Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 3 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 10 năm 2019 | 14:52

XDNTM giai đoạn 2020 – 2025: Cần cách tiếp cận mới

Để phát triển mạnh mẽ nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn tới, cần có cách tiếp cận mới, đảm bảo tính bền vững. Việc thay đổi tư duy, nếp sống, năng lực của người dân được đặt làm mục tiêu.

 

tr2.jpg
Người dân xã Hồng Ca (Trấn Yên - Yên Bái) làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Đức Tưởng.

 

Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) giai đoạn 2010-2020, dù mức độ đạt được có khác nhau ở các vùng miền, nhưng nhìn tổng thể bức tranh nông thôn Việt Nam đã có khởi sắc, thay đổi rất nhiều, từ không gian đến cảnh quan, điều kiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Điều này khẳng định tính đúng đắn và định hướng rất rõ của Nghị quyết 26, cũng như Chương trình XDNTM là giải pháp cụ thể hóa Nghị quyết vào cuộc sống.

Để phát triển mạnh mẽ nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn tới, cần có cách tiếp cận mới, đảm bảo tính bền vững. Việc thay đổi tư duy, nếp sống, năng lực của người dân được đặt làm mục tiêu, cư dân nông thôn làm chủ thể, cộng đồng thôn, bản là đơn vị để đánh giá.

Hoàn thành vượt 2,4% so với mục tiêu 10 năm

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến tháng 10/2019, cả nước đã có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 35,3% so với cuối năm 2015 (là thời điểm tổng kết giai đoạn 1) và hoàn thành vượt 2,4% so với mục tiêu 10 năm (2010-2020) của Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao.

Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng (đạt 84,86%), miền núi phía Bắc ( 28,6%) hoàn thành vượt mục tiêu 5 năm (2016-2020) được Thủ tướng Chính phủ giao;  36/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành sớm và vượt mục tiêu 5 năm được Thủ tướng Chính phủ giao; 8 tỉnh, thành phố có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM (Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ). Trong số các xã được công nhận đạt chuẩn NTM, có 87 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 và 42 xã vùng bãi ngang ven biển, hải đảo.

Cả nước có 109 đơn vị cấp huyện của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương  được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. Trong đó, có 4 huyện (Hải Hậu - Nam Định; Nam Đàn- Nghệ An; Đơn Dương - Lâm Đồng và Xuân Lộc - Đồng Nai) được Ban Chỉ đạo Trung ương lựa chọn thí điểm XDNTM, để tổng kết, đánh giá phục vụ xây dựng tiêu chí huyện NTM kiểu mẫu giai đoạn sau năm 2020. Đặc biệt, hai tỉnh Đồng Nai và Nam Định có 100% số xã và 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ XDNTM, vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận tỉnh hoàn thành XDNTM.

Sáng tạo, chuyển biến trong cách làm

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Phó trưởng ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia Nguyễn Xuân Cường cho biết: Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ mang tính đặc trưng, đặc thù và đặc biệt. Trong quá trình thực hiện XDNTM, các địa phương trong khu vực này gặp không ít khó khăn, thách thức. Song “cái khó ló cái khôn”, nhiều đơn vị đã triển khai phương án phù hợp, sáng tạo trong cách làm để thu về thành quả xứng đáng.

“Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng nhất nước, dân số đông đúc, trong đó phần lớn sinh sống ở vùng nông thôn, miền núi. Xuất phát từ thực tế, việc XDNTM ở Nghệ An chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức, dù vậy, kết quả thu lại được sau chặng đường đã qua càng chứng minh cho sự sáng tạo, sự nỗ lực của địa phương”, Bộ trưởng dẫn chứng.

Xuyên suốt 10 năm qua, luôn xác định XDNTM “chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc” nên các tỉnh như Nghệ An, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định... đã cho thấy sự chủ động, luôn đề ra kế hoạch, chủ trương phù hợp,  sát với thực tiễn nhằm cụ thể hóa mục tiêu. Thực tế, nhiều xã sau khi đạt chuẩn NTM tiếp tục được “chọn mặt gửi vàng” XDNTM kiểu mẫu với các tiêu chí nâng cao trên cơ sở giữ vững thành quả đã có, đồng thời không ngừng hoàn thiện nâng cao các tiêu chí còn yếu, còn thiếu.

“Mỗi vùng mỗi vẻ”, Hà Nội là Thủ đô nhưng có 386 xã nông thôn, vì thế, việc bắt tay XDNTM cũng đối mặt với không ít cam go. Lường trước được những khó khăn phải đối mặt, ngay từ đầu, Thành ủy Hà Nội đã cụ thể hóa bằng Chương trình số 02-CTr/TU ngày 29/8/2011 về “Phát triển nông nghiệp, XDNTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015” và  Chương trình số 02-CTr/TU ngày 26/4/2016 về “Phát triển nông nghiệp, XDNTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”.

