Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 5 năm 2017 | 7:30

Xử lý sai phạm tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex): Chưa đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII

KTNT - Trước những vi phạm nghiêm trọng tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trách nhiệm chính thuộc về ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT; ông Trần Văn Thịnh, Tổng giám đốc. Tuy nhiên, hai ông này chỉ bị rút kinh nghiệm khiến dư luận cho rằng Bộ Công thương xử lý sai phạm chưa đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.

>> Vi phạm nghiêm trọng tại Petrolimex: Chủ tịch và Tổng giám đốc chỉ rút kinh nghiệm!

>> Vi phạm tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam: Đã xử lý đến đâu?

Những năm gần đây, tại nhiều công ty, tập đoàn thuộc Bộ Công Thương xảy ra vi phạm, kinh doanh thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Năm 2016, nổi lên là vụ Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC). Đến nay, Trịnh Xuân Thanh đang bị truy nã quốc tế, còn Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương trong thời gian 2011 - 2016 bị kỷ luật bằng hình thức cách chức.

Vi phạm nghiêm trọng đã được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ thế nhưng cả 2 vị lãnh đạo cao nhất của Petrolimex chỉ nghiêm túc rút kinh nghiệm!

Mới đây nhất, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra nhiều dấu hiệu vi phạm tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, đồng thời xem xét thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và một số cá nhân có liên quan. Đặc biệt là 12 dự án của các Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem); Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng, đang là gánh nặng cho nền kinh tế.

Ngày 1/9/2016, trong Thông báo số 2280/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt vi phạm, vi phạm ở mức nghiêm trọng tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Trong đó, có 2 vụ việc được kiến nghị chuyển sang Bộ Công an xử lý theo quy định của pháp luật.

Vi phạm nghiêm trọng được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đầu tư tài chính ngoài ngành nghề kinh doanh tổng số tiền 2.255.618 triệu đồng, trong đó đầu tư với giá trị lớn không đúng quy định. Sử dụng vốn kinh doanh 231.898 triệu đồng đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản không đúng với Nghị quyết của HĐQT…

Công ty cổ phần Vận tải Xăng dầu Vipco (Công ty Vipco) đầu tư 56.160 triệu đồng vào Công ty cổ phần An Phú nguy cơ mất vốn do kinh doanh thu lỗ; Công ty Xăng dầu Khu vực II dùng vốn kinh doanh cho Công ty Du lịch - Thương mại Kiên Giang vay ưu đãi sai quy định 25.534 triệu đồng; Công ty Vipco trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn 53.474 triệu đồng không đúng quy định.

Năm 2008, ông Nguyễn Đạo Thịnh, Tổng giám đốc Công ty Vipco ký Hợp đồng hợp tác đầu tư và Hợp đồng dịch vụ, ngày 8/4/2008 Công ty Vipco đã chuyển 72.540 triệu đồng vào tài khoản chung do Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất Thiên Lộc Phú làm chủ tài khoản, sau đó có văn bản cho phép Công ty Thiên Lộc Phú rút ra từ ngân hàng 20.180 triệu đồng nhưng không có căn cứ, số tiền rút ra không sử dụng vào việc thực hiện hợp đồng và hoạt động của Công ty Thiên Lộc Phú (thực tế, Công ty Thiên Lộc Phú không hoạt động kinh doanh).

Công ty Thiên Lộc Phú đã trả lại Công ty Vipco 1.500 triệu đồng, số còn lại 18.680 triệu đồng đến nay không thu hồi được.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và một số công ty xăng dầu thành viên chưa thực hiện đúng Thông tư 234/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính trong việc trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu; Xác định sai sản lượng xăng dầu tiêu thụ thực tế, dẫn đến trích thiếu Quỹ bình ổn giá 4.896 triệu đồng. Năm 2011, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam chỉ đạo các công ty xăng dầu thành viên kinh doanh có lãi trích lập Quỹ bình ổn giá, thực tế 11 công ty này đã trích tổng số tiền 221.279 triệu đồng không đúng đối tượng theo quy định.

Trong quản lý đầu tư xây dựng, từ năm 2010 đến tháng 6/2013, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã đầu tư 178 dự án, tổng mức đầu tư hơn 11.875.943 triệu đồng, trong đó có 29 dự án chậm tiến độ, 23 gói thầu có giá trị dự toán trên 5 tỷ nhưng Tập đoàn không tổ chức đấu thầu theo quy định, chỉ định nhà thầu không đủ năng lực tài chính dẫn tới một dự án phải dừng thi công do thiếu vốn… Ngoài ra, nhiều vi phạm của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam khác cũng được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Petrolimex, là người chịu trách nhiệm đầu tiên khi để xảy ra vi phạm (ảnh: petrolimex.com.vn)​ 

Trước những vi phạm nghiêm trọng nói trên, Thanh tra Chính phủ khẳng định trách nhiệm chính thuộc về HĐQT; Tổng giám đốc, Kế toán trưởng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Tổng giám đốc, giám đốc, kế toán trưởng các công ty liên quan. Yêu cầu Bộ Công Thương xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các công ty liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm trong việc quản lý, xử dụng vốn, tài sản, quản lý hoạt động kinh doanh.

Như vậy, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên; tiếp đến là ông Trần Văn Thịnh, Tổng giám đốc, sau đó mới đến cấp dưới và các công ty thành viên. Mới đây, Bộ Công Thương cho biết, Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã nghiêm túc rút kinh nghiệm trong quản lý điều hành. 

Theo Thanh tra Chính phủ, ông Trần Văn Thịnh, Tổng giám đốc Petrolimex, phải chịu trách nhiệm chính về những khuyết điểm, vi phạm tại Petrolimex. Ảnh: Tapchicongthuong.

Sau khi biết ông Bảo và ông Thịnh chỉ bị rút kinh nghiệm, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Công Thương xử lý vi phạm chưa đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Với cách xử lý như vậy, có thể là nguyên nhân khiến nhiều tập đoàn thuộc Bộ Công Thương liên tiếp xảy ra vi phạm, kinh doanh thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng?

Phải chăng vi phạm tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam phải bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn thì khi đó mới là vi phạm nghiêm trọng?.

Hoàng Văn

 

Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top