Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 5 tháng 3 năm 2017 | 4:55

XDNTM ở Thuận Thành:​ Bám sát thực tế để điều hành

Huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) từ năm 2011. Qua 6 năm thực hiện, Thuận Thành đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Phóng viên báo Kinh tế nông thôn đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Nho, Phó chủ tịch UBND huyện xung quanh nội dung này.

Ông Lê Văn Nho (bên phải), Phó chủ tịch UBND huyện Thuận Thành trong buổi trao đổi với phóng viên.

Xin ông cho biết, sau 6 năm thực hiện chương trình XDNTM, huyện Thuận Thành đã đạt được những kết quả quan trọng nào?

Có thể khẳng định, sau 6 năm triển khai thực hiện chương trình XDNTM, huyện Thuận Thành đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, 100% số xã đã hoàn thành công tác quy hoạch XDNTM; 17/17 xã đã lập và được phê duyệt đồ án quy hoạch chung XDNTM, quy hoạch chi tiết phát triển sản xuất nông nghiệp và quy hoạch khu trung tâm xã.

Về giao thông, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp được gần 600km đường giao thông nông thôn, nâng tổng số xã đạt tiêu chuẩn NTM về giao thông là 11/17 xã (tăng 11 xã so với năm 2010). Hệ thống kênh nội đồng đã cứng hóa được 36,13km, đến nay, 17/17 xã đều đạt tiêu chuẩn NTM về thủy lợi (tăng 16 xã so với năm 2010). Có 48 trường học các cấp (THCS, tiểu học và mầm non) được đầu tư cơ sở vật chất; 11/17 xã đạt chuẩn quốc gia về trường học. Có 18 nhà văn hóa được đầu tư xây dựng, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM về cơ sở vật chất văn hóa là 13/17 xã (tăng 9 xã so với năm 2010)…

Vấn đề phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân đã được huyện quan tâm như thế nào, thưa ông?

Hàng năm, UBND huyện xây dựng kế hoạch sản xuất theo mùa vụ, chỉ đạo các xã hướng dẫn, đôn đốc, khuyến khích nông dân tích cực lao động sản xuất; chỉ đạo các HTX dịch vụ nông nghiệp làm tốt các khâu dịch vụ phục vụ sản xuất. Duy trì, mở rộng diện tích sản xuất lúa giống theo hình thức liên kết với doanh nghiệp.

Khuyến khích việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật hiện đại vào chăn nuôi, đưa những giống cây, con mới vào sản xuất góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất cho người dân.

Đầu tư hỗ trợ phát triển hạ tầng cho các khu vực chuyển đổi từ cấy lúa hai vụ không ăn chắc sang phát triển mô hình kinh tế trang trại - VAC. Xây dựng và phát triển đề án phát triển kinh tế trang trại - VAC. Chỉ đạo làm tốt công tác dồn điền đổi thửa tại các xã không có quy hoạch công nghiệp, đô thị. Đến nay, thu nhập bình quân khu vực nông thôn trên địa bàn đạt trên 36 triệu đồng/người/năm.

Ông có thể chia sẻ một vài khó khăn của Thuận Thành trong quá trình XDNTM?

Một số địa phương, cơ sở vẫn còn có những nhận thức chưa đúng đắn về chương trình (coi đây là một chương trình đầu tư của nhà nước), chưa chủ động, huy động vốn tự đóng góp của người dân và cộng đồng. Bên cạnh đó, năng lực, trình độ cán bộ xã trực tiếp theo dõi thực hiện chương trình còn hạn chế, do liên quan đến tất cả các lĩnh vực về kinh tế - xã hội - văn hóa- chính trị - quốc phòng - an ninh.

Cùng với đó, cấp huyện, xã không có cán bộ chuyên trách thực hiện chương trình; các cơ quan thực hiện chương trình chủ yếu là nhiệm vụ kiêm nhiệm nên hoạt động chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Trong giai đoạn thực hiện chương trình, nguồn lực chủ yếu là hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, huyện và xã. Việc huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn vốn đầu tư XDNTM chưa được hợp lý (các dự án đấu giá đất do tỉnh thực hiện sau đó mới đầu tư lại cho địa phương có dự án).

Vậy các giải pháp tháo gỡ khó khăn là gì, thưa ông?

Chúng tôi sẽ làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách và quy định mới về chương trình sát thực tế từng xã, phù hợp với chuẩn NTM. Tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo XDNTM huyện, các cơ quan, đơn vị chuyên môn thuộc huyện. Đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở.

Chỉ đạo các xã rà soát, đánh giá cụ thể từng tiêu chí, tiểu tiêu chí xây dựng kế hoạch chi tiết hàng năm, trong đó cần xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, thiết yếu tại địa phương, đồng thời đề ra các giải pháp cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả kế hoạch đề ra.

Khuyến khích những địa phương làm tốt trong việc huy động nguồn lực của toàn dân để xây dựng nông thôn mới. Tăng cường đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất lao động trong nông nghiệp góp phần giảm giá thành sản xuất, tạo sức cạnh tranh trên thị trường.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Hùng (thực hiện)

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top