Theo phản ánh của ông Tạ Phúc Thiêm, thường trú tại xóm 8, xã Tây Giang (Tiền Hải - Thái Bình) tới Báo Kinh tế nông thôn, bố ông là cụ Tạ Văn Tiêm cùng gia đình sinh sống trên mảnh đất của tổ tiên để lại ở Xóm Trại, có diện tích 1.260m2. Tuy nhiên, UBND xã Tây Giang không công nhận và không đồng ý cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho ông.
Ông Tạ Trung Tuyến (đội mũ) và em trai Tạ Phúc Thiêm trong buổi cung cấp thông tin cho phóng viên.
Năm 1976 - 1982, UBND xã Tây Giang có chủ trương di chuyển các hộ gia đình sinh sống tại khu đất Xóm Trại ra vị trí khác để kiến thiết lại đồng ruộng, gia đình ông Thiêm là một trong số đó. Tuy nhiên, gia đình ông chưa nhận được phần đất đền bù vì hết đất nên vẫn ở lại và sinh sống cho đến lúc cụ Tiêm mất (năm 1982) và cụ Nguyễn Thị Lân (vợ cụ Tiêm), mẹ liệt sỹ, mất năm 2001. Hiện nay, trên mảnh đất của gia đình ông sinh sống trước kia vẫn còn nhà thờ cũ.
Do hoàn cảnh gia đình, sau khi bố mẹ mất, anh chị em ông Thiêm mỗi người làm ăn một nơi nên không ai sinh sống trên mảnh đất đó. Đến nay, được sự ủy quyền của các anh chị em, ông Thiêm về UBND xã Tây Giang đề nghị được chính quyền xác nhận và làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận QSDĐ thì UBND xã cho rằng, đất này là đất công do UBND xã quản lý.
Để nắm bắt thông tin chính xác về nguồn gốc thửa đất nói trên, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn đã trực tiếp về gặp gỡ và trao đổi với Chủ tịch UBND xã Tây Giang, ông Tạ Văn Thuấn và cán bộ địa chính xã, ông Tô Văn Suy.
Theo lãnh đạo UBND xã, nguồn gốc thửa đất này đúng là của tổ tiên cụ Tạ Văn Tiêm để lại. Năm 1979, xã có chủ trương di chuyển các hộ gia đình ở đây ra vị trí khác, trong đó có gia đình cụ Tiêm. Gia đình cụ Tiêm đã nhận đất. Thửa đất đó hiện nay con trai cụ Tiêm là ông Tạ Trung Tuyến đang sinh sống. Ông Suy cho biết thêm: Theo sổ mục kê và bản đồ năm 1990 được lưu giữ tại xã, thửa đất số 11692; 1693; 1694 mang tên ông Tạ Văn Tiêm, trong đó thửa đất 1692 là loại đất thâm canh; Thửa 1693 là đất ở; Thửa 1694 là đất ao. Năm 1990, khi đo vẽ lại, các thửa đất trên thuộc xã quản lý (nay là thửa 26, 24, 14).
Phóng viên đề nghị UBND xã cung cấp các văn bản giấy tờ liên quan đến việc di chuyển các hộ gia đình tại khu vực Xóm Trại ra khu đất mới trước cửa bến xe Tiền Hải để làm căn cứ, lãnh đạo UBND xã và cán bộ địa chính cho biết: Toàn bộ giấy tờ này đến nay không còn, do bị thất lạc?!
Ông Thuấn cho biết: Khi ông Thiêm có đơn đề nghị UBND xã Tây Giang xác nhận và làm các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, ngày 12/10/2016, UBND xã đã mời các cán bộ chủ chốt giai đoạn 1979 – 1982 đến tham gia đóng góp về nguồn gốc đất của gia đình cụ Tiêm để xã có cơ sở giải quyết. Trong số đó có ông Tạ Xuân Thiềng (nguyên Chủ tịch UBND xã năm 1979-1981); ông Nguyễn Văn Thông (nguyên cán bộ quản lý ruộng đất xã năm 1976-1982); ông Tô Xuân Trường (nguyên Kế toán trưởng HTX NN năm 1976-1982); ông Trần Trung Mô (nguyên chủ nhiệm HTX năm 1976-1982).
