tổ chức lực lượng hùng hậu xuống phá dỡ tường bao, biến sự việc thành vụ cưỡng chế vi phạm hành chính trái luật. 

Khi sự việc vỡ lở, những lá đơn khiếu nại của người dân bay tới cửa “công đường” thì công bộc sở tại mới dốt ráo vào cuộc tìm cách xác định lại nguồn gốc đất cho gia đình ông An.  


>> Tĩnh Gia: Cưỡng chế vi phạm hành chính trái pháp luật?

Như Kinh tế nông thôn đã đăng tải, hơn ba mươi năm qua, gia đình ông An nỗ lực lao động, cải tạo khu đất và đã có được thành quả là 3 vuông ao để nuôi trồng sản xuất; năm 1991 xây dựng một nhà cấp 4; năm 2003 xây dựng tường bao bảo vệ vườn ao đê chắn sóng chạy quanh khu đất trên diện tích gần 1.900m2. Năm 2005, gia đình ông An làm đơn xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), tuy nhiên không được các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Sau nhiều lần gửi đơn khiếu nại, gia đình ông An nhận được Công văn số 851/CV-TN&MT của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tĩnh Gia trả lời với nội dung đất của gia đình nằm trong diện quy hoạch dự án xây dựng âu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Lạch Bạng nên tạm dừng việc cấp GCNQSDĐ. Tuy nhiên, khi dự án triển khai thi công thì thửa đất của gia đình ông lại không thuộc diện thu hồi của dự án. Thế nhưng gia đình ông vẫn không được cấp GCNQSDĐ.

Không những vậy, UBND xã Hải Thanh còn ra Thông báo, Quyết định số 233/QĐ-KPHQ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt hành chính, theo đó, buộc gia đình tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm trong vòng 2 ngày từ ngày được giao quyết định và thực hiện xong biện pháp khắc phục hậu quả trước ngày 22/8/2014. Tuy nhiên, trên thực tế, vào lúc 8 giờ 45 phút ngày 21/8/2014, ông Phó công an xã mới giao quyết định, thông báo trên cho gia đình ông An và ngay trong chiều 21/8/2014, gia đình ông đã có đơn khiếu nại gửi UBND xã Hải Thanh. Tuy nhiên, khi xã chưa có văn bản về việc giải quyết khiếu nại thì vào lúc 9 giờ ngày 22/8/2014, chính quyền đã cho máy móc tới để phá dỡ tường bao của gia đình ông, bỏ qua các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại cũng như bỏ qua sự thực là gia đình ông đã liên tục khai hoang, sử dụng, sản xuất trên đất trong suốt hơn 30 năm qua.
 

Ông An bức xúc phản ánh với phóng viên
 
Đưa ra quan điểm vụ việc, ông Trần Hùng Vương, Chủ tịch UBND xã Hải Thanh, cho rằng: các tài liệu để chứng minh hiện trạng sử dụng đất của ông An là 1.906 m2 là không có căn cứ. 

Tuy nhiên, ông Vương cũng khẳng định, gia đình ông An có 3 vuông ao nuôi cá và trồng chuối xung quanh bờ ao, mỗi ao có diện tích khoảng hơn 100m2. Nhưng không hoạt động liên tục, tức không hiệu quả nên tự mất đi, mà ông An không đủ tiền bao lấn được nên không có mốc giới nào. Ngay cả đến năm 1997 – 1998, trên bản đồ thống kê đo đạc của xã không thể hiện được nên không có mốc.

Cũng theo ông Vương, sau năm 2009, trong quá trình tôn tạo, gia đình ông An bao tường và nếu bao trong chỉ giới ao cũ thì có thể chấp nhận được và UBND xã có thể báo cáo huyện gỡ cho dân. Nhưng gia đình ông An đã lấn lên đến 1.900m2 thì quá nhiều. 

Qua đó, để đảm bảo lợi ích, quyền lợi của công dân cũng như lợi ích hợp pháp của Nhà nước, ông Vương cho rằng, cần xác định lại nguồn gốc đất của hộ ông An. Việc cấp GCN QSDĐ là thẩm quyền cấp huyện, UBND xã chỉ làm hồ sơ ban đầu. Nếu UBND xã tự lập hồ sơ, vẽ ra 1 mốc giới thì cũng sẽ bị bác, bởi vậy chúng tôi đã kiến nghị lên huyện tổ chức đoàn thanh tra xác định lại nguồn gốc đất cho gia đình ông An, lấy kết quả thanh tra làm kết luận cuối cùng.

Đại diện về mặt Đảng, Bí thư Đảng ủy xã Hải Thanh, khẳng định: Quyền lợi chính đáng của công dân thì chúng ta phải bảo vệ. Năm 1993, tôi là cán bộ thôn, năm 1994 khi đo đất đai, chính Trưởng thôn Thanh Xuyên đo thực trạng đất gia đình ông An. Việc đất này có ao là thật, trước đây gia đình ông nuôi cá nước ngọt nhưng sau đó nước mặn xâm nhập (do phá đê ngăn mặn) nên bỏ hoang không còn canh tác. Tuy nhiên, gân bờ ao vẫn còn.

Không bàn về vấn đề cưỡng chế đúng sai, quy trình làm có thể chưa cập nhật kịp thời các văn bản pháp lí nhưng về nguồn gốc đất, vị Bí thư này cho biết: Cần xác định lại nguồn gốc đất của ông An để có cơ sở lập hồ sơ trình cấp huyện cấp GCN QSDĐ cho gia đình ông. Thực tế, đơn gửi Huyện ủy Tĩnh Gia, ông An chỉ kiến nghị cấp sổ với diện tích 1.000 m2 thì địa phương cũng chỉ nên xem xét trong khoảng đó, không cần bàn cãi vấn đề lên đến 1.900 m2.

Rõ ràng, việc cưỡng chế vi phạm hành chính khi chưa thể xác định nguồn gốc, diện tích đất của người dân là một quy trình ngược, cách làm trái pháp luật, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Đề nghị cơ quan chức năng huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa sớm làm rõ.

Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin./.
Thành Vinh
KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top