Không phụ thuộc vào nguồn thức ăn tự nhiên, anh Ngô Phước Nhân ở xã Lộc Tiến (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) đã có hướng đi mới lạ với mô hình nuôi dúi sinh sản và dúi thịt.
Xuất ngũ và mong muốn phát triển mô hình kinh tế phù hợp với bản thân, Ngô Phước Nhân đã tìm hiểu về con dúi. Nhân cho biết: “Dúi mốc đại chưa được nuôi nhiều tại Huế, thị trường các tỉnh miền Trung có nhu cầu rất cao. Bởi thế, mình quyết định đầu tư vốn, quyết tâm nuôi bằng được loài gặm nhấm này”.
Từng nuôi gà nhưng không thành công, may mắn cộng với nỗ lực đã giúp Nhân vượt qua khó khăn khi đương đầu với thách thức mới. Bởi diện tích đất nuôi trồng nhỏ hẹp, hơn nữa, dúi cũng là vật nuôi còn lạ lẫm. Vì vậy, chàng trai sinh năm 1998 đã tìm tòi và học hỏi rất kỹ tập tính, thức ăn, cách phòng trị bệnh cũng như ghép đôi cho dúi sinh sản.
Khác với các loại gia súc, gia cầm như trâu, bò, gà, vịt, tập tính của dúi rất đặc trưng, trong tự nhiên loài này chỉ đi kiếm ăn vào ban đêm. Bởi vậy, chuồng nuôi dúi và giờ giấc cho ăn phải đảm bảo để dúi sinh trưởng và phát triển ổn định. Nhân chia sẻ: “Chuồng nuôi được mình chọn gạch theo kích cỡ 50x50cm, bề mặt men được xoay ra phía ngoài để tránh gây ẩm cho mỗi ô chuồng. Dù diện tích không quá lớn nhưng với quy cách như vậy, có thể nuôi hơn 10 con dúi trên mỗi ô”.
Nhân còn tận dụng không gian để tăng thêm diện tích nuôi bằng cách làm chuồng chồng lên nhau. Không chỉ hạn chế ánh sáng lọt vào ô dưới, diện tích nuôi thực tế cũng được nâng lên gấp đôi. Không cần mặt bằng quá lớn nhưng số lượng dúi nuôi vẫn đảm bảo. Từ vài đôi dúi giống, đến nay, trại của Ngô Phước Nhân đã được xây dựng hợp lý với tổng diện tích 50m2, bao gồm 120 ô nuôi.
Nhân nói: “Trong tự nhiên, thức ăn chủ yếu của dúi là măng tre, nứa. Tuy nhiên, khi nuôi số lượng lớn, việc tìm kiếm nguồn thức ăn cũng khá vất vả. Bởi thế, mình tự tìm hiểu và phối trộn các nguyên vật liệu để tạo ra thức ăn hỗn hợp cho loài vật nuôi này”.
Với tỷ lệ phân chia phù hợp, Nhân đã tạo nên thức ăn cho dúi từ bột tre, cơm, bột bắp, men tiêu hóa. Ngoài ra, anh còn thuê hơn 500m2 trồng mía, đây là thức ăn cung cấp nước cho dúi sinh trưởng mà không cần cho uống như các vật nuôi khác. Từ lượng dưỡng chất được cân đối hợp lý, dúi con phát triển ổn định, tăng cân nhanh chóng. Nguồn thức ăn sạch còn giúp chất thải của dúi không có mùi, đảm bảo môi trường nuôi nhốt thông thoáng, hạn chế sự xuất hiện của vi khuẩn, nấm bệnh.
Sau 7 - 8 tháng nuôi, dúi có thể sinh sản. Với một đôi dúi bố mẹ, mỗi năm có thể sinh 3 lứa, mỗi lứa 2 - 4 con. Hiện nay, dúi thịt có giá 600 nghìn đồng/kg. Dúi giống hơn 2,5 triệu đồng/cặp. Nuôi theo phương thức xoay vòng và phân chia độ tuổi, cân nặng hợp lý, trung bình mỗi năm Nhân xuất bán 300 cặp dúi giống. Đặc biệt hơn, trang trại còn xuất hiện dúi bạch tạng với mức giá dao động 4 - 6 triệu đồng/con. Trung bình mỗi năm, trang trại dúi mang về cho Nhân thu nhập 150 - 200 triệu đồng.
Dúi bố mẹ mà chàng trai 9X xuất bán đang cung ứng cho các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị. Không chỉ phát triển kinh tế cho bản thân, Nhân còn mong muốn sẻ chia kinh nghiệm và trao tặng dúi giống cho những đoàn viên, thanh niên thật sự đam mê với công việc này. “Từng khó khăn khi đưa ra quyết định chọn lựa cây trồng, vật nuôi cũng như chăn nuôi thua lỗ nên mình rất mong có thể trợ giúp cho những ai muốn khởi nghiệp. Quan trọng nhất đó là đam mê đối với con dúi, khi loài động vật này được nuôi khá nhàn so với gia súc hay gia cầm khác”, Nhân nói.
Nhận xét về mô hình kinh tế của Ngô Phước Nhân, anh Nguyễn Thạch, Bí thư Xã Đoàn Lộc Tiến, cho biết: “Phương thức nuôi dúi của Phước Nhân là mô hình chăn nuôi mới mẻ tại địa phương; không quá tốn kém nhưng lại cho thu nhập cao. Xã Đoàn luôn cố gắng động viên để không chỉ mô hình này mà những mô hình thanh niên khởi nghiệp khác có động lực phát triển, tạo công ăn việc làm và sinh kế bền vững cho đoàn viên, thanh niên”.