Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 29 tháng 2 năm 2020 | 2:15

Xã Dục Tú (Đông Anh): Nhiều nhà xưởng xây dựng trên đất nông nghiệp

Hàng loạt nhà xưởng nằm trên đất nông nghiệp tại địa bàn xã Dục Tú (Đông Anh-Hà Nội) ngang nhiên hoạt động. Đáng nói, chính quyền sở tại nắm rất rõ tình trạng này nhưng vẫn chưa có bất kỳ phương án nào để giải quyết.

Người dân sinh sống trên địa bàn thôn Nghĩa Vũ, xã Dục Tú phản ánh về tình trạng hàng loạt công trình nhà xưởng, cơ sở sản xuất “bỗng dưng” mọc lên trên đất trồng lúa. Không chỉ lấn chiếm đất ruộng để xây dựng nhà cửa, nhà xưởng làm kho chứa hàng hóa, nhiều hộ còn ngang nhiên tổ chức sản xuất, chế biến gỗ, cán thép, mạ bu lông, ốc vít… trái phép với quy mô lớn như các cơ sở Hoành gỗ, Ngọc Hiền, Đức Hội, Huy Đại, Hiếu Hưng, Hựu Hân… Có cơ sở hoạt động theo danh nghĩa công ty nhưng không hề có thủ tục pháp lý theo quy định.
măc-du-đươc-rao-kin-băng-tôn-va-đa-thao-hêt-biên-quang-cao-nhưng-cac-cơ-sơ-nay-vân-liên-tuc-hoat-đông.jpg
Mặc dù được rào kín bằng tôn và đã tháo hết biển quảng cáo, nhưng các cơ sở này vẫn liên tục hoạt động,
Cũng theo phản ánh của người dân, những cơ sở trên đã hình thành và hoạt động ổn định từ nhiều năm nay, chính quyền xã có tổ chức kiểm tra nhưng sau đó không hề có bất kỳ động thái nào để xử lý. Trước đây, các cơ sở này đều treo biển quảng cáo công khai, hoành tráng. Đến nay, mặc dù đã tháo dỡ hết biển quảng cáo, rào kín lại bằng tôn nhưng các cơ sở vẫn hoạt động thường xuyên.
 
Không chỉ gây ảnh hưởng đến môi trường bởi rác, nước thải, tiếng ồn và khói bụi, những cơ sở hoạt động trái phép này còn gây bức xúc, bất bình trong dư luận. Người dân xã Dục Tú cho rằng: Chính quyền sở tại và các cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thậm chí có dấu hiệu “bảo kê” cho những chủ cơ sở này ngang nhiên lộng hành ở địa phương.
 
Phóng viên đã có buổi khảo sát thực tế và nhận thấy phản ánh của người dân xã Dục Tú là hoàn toàn có cơ sở. Chỉ trong khoảng 200m đường đoạn từ đầu cầu Dục Tú đến đầu thôn Nghĩa Vũ, có khoảng 4 - 5 nhà xưởng được quây tôn kín, đi ngoài đường vẫn có thể nghe thấy tiếng máy móc hoạt động bên trong. Cổng ra vào đóng, mở liên tục để người và phương tiện chuyên chở, vận chuyển hàng hóa ra vào. Cả không gian mịt mù trong khói bụi.
cơ-sở-hoạt-động-rầm-rộ-nhưng-vẫn-được-lãnh-đạo-xã-dục-tú-cho-rằng-hoạt-động-chui.jpg
Cơ sở hoạt động rầm rộ nhưng vẫn được lãnh đạo xã Dục Tú cho rằng hoạt động chui.
Trong vai khách hàng cần đặt mua dây thép và đinh với số lượng lớn, phóng viên đã thâm nhập vào 2 cơ sở và quan sát thấy, những nhà xưởng này có diện tích khá rộng nhưng rất ngổn ngang, bừa bộn. Công nhân, máy móc, trang thiết bị đang hoạt động rầm rộ. Chủ cơ sở khẳng định với công suất hoạt động liên tục, khách cần bao nhiêu đơn hàng đều có thể đáp ứng với số lượng lớn. Không những vậy, giá thành tại đây còn rẻ hơn nhiều so với thị trường bởi không phải gánh thêm những chi phí phát sinh.
 
Mới đây, trả lời các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Đăng Thọ - Phó Chủ tịch UBND xãDục Tú xác nhận: Những nhà xưởng này đúng là thuộc địa bàn xã, được xây dựng trên đất nông nghiệp.
 
