Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 8 tháng 12 năm 2020 | 10:25

XDNTM ở Tuyên Quang: Thành công từ cách làm sáng tạo

Theo kế hoạch năm 2020, tỉnh Tuyên Quang có 11 xã về đích nông thôn mới (NTM).

Quá trình thực hiện, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy sức mạnh của các đoàn thể, tổ chức xã hội và ý thức tự chủ của người dân, nhờ đó đã hoàn thành nhiều  tiêu chí khó.

 

t30.jpg
Từ nguồn hỗ trợ 30 triệu đồng của Nhà nước, anh Bàn Văn Chuyền ở thôn Thác Vàng, xã Minh Dân đã vay thêm, xây nhà sàn bê tông rộng 140m2, tổng kinh phí hơn 300 triệu đồng.

 

Huy động sức mạnh tập thể

Hết năm 2019, Phù Lưu (Hàm Yên) đạt 13/19 tiêu chí, theo kế hoạch, xã sẽ về đích NTM năm 2020.

Ông Ma Văn Huy, Chủ tịch UBDND xã Phù Lưu, cho biết, trong 6 tiêu chí còn lại, khó khăn nhất là xóa nhà tạm, dột nát (tiêu chí Nhà ở dân cư) và nhà tiêu hợp vệ sinh (tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm). Năm 2020, xã có 35 nhà tạm, đột nát cần phải xóa, trong khi các hộ gặp khó khăn về kinh phí.

Để tháo gỡ, xã thành lập ban chỉ đạo, huy động các tổ chức xã hội, người dân, đặc biệt là tuyên truyền người thân trong dòng họ giúp đỡ, làng xóm, thôn bản hỗ trợ ngày công, cùng với Nhà nước hỗ trợ 30 triệu đồng xóa nhà tạm, dột nát. Đến nay, 33 nhà được xây mới, trị giá mỗi nhà từ 150 đến 200 triệu đồng; sửa chữa 2 nhà.

Do phong tục, tập quán ở vùng sâu, vùng xa, nhà tiêu chưa hợp vệ sinh, Phù Lưu đã xây dựng kế hoạch giao chỉ tiêu đến từng thôn, bản theo tỷ lệ phần trăm hoàn thành. Cùng với đó, xã huy động người dân, doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ vật liệu giúp người dân xây dựng. Đến nay, xã xây dựng được 300 nhà tiêu, vượt 12 nhà so với kế hoạch.

Không dừng lại ở đó, người dân trong xã còn hiến đất, ngày công, vật liệu xây dựng để xây dựng nhiều nhà văn hóa (theo Nghị quyết 03). Tại thôn Bác Cáp, Nhà nước hỗ trợ cấu kiện, nhân dân đóng góp mỗi hộ hơn 3 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa, chỉnh trang khuôn viên.

Theo kế hoạch, xã Minh Dân (Hàm Yên) cũng hoàn thành NTM trong năm 2020. Quá trình thực hiện, xã gặp khó khăn trong việc xóa nhà tạm, dột nát và nhà tiêu hợp vệ sinh. Để xóa nhà tạm, dột nát, sau khi rà soát đánh giá, xây dựng kế hoạch thực hiện, xã đã phân công các đoàn thể, cán bộ phụ trách thôn đến từng thôn vận động từng hộ, khó khăn đến đâu tháo gỡ đến đó. Hiện, Minh Dân đã xóa xong 28 nhà, còn 1 hộ đang hoàn thiện, phấn đấu xong trước 15/12/2020.

Cùng với số tiền vay 20 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội, có hộ làm nhà vệ sinh lên đến 30 triệu đồng gắn liền với nhà tắm, bể nước sinh hoạt. Đến nay, Minh Dân đã xây dựng, sửa chữa xong 116 nhà vệ sinh, vượt 8 nhà so với kế hoạch. Với cách làm bài bản, biết phát huy sức mạnh của các tổ chức chính trị, xã hội, các cá nhân, tập thể, người dân, đến nay, Phù Lưu và Minh Dân đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí NTM, hiện đang hoàn thiện hồ sơ để trình cấp trên công nhận.

