Mặc dù pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nhưng bà Đặng Thị Hồng vẫn cố tình thuê đất, sau đó mở dịch vụ kinh doanh chụp ảnh cưới. Chủ đầu tư cố tình vi phạm và không hợp tác trong xử lý sai phạm. Liệu có bảo kê là câu hỏi nhiều người dân đặt ra.
>> Dân xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, huyện Thanh Trì liệu có xử lý?
Khu chụp ảnh đơn sơ nhưng chủ đầu tư Đặng Thị Hồng ngày ngày bỏ túi hàng chục triệu đồng.
Sự việc trên xảy ra tại Khu cánh đồng Ang - Đìa Kính (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội). Phản ánh đến Báo Kinh tế nông thôn, người dân bày tỏ sự bức xúc, yêu cầu ngành chức năng vào cuộc kiểm tra xử lý sai phạm, đưa diện tích đất nông nghiệp này về quỹ đạo sử dụng đúng mục đích.
Theo tìm hiểu của phóng viên, lô đất này vốn là dự án tự chuyển đổi của các hộ dân. Do không trồng trọt được nên chính quyền cho phép sử dụng vào mục đích nuôi cá, chỉ được phép xây các hạng mục chính như nhà bảo vệ, kho thức ăn, chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm…Nằm giáp ranh xã Tân Triều, cánh đồng Ang - Đìa Kính xưa kia vốn được xem là khu đất màu mỡ, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.
Tuy nhiên, sau đó, bà Đặng Thị Hồng (trú tại phòng 504, Nơ 22, Khu đô thị Pháp Vân Tứ Hiệp, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội) đã đến thuê toàn bộ diện tích đất này rồi “biến” thành địa điểm kinh doanh chụp ảnh cưới, đem lại nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi ngày (bà Hồng thu 50.000 đồng/lượt khách ra vào tham quan, chụp ảnh).
Trước sự việc trên, ngày 8/10/2015, Thanh tra Xây dựng huyện Thanh Trì đã vào cuộc kiểm tra và kết luận: Chủ đầu tư khu dịch vụ phục vụ chụp ảnh cưới này có các hành vi vi phạm như: “Xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng; Hiện trạng đang thi công khung cột thép, mái lợp tôn, chiều dài 11,2m, chiều rộng 9,3m; tổng diện tích là 104m2; Công trình xây dựng trên đất nông nghiệp…”.
Một ngày sau, UBND xã Thanh Liệt ban hành Quyết định số 152/QĐ-UBND về việc đình chỉ thi công công trình vi phạm trật tự xây dựng đối với công trình tại khu chuyển đổi đồng Ang do bà Đặng Thị Hồng làm chủ đầu tư.
Quyết định trên cũng nêu rõ, trong thời hạn ba ngày (kể cả ngày nghỉ) kể từ ngày ban hành quyết định này, nếu chủ đầu tư không tự tháo dỡ công trình thì sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ.
Trước việc chủ đầu tư hết thời hạn nhưng vẫn ngoan cố không chấp hành tự tháo dỡ các hạng mục sai phạm, chính quyền xã Thanh Liệt sau đó đã tiến hành cưỡng chế công trình. Tuy nhiên, theo ghi nhận, đoàn công tác chỉ phá bỏ những phần công trình “bề nổi”, nhiều hạng mục sai phạm vẫn ngang nhiên tồn tại cho đến nay.
Một trong các hạng mục xây dựng sai phạm trên đất nông nghiệp ở cánh đồng Ang – Đìa Kính.
Khảo sát tại khu đất này ngày 28/11, phóng viên ghi nhận chủ đầu tư không chỉ lập hàng chục hạng mục trang trí phục vụ chụp ảnh mà còn xây dựng thêm nhiều công trình kiên cố ngay trên đất nông nghiệp.
Mặc dù trách nhiệm chính để xảy ra sai phạm trên thuộc chính quyền xã Thanh Liệt nhưng ông Nguyễn Văn Phong, Chủ tịch UBND xã lại đùn đẩy trách nhiệm trả lời báo chí cho cấp dưới. Sau nhiều lần liên hệ, người đứng đầu xã Thanh Liệt mới hồi đáp ngắn gọn: “Tôi bận họp. Nhà báo hãy liên hệ làm việc với đồng chí phó chủ tịch phụ trách kinh tế”.
Trả lời phóng viên, ông Đặng Đình Anh, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Liệt, thừa nhận việc chủ đầu tư Đặng Thị Hồng đang xây dựng, kinh doanh không phép trên đất nông nghiệp. Chính quyền địa phương đã nhiều lần cảnh cáo, nhắc nhở nhưng bà Hồng vẫn tỏ thái độ ngoan cố, chống đối, không chấp hành pháp luật.
Nhiều hạng mục công trình được bà Hồng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp
Sau khi nắm được thông tin sai phạm trên, UBND huyện Thanh Trì đã có chỉ đạo nhanh chóng xác minh, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm.
Ông Vũ Quốc Phan, Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng huyện Thanh Trì, cho biết, thực trạng người dân lấn chiếm, kinh doanh trên đất nông nghiệp thuộc cánh đồng Ang - Đìa Kính đã xảy ra trong thời gian dài. Chính quyền địa phương đã tiến hành cưỡng chế các công trình xây mới song số lượng các hạng mục vi phạm vẫn còn tồn tại. “Chính quyền địa phương sẽ tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ hoàn toàn các hạng mục vi phạm còn lại trong tháng 12/2015”, ông Phan nói.
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và phản ánh diễn biến vụ việc đến bạn đọc.
Lê Duy
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.