“Chỗ này cũng là tồn tại cũ, sớm muộn gì chúng tôi cũng sẽ phải giải quyết để chuẩn bị lên phường cho thông quang, sạch đẹp. Nói tóm lại là cũng không tồn tại được lâu nữa, sẽ phải có kế hoạch. Theo Chỉ thị 05 của Chủ tịch UBND huyện Đông Anh ban hành là tháng 6/2018 thì phải rà soát, xử lý theo tinh thần chỉ đạo của thành phố Hà Nội. Chúng tôi cũng phải xây dựng lộ trình để làm.
nhiều-máy-móc-với-công-suất-lớn-hoạt-động-rầm-rộ-ngày-đêm.jpg
Nhiều máy móc với công suất lớn, hoạt động ngày đêm.
Hiện nay ở đó có một xưởng làm đồ gỗ, một xưởng làm về rút thép đinh… không có phép. Nói thật sự là có tồn tại thì chúng tôi đã nắm được rồi. Thứ 2 là mình cũng phải có lộ trình. Dự kiến trong năm 2020 này sẽ làm nốt, tập trung làm triệt để”, ông Thọ cho biết thêm.
 
Khi được hỏi về trách nhiệm của chính quyền sở tại trước tình trạng những cơ sở xây dựng trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động, Phó Chủ tịch UBND xã Dục Tú khẳng định: “Xã đã cho anh em xuống kiểm tra thực tế. Lần gần nhất kiểm tra các xưởng đó là khoảng cuối năm 2019. Sau đó chúng tôi có thiết lập các văn bản đình chỉ, nhưng việc hoạt động vẫn diễn ra lén lút, lúc kiểm tra có thể không làm nhưng khi không kiểm tra họ lại làm. Quan điểm của xã là sẽ xử lý. Phương án thì chúng tôi sẽ họp và đưa ra phương án xử lý từng bước. Thời gian cụ thể phải thông qua tập thể mới quyết định được”.
 
Tuy nhiên, khi được đề nghị cung cấp biên bản kiểm tra và đình chỉ hoạt động của những cơ sở này, đại diện chính quyền xã từ chối với lý do không thuộc thẩm quyền.
 
Từ những thông tin xác nhận của chính quyền xã Dục Tú có thể khẳng định, chính quyền sở tại đã và đang buông lỏng quản lý đất đai, các hoạt động xây dựng và sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến người dân và dư luận ở địa phương đặt câu hỏi: Có hay không những khuất tất, sai phạm trong công tác điều hành, chỉ đạo thực hiện những quy định của pháp luật, chủ trương của thành phố Hà Nội trong công tác quản lý đất đai, xây dựng? Và nếu tình trạng này không được chấn chỉnh, giải quyết triệt để, Đề án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh thành quận rất có thể sẽ bị ảnh hưởng và không đảm bảo theo đúng lộ trình.
 
Đề nghị UBND huyện Đông Anh, UBND thành phố Hà Nội khẩn trương vào cuộc, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm (nếu có), đồng thời có giải pháp cụ thể để xử lý dứt điểm tình trạng này. 
 
* UBND TP Hà Nội vừa có công văn yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố thực hiện kết luận của Thường trực Thành ủy về thực trạng, kết quả và giải pháp xử lý vi phạm lấn chiếm đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn các quận, huyện, thị xã.
 
“Thực hiện thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy về báo cáo thực trạng, kết quả và giải pháp xử lý vi phạm lấn chiếm đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, UBND TP giao UBND các quận, huyện, thị xã, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành. Báo cáo kết quả về UBND TP trước ngày 30/4/2020”, công văn nêu rõ.
 
Cùng với đó, các sở: Xây dựng, Tài chính, Quy hoạch - Kiến trúc, NN&PTNT tổ chức triển khai thực hiện, báo cáo kết quả về UBND TP trước ngày 31/3/2020.
 
Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện; kế hoạch kiểm tra, đôn đốc các quận, huyện, thị xã; tổng hợp báo cáo UBND TP trước ngày 15/5/2020.
 
 
* Liên quan đến các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trước đó cho biết, dù thành phố đã chỉ đạo quyết liệt nhưng còn diễn biến phức tạp do một số người dân tự ý xây dựng; để xảy ra vi phạm là do buông lỏng quản lý ở cơ sở, thanh tra, kiểm tra chưa kịp thời. 
 
Ông Chung cũng yêu cầu Công an TP. Hà Nội làm rõ trường hợp cán bộ, công chức làm "sổ đỏ" giả để hợp thức hóa vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
P/V
Ý kiến bạn đọc
Top