Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 25 tháng 9 năm 2014 | 8:54

Xử lí vi phạm xây dựng kiểu phường Phú Thượng: Chờ dân xây xong rồi mới... cưỡng chế!

KTNT - Nhiều lần xin cấp giấy phép xây dựng trên mảnh đất đã được cấp "sổ đỏ" nhưng không được chấp thuận, gia đình chị Nguyễn Thị Cẩm Vân đã xây dựng không phép trên mảnh đất của mình. Tuy nhiên, trong suốt quá trình xây dựng, chính quyền không xử lý triệt để, đến khi nhà xây xong, UBND phường Phú Thượng (Tây Hồ - Hà Nội) mới phát lệnh cưỡng chế, khiến người dân “ngã ngửa”. 
 
Đơn kêu cứu gửi báo Kinh tế nông thôn, bà Nguyễn Thị Cẩm Vân (SN 1981) cho biết: Hiện bà đang sử dụng mảnh đất được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ số: AP 302173, thửa đất số 47-l, tờ bản đồ số 31 thuộc tổ 7, cụm 1, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội, diện tích đất ở được cấp 70m2.
 
Năm 2013, bà Vân có kế hoạch xây dựng nhà ở cho bố mẹ tại mảnh đất nêu trên. Gia đình rất muốn chấp hành đúng pháp luật nên đã nhiều lần xin được cấp phép xây dựng, nhưng Phòng Quản lý đô thị quận Tây Hồ và UBND phường Phú Thượng đều có kết luận là “thửa đất của bà không có lối đi nên không đủ điều kiện cấp phép xây dựng”;  ngoài ra cũng không hướng dẫn bà phải làm thế nào để có đủ điều kiện xây dựng nhà.

Ngôi nhà đang bị UBND phường Phú Thượng ra QĐ cưỡng chế.
 
Do nhu cầu cuộc sống, gia đình bà buộc phải có nhà ở. Khi bắt đầu khởi công ngôi nhà vào tháng 3/2014, cán bộ UBND phường Phú Thượng cùng Thanh tra xây dựng đã đến hiện trường kiểm tra mặt bằng xây dựng, sau khi kiểm tra xong có nói lại là xây đúng ranh giới đất và không có bất cứ thông báo gì khác.
 
Với cách xử lý như vậy của UBND phường Phú Thượng, gia đình bà Vân hoàn toàn yên tâm để dốc hết tâm sức, tiền của đầu tư xây dựng và hiện nay căn nhà của bà đã thực hiện xong, chuẩn bị chuyển về ở thì cùng lúc, ngày 12/8/2014 UBND phường Phú Thượng gửi gia đình bà hai quyết định: Thông báo lần 2 (không có thông báo lần 1) ngày 07/8 về việc “yêu cầu đình chỉ thi công xây dựng và tự phá dỡ phần công trình vi phạm TTXD đô thị”; Quyết định ngày 08/8/2014 về việc “cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị”, yêu cầu gia đình bà phải tự phá dỡ toàn bộ công trình vừa hoàn thành.
 

Nhiều lần bà Vân đã xin được cấp phép xây dựng nhưng không được chính quyền sở tại đồng ý.
 
Bức xúc về cách hành xử trên của chính quyền sở tại, bà Vân cho biết: Toàn bộ quá trình xây dựng ngôi nhà từ tháng 3 - 8/2014, UBND phường đều nắm bắt và thường xuyên kiểm tra nhưng không hề có biện pháp ngăn chặn quyết liệt, đình chỉ điện nước, thi công hay cảnh báo để người dân ngừng việc thi công ngay từ đầu, tránh phải lãng phí đầu tư công sức tiền của. Nay chờ đến lúc ngôi nhà 4 tầng đã xây dựng xong, chuẩn bị dọn vào ở thì UBND phường Phú Thượng bất ngờ tuyên bố ngôi nhà tôi bị buộc phải phá dỡ vì vi phạm TTXD là việc làm bất cập, gây nhiều bức xúc cho người dân.
 
