Trước tình trạng vườn hoa cây xanh “biến” thành sân tennis, nhà hàng… trái phép tại Dự án Khu nhà ở và công trình công cộng phường Yên Hòa, mới đây, UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu Sở Xây dựng, chính quyền quận Cầu Giấy xử lý nghiêm trách nhiệm của Tổng công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam (Constrexim Holdings), chủ đầu tư.
Một trong những hạng mục sai phép của dự án.
Sai phạm kéo dài nhưng không bị xử lý
Báo Kinh tế nông thôn nhận được phản ánh của các hộ dân tại Khu nhà ở và công trình công cộng phường Yên Hòa đề nghị lên tiếng truy cứu trách nhiệm của Constrexim Holdings, chủ đầu tư dự án, vì đã có hành vi chiếm dụng 2.715m2 đất để sử dụng làm sân tennis sai với thiết kế ban đầu.
Ngày 12/6/2003, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 3278/QĐ-UB có nội dung: Trong 57.862m2 đất để xây các tòa chung cư và biệt thự liền kề thì UBND TP. Hà Nội có dành ra 2.715m2 đất để xây vườn hoa cây xanh và sân thể thao công cộng.
Tuy nhiên, trên thực tế, từ năm 2008 đến nay, vườn hoa cây xanh chẳng thấy đâu, thay vào đó 2.715m2 đất lại biến thành 2 sân tennis và nhà hàng kinh doanh.
Liên quan đến vụ việc trên, tại Kết luận thanh tra số 202/KL-TTr ngày 27/9/2012 của Thanh tra Bộ Xây dựng nêu rõ: Thực hiện theo quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt tại phần đất trước và sau các tòa CT3, CT4-5 và HH1, đối với nhà cấp 4 diện tích 99,6m2, yêu cầu Constrexim Holdings phải thỏa thuận với các hộ dân; nếu các hộ dân tiếp tục khiếu kiện, Tổng công ty phải phá dỡ.
Bên cạnh đó, hàng loạt sai phạm khác tại dự án trên đã được Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ.
Theo Kết luận số 202/KL-TTr ngày 27/9/2012 của Thanh tra Bộ Xây dựng, triển khai xây dựng hợp khối 2 công trình CT4, CT5, Constrexim Holdings tự ý nâng tầng cao nhà CT5 từ 7 tầng lên thành 12 tầng khi chưa có Quyết định của UBND TP. Hà Nội.
Tại khu nhà vườn, mặc dù thành phố phê duyệt số tầng theo quy định là 3,5 tầng, tuy nhiên Constrexim Holdings để các hộ dân xây dựng 21 căn cao 4 tầng, 2 căn cao 5 tầng và 1 căn xây cao 5,5 tầng.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư còn tự ý thay đổi công năng tầng 5 và 6 tòa nhà HH1 từ văn phòng trở thành 16 căn hộ. Thậm chí, toàn bộ căn hộ tại tòa nhà CT3, CT6, Constrexim Holdings sử dụng vào mục đích kinh doanh, không bán cho đúng đối tượng theo quy định của TP. Hà Nội. Trong khi, Constrexim Holdings lại được hưởng ưu đãi về tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đất. Tổng diện tích bán thừa so với quyết định của thành phố là 6.152,4m2.
Tại phần đất lấn chiếm 144m2 tại khu nhà vườn, hiện một phần vẫn bị quây rào chiếm dụng để sử dụng riêng. Căn nhà cấp 4 tiếp tục được cho thuê sử dụng vào mục đích kinh doanh cà phê, gây mất mỹ quan, “xé nát” quy hoạch của thành phố tại khu vực này.
TP Hà Nội chỉ đạo xử lý nghiêm sai phạm chủ đầu tư Constrexim Holdings.
Chủ đầu tư “chây ì”?
Liên quan đến vụ việc trên, ngày 26/11/2014, Thanh tra xây dựng quận Cầu Giấy có Văn bản số 91/BC-TTXDCG báo cáo về quá trình giải quyết đơn thư liên quan tới việc xây dựng 2 sân tennis và nhà cấp 4 tại khu đất CX do Constrexim Holdings làm chủ đầu tư.
