Những năm qua, bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách địa phương, tỉnh Quảng Nam đã tranh thủ sự hỗ trợ từ nhiều phía để tập trung xây dựng hệ thống nước sinh hoạt phục vụ dân sinh. Thực tế cho thấy, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân là rất lớn, trong khi kinh phí lại eo hẹp. Không chỉ thế, việc quản lý, duy tu, bảo dưỡng những công trình sau đầu tư cũng đặt ra nhiều điều đáng quan tâm.Đầu tư nhỏ giọt
Theo Trung tâm Nước sạch và Tư vấn thuỷ lợi Quảng Nam, 5 năm qua, bằng nhiều nguồn vốn, toàn tỉnh đã xây dựng hàng nghìn công trình nước tự chảy, giếng khoan, giếng đào với tổng kinh phí 122 tỷ đồng. Nhờ vậy, đến nay, 80% dân số ở khu vực nông thôn của tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó khoảng 42% đạt quy chuẩn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, đó chỉ là những con số từ báo cáo, còn thực tế việc cung cấp nước sinh hoạt ở nông thôn xứ Quảng còn khá nhiều bất cập.
Ông Trương Văn Huyên, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam cho biết, tính đến thời điểm này, tỉnh còn 99 trường học chưa được đầu tư xây dựng hệ thống nước sinh hoạt. Vì vậy, việc sinh hoạt của đội ngũ giáo viên và học sinh (nhất là những trường nội trú và bán trú miền núi) gặp rất nhiều khó khăn. Ở không ít nơi, mặc dù đã có công trình nước sạch nhưng công suất nhỏ và khô hạn liên miên, học sinh quá đông nên thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước. Theo ông Huyên, muốn giải “bài toán khó” này, cách nhanh nhất là phải xã hội hóa công tác xây dựng công trình nước sạch, chứ không thể chỉ trông chờ vào ngân sách.
Với 2,7 tỷ đồng hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới (WB), đầu năm 2005, chính quyền và ngành liên quan chính thức phát lệnh khởi công xây dựng công trình nước sạch với quy mô lớn tại thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang). Bà Phạm Thị Như, Phó chủ tịch UBND huyện bức xúc: “Theo kế hoạch ban đầu, thời gian thi công tối đa là 3 năm nhưng cho đến giờ này, công trình trên vẫn chưa thể hoàn thành để nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Nhiều năm nay, người dân vẫn chờ đợi trong vô vọng”. Bà Như cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ là do nguồn kinh phí đưa về quá... nhỏ giọt!
Theo một cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam, năm 2010, từ nguồn ngân sách tỉnh và Trung ương hỗ trợ, Quảng Nam tiếp tục đầu tư thêm 16 tỷ đồng cho chương trình nước sạch. Nếu đem số tiền trên chia đều cho 18 huyện, thành phố của tỉnh thì mỗi địa phương nhận được không đầy 900 triệu đồng. Ngần ấy tiền chỉ đủ để xây dựng được 1 công trình, thậm chí ở những vùng núi cao có địa hình phức tạp chắc chắn sẽ... hụt vốn!
Trao đổi với chúng tôi, nhiều vị lãnh đạo địa phương tỏ ra nghi ngờ về tỷ lệ 80% dân số ở khu vực nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh mà Trung tâm Nước sạch và Tư vấn thuỷ lợi Quảng Nam công bố tại một hội nghị mới đây. Ông Đỗ Tài, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, ngoài 1 nhà máy nước công suất lớn, đến đầu tháng 4/2010, trên địa bàn huyện đã có 94/95 thôn được đầu tư xây dựng công trình nước tự chảy phục vụ sinh hoạt của nhân dân, trong đó đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Tài nói: “Có được hệ thống nước tự chảy là điều đáng mừng nhưng tôi nghĩ sẽ chẳng có công trình nào đảm bảo tiêu chuẩn do Bộ Y tế đưa ra. Theo quy định, mỗi năm phải lấy mẫu nước đi kiểm tra ít nhất 3 lần nhưng thực tế thì chẳng nơi nào thực hiện. Mà, không kiểm tra, không xét nghiệm thì làm sao biết nguồn nước đó sạch hay không! Do vậy, vấn đề sức khỏe của người dân vẫn rất đáng lo ngại”...
Đồng quan điểm trên, ông Phan Văn Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hiệp Đức cho biết: “Gần như toàn bộ hệ thống nước sinh hoạt trên địa bàn huyện đều không tiến hành kiểm tra chất lượng theo định kỳ. Bởi, mỗi lần lấy mẫu xét nghiệm tốn ít nhất 800 nghìn đồng, mà dân thì hầu hết thuộc diện khó khăn, lấy đâu ra tiền đóng góp”.
“Cha chung không ai khóc!”
Từ đầu năm 2000 đến nay, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng được 481 công trình nước sinh hoạt, tập trung chủ yếu tại miền núi. Tuy nhiên, điều đáng nói là, có đến 124 công trình nước sạch (chiếm 30%) không hoạt động được. Nguyên nhân mà ngành chức năng đưa ra là vì không có người quản lý và bị hư hỏng do lũ lụt, chưa được đầu tư sửa chữa.
Theo ông Tài, đa phần người dân đều cho rằng, những công trình nước sạch đó là của Nhà nước nên họ không có trách nhiệm trong quản lý, vận hành. Thậm chí, việc nạo vét, dọn rác ở khu vực đầu mối, sửa chữa những hư hỏng nhỏ đều trông chờ vào các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Cũng vì không có người quản lý, trông coi mà không ít công trình đang hoạt động cứ... chảy thoải mái cả ngày lẫn đêm. Ông Trung kể câu chuyện mà khi nghe xong không ít người lắc đầu ngao ngán. Ở một xã nọ, muốn đưa nước sạch đến được khu dân cư, phải kéo đường ống đi ngang qua nhiều ruộng lúa. Vậy là, để đỡ công tát nước, nhiều nông dân đã đâm thủng hàng loạt điểm trên ống dẫn để lấy nước tưới cho ruộng một cách... vô tư.
Không chỉ “đau đầu” vì chuyện lãng phí nguồn nước, nhiều cán bộ địa phương còn khổ sở với những công trình bị hư hỏng nặng. Theo ông Bh’ling Mia, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang, trong tổng số 65 công trình nước tự chảy trên địa bàn, hiện có hơn 20% công trình không sử dụng được. Ông Mia bảo, dân cứ kêu hoài nhưng ngân sách quá eo hẹp, lãnh đạo huyện không biết lấy đâu ra tiền khắc phục. Tiên Phước cũng chung cảnh ngộ. Ông Đinh Thương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thông tin, toàn huyện có 5 hệ thống nước sạch nhưng hiện tại có đến 4 công trình không hoạt động được vì hư hỏng. Do không có kinh phí duy tu, sửa chữa nên tất cả đều phải “trơ gan cùng tuế nguyệt” suốt nhiều năm qua...
Xem ra, bài toán xây dựng và quản lý hệ thống nước sinh hoạt ở Quảng Nam còn khá nhiều nan giải.
Vinh Như Lân
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.