Cũng theo bà Vân, trong khi gia đình tôi còn chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì ngày 11/8/2014, UBND phường Phú Thượng tiếp tục có Thông báo là mảnh đất của tôi thuộc diện thu hồi GPMB một phần diện tích để phục vụ dự án đấu giá đất ở của quận Tây Hồ. Tại “Bản đồ vị trí ranh giới hiện trạng sử dụng đất của dự án “Xây dựng hạ tầng kỹ thuật đấu giá QSDĐ nhỏ lẻ, xen kẹt khu vực Ao Dài” do Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Hà Nội, không hề đề cập đến có đất ở nằm trong phạm vi dự án. "Tại sao UBND phường Phú Thượng ra thông báo lấy  đất  "sổ  đỏ" của gia đình tôi với lý do diện đất nhỏ lẻ xen kẹt để bán đấu giá?", bà Vân bày tỏ. 
 
Tìm hiểu phóng viên được biết, ngày 8/8/2014, UBND phường Phú Thượng đã ban hành Quyết định số 1321QĐ-CT do ông Nguyễn Lê Hoàng, Chủ tịch UBND phường ký, về việc cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dưng đô thị.
 
Lý do UBND phường Phú Thượng đưa ra là chủ đầu tư xây dưng công trình không có giấy phép xây dựng trên đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không chấp hành quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm TTXD đô thị số 59/QĐ-CT ngày 8/5/2014. 
 

TB của UBND phường Phú Thượng.
 
Ngày 18/9/2014, UBND phường Phú Thượng tiếp tục ra thông báo về việc thực hiện quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị với công trình nhà ở của gia đình bà Vân. Thời gian cưỡng chế bắt đầu vào 8h ngày 23/9. Gia đình bà Vân được UBND phường Phú Thượng yêu cầu buộc phải có mặt tại hiện trường, nếu không có mặt, đoàn thi hành công vụ sẽ tiến hành cưỡng chế phá dỡ toàn bộ ngôi nhà.
 
Đứng trước nguy cơ ngôi nhà bị buộc phải phá dỡ, gia đình bà Vân đã nhiều lần kiến nghị đến các cấp chính quyền và UBND TP. Hà Nội nhằm rà soát lại toàn bộ quá trình thực thi pháp luật cũng như chủ trương, chính sách của UBND phường Phú Thượng đối với gia đình bà; làm rõ việc trách nhiệm của UBND phường Phú Thượng trong việc thực hiện quy trình cưỡng chế phá dỡ nhà ở của gia đình bà, đồng thời đề xuất các cơ quan chức năng xem xép cấp giấy phép xây dựng bổ sung cho gia đình bà.
 
Mới đây, Bộ Xây dựng đã thành lập đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra quá trình thực hiện xử lý vi phạm trật tự xây dựng của phường Phú Thượng, đồng thời yêu cầu tạm đình chỉ quyết định cưỡng chế công trình vi phạm.
 
Trao đổi về vụ việc, ông Kiều Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thượng, thừa nhận việc Thanh tra Bộ Xây dựng đã yêu cầu đình chỉ quyết định cưỡng chế, đồng thời thanh tra quá trình giải quyết sự việc.
 
Trước việc công dân khiếu nại UBND phường Phú Thượng không triệt để trong xử lý vi phạm xây dựng dẫn đến nguy cơ thiệt hại tài sản người dân, ông Tâm cho rằng "quy trình lập biên bản, xử lý vi phạm của UBND phường Phú Thượng là đầy đủ"? Còn việc cấp "sổ đỏ" cho mảnh đất hộ gia đình bà Vân của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội có thiếu sót khi không kiểm tra thực trạng thửa đất.
 
Để tránh bức xúc cho người dân, đề nghị Bộ Xây dựng; UBND TP. Hà Nội; Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội; UBND quận Tây Hồ xác minh làm rõ nội dung khiếu nại của công dân, đảm bảo tính nghiêm minh, thượng tôn của pháp luật.
 
Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin./.
 
Thành Vinh
 
KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top