KTNT - Thay vì cương quyết chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm 2 công trình không phép tại Dự án Hòa Bình Green City ở 505 Minh Khai (phường Vĩnh Tuy), UBND quận Hai Bà Trưng lại đề nghị UBND TP.Hà Nội cho phép tồn tại. Mong rằng UBND TP.Hà Nội xử lý nghiêm, tránh tạo tiền lệ xấu cho các công trình xây dựng trái phép khác.
>> Thư ngỏ gửi Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung
>> Vi phạm tại dự án Hòa Bình Green City vẫn chưa bị xử lý
>> Dự án Hòa Bình Green City: Tự ý xây chùa trên tầng thượng?
>> Thanh tra toàn diện 5 dự án có dấu hiệu vi phạm trên địa bàn Hà Nội
Theo giới thiệu từ trang: hoabinh-greencity.com thì 2 công trình không phép trên nóc tầng 27 là 2 ngôi chùa.
Giữ chùa vì lý do tâm linh
Sau khi Báo Kinh tế nông thôn có loạt bài phản ánh chủ đầu tư Dự án Hòa Bình Green City ngang nhiên xây dựng 2 ngôi chùa không phép trên nóc tòa nhà cao 27 tầng, ngày 31/5/2016, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội có Công văn gửi Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, yêu cầu kiểm tra xử lý những vi phạm về trật tự xây dựng tại dự án Hòa Bình Green City (nếu có), báo cáo Thành ủy, UBND thành phố trước ngày 10/6/2016.
Ngày 9/6/2016, UBND quận Hai Bà Trưng có Công văn số 588/UBND-VP gửi UBND TP. Hà Nội báo cáo về dự án Hòa Bình Green City. Theo công văn này, dự án khu dịch vụ công cộng thương mại, nhà trẻ kết hợp chung cư cao tầng (gọi tắt là Dự án Hòa Bình Green City) do Công ty CP Nông sản AGREXIM và Công ty TNHH Hòa Bình làm chủ đầu tư, được Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng số 17/GPXD ngày 10/4/2013 quy mô 2 tòa nhà 27 tầng, có 3 tầng hầm, độ cao đến đỉnh mái là 93m.
Hiện tại trên nóc tòa tầng 27 của tòa nhà CT01 xây dựng thêm một gian nhà mái ngói có kích thước: rộng 5,8m x dài 10,90 = 63,44m2, cao 3,9m, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng vào khoảng tháng 6/2014. Tại vị trí nóc tầng 27 của tòa nhà CT02 cũng đã xây 1 gian nhà mái ngói có kích thước: rộng 5,8m x dài 10,90 = 63,44m2, cao 3,9m đã hoàn thành và đưa vào sử dụng vào khoảng tháng 2/2015. Cả hai hạng mục trên đều không nằm trong nội dung được cấp phép xây dựng.
UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, theo Thông báo số 100/2016/CV-HB ngày 7/6/2016 của Công ty TNHH Hòa Bình thì việc xây dựng thêm 02 khu tâm linh xuất phát từ nhu cầu chính đáng và nguyện vọng đề xuất của cư dân nơi đây, bên cạnh đó hai công trình này cũng không ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực, không ảnh hưởng tới các công trình liền kề đang được sử dụng. Chính vì vậy, UBND quận Hai Bà Trưng đề nghị UBND TP. Hà Nội cho phép giữ nguyên hiện trạng để tiếp tục sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh cộng đồng phù hợp với đạo lý, truyền thống, phục vụ nhu cầu chính đáng của cư dân 2 tòa nhà.
Công văn số 588/UBND-VP của UBND quận Hai Bà Trưng gửi UBND TP. Hà Nội .
Tạo tiền lệ xấu?
Qua đề nghị của UBND quận Hai Bà Trưng, cần làm rõ các vấn đề sau:
Thứ nhất, gian nhà xây không phép ở tòa nhà CT01 được đưa vào sử dụng từ tháng 6/2014; gian không phép ở tòa nhà CT02 đưa vào sử dụng vào khoảng tháng 2/2015. Tuy nhiên, đến ngày 17/8/2015, Đội thanh tra cây dựng quận Hai Bà Trưng mới phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính, điều này cho thấy, UBND quận Hai Bà Trưng, Thanh tra xây dựng quận, UBND phường Vĩnh Tuy đã buông lỏng trong quản lý trật tự xây dựng đô thị.
Thứ hai, theo Công ty TNHH Hòa Bình, việc xây dựng thêm 02 khu tâm linh xuất phát từ nhu cầu chính đáng và nguyện vọng đề xuất của cư dân 02 chung cư. Đây là nhu cầu, nguyên vọng chính đáng và đều phải dựa trên quy định của pháp luật, vậy tại sao ngay từ đầu, chủ đầu tư không đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền bổ sung, mà lại ngang nhiên xây dựng rồi mới “báo cáo”?
Thứ ba, UBND quận Hai Bà Trưng nói, 2 công trình vi phạm tại Hòa Bình Green City không ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực, không ảnh hưởng tới các công trình liền kề và mục đích sinh hoạt cộng đồng, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Theo quy định của pháp luật, đã xây dựng không phép là vi phạm; đã vi phạm cần xử lý nghiêm chứ không thể nói là có ảnh hưởng hay không ảnh hưởng.
Thứ tư, việc UBND quận Hai Bà Trưng đề nghị UBND TP. Hà Nội cho phép giữ nguyên 2 công trình vi phạm tại dự án Hoà Bình Green City khiến dư luận nghi ngờ quận này dung túng, bao che cho vi phạm. Bởi, khi 2 công trình không phép bắt đầu “mọc” lên, UBND quận Hai Bà Trưng cùng các cơ quan chức năng đã không phát hiện kịp thời, khi phát hiện lại không cương quyết chỉ đạo xử lý theo quy định. Nhiều ý kiến cho rằng, UBND quận Hai Bà Trưng đang tạo lệ xấu cho TP. Hà Nội trong lĩnh vực quản lý xây dựng. Chủ đầu tư cố tình xây sai phép, xây không phép ,sau đó tìm cách “hợp thức hóa” để tồn tại.
Trước sai phạm tại dự án Hoà Bình Green City, đề nghị UBDN TP. Hà Nội xử lý nghiêm theo quy định, đồng thời làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể UBND quận Hai Bà Trưng, Đội thanh tra xây dựng quận Hai Bà Trưng và UBND phường Vĩnh Tuy trong việc chậm trễ phát hiện vi phạm, khi phát hiện lại không cương quyết xử lý, gây bức xúc dư luận.
"Chùa ở chung cư”, mới đầu nghe có vẻ vô lí nhưng đó là sự thật. Tổ hợp Hoà Bình Green City vinh dự là chung cư đầu tiên ở Hà Nội đã hoàn thành và đưa vào sử dụng một khu tâm linh trên đỉnh toà nhà để phục vụ nhu cầu tâm linh của cư dân nội khu. Không phải đi xa, không phải bon chen ra đường mỗi dịp lễ tết, khách hàng lựa chọn Hoà Bình Green City có cơ hội tìm về nơi cửa Phật, gửi gắm tâm tư, tận hưởng không gian thư thái sau những giờ làm việc căng thẳng” - đây là những lời quảng cáo có cánh khẳng định 2 công trình không phép là 2 ngôi chùa được đăng trên trang: hoabinh-greencity.com. |
Hoàng Văn
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.