Theo đó, Thanh tra xây dựng quận yêu cầu chủ đầu tư có phương án tự giác dỡ bỏ công trình nhà cấp 4, diện tích khoảng 99,6m2 không được phê duyệt trong quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án. Thời gian thực hiện xong trước ngày 05/12/2014.\
Tuy nhiên, chủ đầu tư không những không tự giác phá dỡ công trình vi phạm mà còn ngang nhiên đưa công trình vi phạm vào hoạt động một cách bình thường, bãi gửi xe xung quanh sân tennis vẫn luôn trong tình trạng đông đúc, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng trăm hộ dân tại khu vực.
Trước sự chây ì của chủ đầu tư, ngày 2/12/2015, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã ký Văn bản số 8627/UBND-XDGT với nội dung chấp thuận những đề xuất của Sở Xây dựng tại Báo cáo 10458/BC – SXD ngày 26/10/2015. Giao UBND quận Cầu Giấy chỉ đạo UBND phường Yên Hoà, phối hợp với Đội Thanh tra xây dựng quận Cầu Giấy yêu cầu chủ đầu tư Constrexim Holdings khắc phục lỗi vi phạm: Đã thi công xây dựng hạng mục công trình sân thể thao và nhà dịch vụ tại ô đất quy hoạch là cây xanh, sân thể thao công cộng tại mảnh I sai so với bản vẽ quy hoạch tổng thể mặt bằng và phương án thiết kế kiến trúc sơ bộ công trình đã được phê duyệt. Trường hợp chủ đầu tư không tự khắc phục phải tổ chức cưỡng chế theo quy định.
Chính quyền nhận lại công trình vi phạm?
Thực hiện chỉ đạo của TP. Hà Nội, ngày 10/12/2015, UBND quận Cầu Giấy đã ký Quyết định cưỡng chế số 432/QĐ - CC đối với Constrexim Holdings trong thời hạn 30 ngày, đồng thời buộc chủ đầu tư chịu mọi chi phí cưỡng chế.
Tuy nhiên, theo báo Dân Trí, tại cuộc họp ngày 16/12/2015 giữa UBND quận Cầu Giấy, UBND phường Yên Hòa, Constrexim Holdings, Đội Thanh tra Xây dựng, đại diện tổ dân phố thì việc xử lý đã chuyển hướng khác. Cụ thể, phía chủ đầu tư Constrexim Holdings đề xuất hiến tặng toàn bộ công trình vi phạm cho UBND phường Yên Hòa tiếp nhận, sau đó chính quyền địa phương thống nhất với cư dân việc quản lý và sử dụng.
Biên bản cuộc họp đã “chốt” việc chủ đầu tư bàn giao nguyên trạng công trình vi phạm cho UBND phường Yên Hòa trước ngày 20/1/2016, sau đó chính quyền địa phương bàn với cư dân việc xử lý hoặc sử dụng công trình trên. Song, việc UBND phường Yên Hòa chấp nhận phương án hiến tặng công trình vi phạm của chủ đầu tư chưa nhận được sự đồng thuận từ cư dân, những người phải gánh chịu thiệt thòi nhiều năm vì những vi phạm trắng trợn của Constrexim Holdings.
Theo quy định, chủ đầu tư các công trình vi phạm phải chịu toàn bộ kinh phí cưỡng chế phá dỡ. Nếu thực hiện Quyết định cưỡng chế ký ngày 10/12/2015, Constrexim Holdings phải chịu toàn bộ kinh phí phá dỡ có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Nếu UBND phường Yên Hòa tiếp nhận, sau đó cư dân tiếp tục yêu cầu phá dỡ thì nguồn kinh phí phục vụ việc phá dỡ sẽ lấy từ đâu? Ai là người chịu trách nhiệm phá dỡ và chi kinh phí? Đó là những câu hỏi mà cư dân KĐT Yên Hòa chờ đợi UBND quận Cầu Giấy và phường Yên Hòa đưa ra câu trả lời thỏa đáng.
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin diễn biến vụ việc.
Lê Duy
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.