Người dân là chủ thể được hưởng lợi

Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Ngọc Quyết, Bí thư Chi bộ thôn Bác Cáp, cho biết, thôn có 65 hộ, 321 nhân khẩu, trước đây nhà văn hóa thôn chỉ là nhà tạm, lợp bằng lá cọ. Triển khai xây dựng NTM, được sự hỗ trợ của Nhà nước, thôn đã vận động mỗi hộ đóng góp hơn 3 triệu đồng và khoảng 200 ngày công để xây dựng nhà văn hóa.

Hiện, nhà văn hóa thôn Bác Cáp rộng hơn 100m2 đã đưa vào sử dụng cùng hệ thống sân rộng hơn 200m2, khuôn viên, tường rào, tạo điều kiện cho bà con hội họp, thể dục thể thao mỗi ngày.

 

t31.jpg
Từ sự đóng góp của người dân, thôn Bác Cáp (Phù Lưu) đã có nhà văn hóa rộng hơn 100m2 thuận lợi cho việc hội họp, thể dục, thể thao của bà con.

 

Gia đình anh Bàn Văn Chuyền, thôn Thác Vàng, xã Minh Dân (Hàm Yên) trước đây ở trong ngôi nhà gỗ rộng khoảng 36m2, bếp bị sập, mưa đá làm vỡ cả fibro ximăng. Được Nhà nước hỗ trợ 30 triệu đồng, anh Chuyền vay mượn thêm, xây dựng nhà sàn bê tông rộng 140m2, tổng kinh phí hơn 300 triệu đồng. Khi được vay 20 triệu đồng xây nhà vệ sinh, anh xây luôn nhà vệ sinh ở góc nhà sàn, tạo thành khu vực khép kín, sạch sẽ.

Anh Chuyền tâm sự, trước đây, nhà vệ sinh làm tạm, những hôm mưa phải đi nhờ nhà hàng xóm rất bất tiện. Giờ đây, nhà vệ sinh kiên cố, khép kín hoàn toàn, gia đình rất phấn khởi. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, sự tuyên truyền kịp thời của địa phương, gia đình vay mượn xây được ngôi nhà kiên cố, không sợ mưa nắng như trước đây.

Ông Nguyễn Bá Lệ, Chủ tịch UBND xã Minh Dân, cho biết, đạt được kết quả trên có sự vào cuộc của các đoàn thể, sự chung tay của người dân, bà con nhận thức được xây dựng NTM nhằm nâng cao chất lượng sống của mình nên đồng tình ủng hộ.

Ông Ma Văn Huy, Chủ tịch UBDND xã Phù Lưu, trao đổi, mấu chốt vẫn là tuyên truyền, vận động người dân tham gia hưởng ứng phong trào xây dựng NTM. Hàng tuần, hàng tháng xã kiểm điểm, đánh giá tiến độ NTM, rút ra cách làm hay để nhân rộng.

Trao đổi với phóng viên, ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hàm Yên, cho biết, theo kế hoạch, Phù Lưu và Minh Dân sẽ hoàn thành NTM trong năm 2020. Khó khăn nhất của hai xã là cơ sở hạ tầng; người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Trước khó khăn trên, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết mình là chủ thể, Nhà nước với vai trò hỗ trợ. Huyện phân công cho các phòng ban phụ trách từng tiêu chí, họp kiểm tiến độ hàng tháng tại cơ sở do Chủ tịch UBND huyện hoặc Phó chủ tịch UBND huyện chủ trì. Các khó khăn, vướng mắc sẽ được giải quyết ngay tại cuộc họp.

Sự chỉ đạo sáng tạo, linh hoạt trong quá trình thực hiện đã giúp  Minh Dân, Phù Lưu kịp thời tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các tiêu chí khó, hoàn thành đúng kế hoạch đề ra.

Theo kế hoạch năm 2020,  Tuyên Quang có 11 xã hoàn thành NTM. Trong năm, tỉnh Tuyên Quang, trực tiếp là ngành Nông nghiệp và PTNT, đã phối hợp với các sở, ban ngành, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp kịp thời tháo gỡ các khó khăn trong quá trình thực hiện. Dự kiến, đến ngày 31/12/2020, 11 xã này sẽ đạt chuẩn NTM.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top