Nhờ sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền từ thành phố đến cơ sở, đặc biệt là sự đồng thuận hưởng ứng của đông đảo người dân, Hà Nội mạnh dạn phấn đấu đến hết năm 2020 có từ 10 huyện trở lên đạt chuẩn NTM, các xã cơ bản đạt chuẩn, từ 60 xã trở lên đạt chuẩn nâng cao, 20 xã đạt chuẩn kiểu mẫu.

 

tr2a.jpg

Mô hình trồng rau thủy canh trong nhà lưới ở xã Vĩnh Trạch (Thoại Sơn - An Giang). Ảnh: Công Mạo.

 

Để công tác tuyên truyền phát huy tác dụng, nhiều cơ sở chủ động “biến thể” từ các nội dung vốn khô khan, cứng nhắc thành những vở kịch, những tiểu phẩm dân ca... quen thuộc, mượt mà, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người. Hiệu quả thay đổi tức thì, nhận thức, tư duy và hành động của người dân chuyển biến rõ rệt, thay vì “phải” tham gia như những ngày đầu, giờ đây người người, nhà nhà đều hăng hái tham gia, muốn góp sức mình vào công cuộc XDNTM.

Tiên phong phát triển nền nông nghiệp hiện đại

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, XDNTM là phong trào rất trúng, rất đúng, đi vào lòng người, khai thác được sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị kết hợp sức mạnh của từng người dân, tạo nên thành tích to lớn, toàn diện, lịch sử.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong triển khai XDNTM ở một số địa phương như: việc chỉ đạo chưa đồng bộ, có lúc, có nơi cấp ủy, chính quyền chưa sát sao, chưa quyết liệt, làm cho bức tranh phát triển không đồng đều, thậm chí ngay ở nơi có điều kiện hay trong cùng điều kiện giống nhau nhưng kết quả lại rất khác nhau; các chỉ tiêu phát triển sản xuất, chăm lo môi trường sống cho người dân, củng cố chính quyền ở cơ sở chưa có được kết quả đồng bộ với kết quả phát triển hạ tầng; việc xử lý rác thải chưa được triển khai hiệu quả, đặc biệt là rác thải nhựa;…

“Chúng ta phải nhìn nhận những thách thức, nguy cơ đó để quyết tâm hơn, có biện pháp cụ thể hơn, nhất là trước nguy cơ biến đổi khí hậu. Phải tận dụng tối đa các cơ hội phát triển, hạn chế đến mức thấp nhất các nhân tố bất lợi, biến nguy cơ thành cơ hội”, Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng nhấn mạnh: Trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn là thế mạnh, còn rất nhiều dư địa, là lợi thế trong tiến trình phát triển và hội nhập; phải mạnh dạn, quyết tâm, dám đặt mục tiêu cao hơn. Các địa phương phải đi tiên phong để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, đặc thù, xây dựng vùng nông thôn xanh, sạch, đẹp và bản sắc, đáng sống. XDNTM không chỉ ở đồng bằng mà cả miền núi, làng bản, xã đảo.

Không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, mục tiêu đến năm 2025, cả nước có ít nhất 15 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; 40% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; 80% số xã đạt chuẩn NTM; 80% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí NTM áp dụng đối với cấp thôn theo quy định...

Theo Ban chủ nhiệm Chương trình khoa học công nghệ phục vụ XDNTM, giai đoạn 2021-2025 sẽ hướng mạnh tới XDNTM theo hướng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn giàu có và thịnh vượng, tiệm cận khu vực đô thị.

Cùng với đó là xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa. Kinh tế nông thôn phát triển, trình độ sản xuất nông nghiệp tiên tiến, nông dân chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu…

Đặc biệt, chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.

Với mục tiêu cụ thể này, Chương trình XDNTM  cần có cách tiếp cận mới, đi vào chiều sâu, đảm bảo tính bền vững.

Ban chủ nhiệm Chương trình khoa học công nghệ phục vụ XDNTM cho rằng, nâng cao năng lực sáng tạo và thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ là giải pháp căn bản và lâu dài để duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định và vững bền cho nông nghiệp, nông thôn...

XDNTM cần gắn với việc đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp và đổi mới mô hình tăng trưởng; tạo đột phá trong phát triển công nghiệp và dịch vụ nông thôn để phát huy lợi thế của nông nghiệp, tạo việc làm ổn định, bền vững cho cư dân nông thôn.

Phát triển nông thôn cần được triển khai song song với đô thị hóa nông thôn bền vững và tăng cường liên kết nông thôn - đô thị; gắn tăng cường phát triển bền vững với bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn; đưa văn hóa thành động lực mới cho XDNTM.

“Tóm lại, có 4 vấn đề cốt lõi XDNTM. Thứ nhất, không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, miền núi là nhiệm vụ của chúng ta. Thứ hai, xây dựng miền quê đáng sống, xanh, sạch, đẹp. Thứ ba, cần phải tiếp tục bảo tồn, phát triển song hành giữa văn hóa,  nét đẹp văn hóa của người dân trong quá trình phát triển. Thứ tư, tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể dưới sự lãnh đạo của Đảng không ngừng vững mạnh để phục vụ nhân dân”, Thủ tướng lưu ý.

 

 

 


 

 

 

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top