Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 11 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 12 tháng 1 năm 2009 | 12:28

Vui buồn chuyện đốt vàng mã

Đến hẹn lại lên, vào những tháng giáp Tết, các cơ sở sản xuất vàng mã trên địa bàn TP. Đà Nẵng lại tăng tốc để đáp ứng nhu cầu tăng lên đột biến của thị trường. Dạo một vòng quanh các quận nội thành, chúng tôi gặp rất nhiều cửa hàng chuyên bán loại hàng đặc biệt này. Quần áo, giày dép, xe máy, xe hơi, ti vi, biệt thự..., thứ gì dương gian có thì “cõi âm” cũng có. Năm nay, vì muốn cạnh tranh nên nhiều cơ sở tung ra thị trường nhiều “mốt” mới, đa dạng về kiểu dáng, phong phú về chủng loại. Đồ cho ông Táo có đầy đủ áo mũ cân đai; các bà có áo bà ba, áo dài, nón lá; các cô có son phấn, túi xách, guốc...

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, nhiều cơ sở ngoài việc thuê người làm thủ công còn đầu tư nhiều loại máy móc để sản xuất hàng loạt. Nhiều cơ sở sản xuất hàng mã ở TP. Đà Nẵng đã trở thành đầu mối cung cấp hàng cho các địa phương lân cận như: Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế...

Giá cả của các sản phẩm hàng mã cũng vô cùng: một chiếc xe tay ga có giá 1, 2 triệu đồng, nhà đẹp 2-3 triệu đồng... Ngoài những mặt hàng hiện đại như: ô tô, máy tính, điện thoại..., các cơ sở sản xuất hàng mã còn “nhanh nhẹn” nắm bắt thị trường bằng những mặt hàng rất “tân thời” như: người mẫu, biệt thự... Dù có giá “trên trời” nhưng các cửa hàng kinh doanh hàng mã vẫn rất hút khách. Có lẽ “phú quý sinh lễ nghĩa” nên mỗi năm người dân cả nước đã chi hàng chục tỷ đồng để thể hiện sự hiếu thảo với cha ông!?

Thiết nghĩ, ngày lễ tết, giỗ chạp..., cháu con chỉ cần cơi trầu, chai rượu, ít tiền vàng... để thắp hương cho ông cha với tấm lòng chân thành là đủ. Hiếu lễ, đâu phải ở mâm cao cỗ đầy, và những món hàng mã trị giá bạc triệu?

Hoà Vang

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top