KTNT - Cho rằng việc khai thác cát quá mức khiến hai bờ sông Chảy bị tàn phá, xe quá tải hoành hành tuyến đường huyết mạch, làng mạc bị đe dọa bởi lũ lụt, các hộ dân sinh sống gần bãi tập kết cát bức xúc phản ánh tới báo Kinh tế nông thôn…
Bãi khai thác và tập kết khoáng sản của Công ty Kiến Thịnh chiếm gần hết bãi bồi giữa luồng sông Chảy.
Thời gian gần đây, báo Kinh tế nông thôn liên tục nhận được thông tin bạn đọc phản ánh về tình trạng khai thác cát sỏi diễn ra trên sông Chảy, đoạn qua địa bàn huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai). Hoạt động này khiến hai bên bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng. Các xe chở khoáng sản ra vào bến bãi liên tục khiến các tuyến đường huyết mạch bị xuống cấp mà không thấy lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.
Được biết, Công ty cổ phần Xây dựng thương mại Kiến Thịnh (Công ty Kiến Thịnh) là một trong những doanh nghiệp được UBND tỉnh Lào Cai cấp giấy phép khai thác khoáng sản (số 1710/GP-UBND, ngày 08/6/2016) với diện tích khu vực khai thác là 1,59ha, làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên trên sông Chảy thuộc các xã: Tân Dương, Xuân Hòa, Xuân Thượng thuộc địa bàn của huyện Bảo Yên. Tuy nhiên, trong giấy phép cấp cho Công ty Kiến Thịnh không thể hiện chi tiết thời gian hết hạn cấp phép mỏ?!.
Xe chở cát sỏi của Công ty Kiến Thịnh khiến tuyến đường huyết mạch bị cày nát, xuống cấp; cầu thì phải gồng mình chịu đựng.
Ông P.V.M, một người dân xã Tân Dương, bức xúc: “Họ cho máy móc đến múc cát liên tục cả ngày lẫn đêm, mỗi ngày có hàng ngàn xe cát được chở đi... Điều đáng nói, vị trí xúc cát nằm ở đầu cầu Bắc Cuông khiến nguy cơ sạt lở mùa lũ rất cao. Hơn nữa, vị trí khai thác và tập kết cát lại nằm sát khu đất sản xuất của người dân, nhiều điểm doanh nghiệp xúc trên đất canh tác của bà con. Càng ngày doanh nghiệp càng tiến sát làng mạc, nhà cửa của dân... Xúc kiểu này thì đất đai sản xuất của dân làm sao giữ được khi mùa lũ sắp đến”.
Ngoài ra, Công ty Kiến Thịnh còn “lợi dụng” diện tích bãi bồi giữa dòng sông để đổ cát, sỏi tràn lan, khiến luồng lạch bị ùn tắc. Đáng nói là, hoạt động khai thác cát sỏi của Công ty Kiến Thịnh còn khiến kết cấu đất ven bờ sông đối diện bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa sự tồn tại của tuyến đường nhựa huyết mạch chạy ven hai bờ sông và nguy hiểm hơn là đe dọa cầu Bắc Cuông nằm cách bãi khai thác và tập kết này chưa đầy 100m.
Giấy phép cấp cho Công ty Kiến Thịnh không thể hiện chi tiết thời gian hết hạn cấp phép mỏ?!
Để hiểu rõ hơn về hoạt động của doanh nghiệp này, phóng viên đã tìm đến bãi tập kết trên nhưng dường như hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty Kiến Thịnh tại bãi dưới chân cầu Bắc Cuông diễn ra khá mờ ám. Nhằm ngăn người lạ ra vào bãi, công ty này gắn hệ thống camera quan sát, khóa chặt cổng chính và cắt cử người đứng bảo vệ 24/24 giờ, không cho người lạ ra vào hay chụp ảnh bến bãi này.
Điều đáng ngờ hơn, khi đoàn xe quá khổ đang tăng ga để phi ra ngoài thì ngay lập tức bảo vệ đứng ở cổng chạy tới, có một vài cử chỉ ký hiệu, ngay lập tức tài xế tắt máy xuống xe và đi thẳng vào trong bãi cho đến khi đoàn phóng viên ra khỏi nơi này thì tài xế mới nổ máy phi xe ra khỏi bãi.
“Không chỉ khai thác cát sỏi khiến dòng chảy của nhánh sông Chảy bị thay đổi, còn có nhiều dấu hiệu cho thấy Công ty Kiến Thịnh khai thác kim loại quý hiếm trá hình như vàng, đá quý… Phải chăng, doanh nghiệp này đã có người chống lưng nên mới hoạt động bất chấp như vậy?”, anh H., một người dân, cho biết.
Người dân cho hay: “Tháng nào chúng tôi cũng thấy cán bộ CSGT đi xe công vụ vào bãi khai thác này nhưng tình trạng vẫn chưa được cải thiện”.
Trong khi hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty Kiến Thịnh đang bị người dân phản đối quyết liệt, doanh nghiệp này còn ngang nhiên để các xe tải ra vào bến bãi chở quá tải, “băm nát” tuyến đường nhựa qua cầu Bắc Cuông mà không bị xử lý. “Lợi dụng đường giao thông thuận tiện đi các tỉnh như Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái…, doanh nghiệp đã vận chuyển cát và sỏi, đá cuội đi khắp nơi nhưng không hề bị cơ quan chức năng xử lý, mặc dù tất cả các xe ở trong này đi ra ngoài hầu như đều quá tải”, một cựu chiến binh sinh sống dọc tuyến đường có xe vận tải của Công ty Kiến Thịnh chạy qua cho biết.
Để Công ty Kiến Thịnh lộng hành, coi thường pháp luật, UBND huyện Bảo Yên liệu có buông lỏng quản lý, giám sát, làm ngơ cho sai phạm tồn tại? Thiết nghĩ, UBND tỉnh Lào Cai cần sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý sai phạm của Công ty Kiến Thịnh và những cá nhân, tập thể liên quan.
Nguyễn Thắng
Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected] |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.