Trong biên bản làm việc, hầu hết nguyên cán bộ chủ chốt của xã Tây Giang đều có ý kiến cho rằng, các hộ gia đình ở Xóm Trại, trong đó có gia đình cụ Tiêm, đã được nhận đất. HTX đã đền bù bằng công điểm, thóc và bán hỗ trợ một số vật liệu xây dựng. Các ông cũng không hề có văn bản nào xác lập việc đền bù cho các gia đình Xóm Trại và giao nhận đất cho các hộ gia đình, trong đó có gia đình cụ Tiêm.
Tuy nhiên, trước đó, ngày 25/8/2016, ông Nguyễn Văn Thông, nguyên là cán bộ quản lý ruộng đất của xã đã xác nhận vào đơn đề nghị của ông Tạ Phúc Thiêm: Thời gian quy hoạch chuyển đi khu khác, nhưng gia đình chưa lên lấy và thu hồi. Đến sau này vẫn để nguyên cả diện tích, số thửa đất và tên gia đình ông Tiêm vẫn còn đang trong quyền sử dụng.
Ông Tạ Trung Tuyến (con cụ Tiêm) bức xúc cho hay: Thửa đất ông đang ở là do ông tách hộ và được ông Chiễn (nguyên Chủ tịch UBND xã Tây Giang) cấp cho năm 1981 chứ không phải là đất của UBND xã cấp cho cha mẹ ông. Thửa đất này của ông đã được cấp sổ đỏ mang tên ông, còn lại các hộ gia đình khác được UBND xã cấp đất đến nay vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ. Ông Tuyến đặt câu hỏi: Tại sao đất của UBND xã cấp cho các hộ gia đình đến nay vẫn chưa làm được giấy chứng nhận QSDĐ?
Có thể thấy, việc UBND xã Tây Giang cho rằng đã cấp đất cho gia đình cụ Tiêm mà đến nay thất lạc toàn bộ hồ sơ giấy tờ là không có cơ sở. Sổ mục kê năm 1990 vẫn mang tên cụ Tiêm; năm 1995, gia đình cụ Tiêm vẫn sinh sống ở đó, vì sao UBND xã khi đo đạc lại cho rằng đất công?! Ông Phạm Văn Thành, Chủ nhiệm HTX Tây Giang (nguyên trưởng xóm 8), cho biết: Gia đình cụ Tiêm ở đến khoảng năm 1995-1996, sau khi cụ ông mất, sau đó cụ bà Nguyễn Thị Lân mới chuyển đi, để lại đất đó không ai ở.
Việc lập biên bản xin ý kiến của nguyên cán bộ xã có bị ép buộc, khi mà các cán bộ này vẫn xác nhận đất thuộc quyền sử dụng đất của cụ Tiêm tại đơn đề nghị xác nhận nguồn gốc đất của ông Thiêm trước đó 02 tháng?! Ông Suy cho biết: “Nếu chúng tôi giải quyết cho ông Thiêm, các hộ gia đình khác cũng đề nghị như vậy thì UBND xã làm thế nào?”. Như vậy, việc ông Tạ Phúc Thiêm làm đơn xin chính quyền xã Tây Giang cấp giấy chứng nhận QSD đất của cha mẹ ông để lại là có cơ sở.
Đề nghị UBND huyện Tiền Hải yêu cầu UBND xã Tây Giang báo cáo rõ ràng và xem xét giải quyết đơn đề nghị cấp xin cấp Giấy chứng nhận QSD đất cho ông Tạ Phúc Thiêm. Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Phạm Ngọc Thủy
Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.