Nhiều hộ dân bị cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng trên đất nông nghiệp tại thị trấn Phú Minh (huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội) bức xúc về cách xử lý vi phạm trật tự xây dựng không công bằng: Giàu được phép tồn tại, còn nghèo thì xóa bỏ...
Hệ lụy của vụ vỡ nợ tín dụng đen Hùng Cúc
Năm 2007, làng quê nghèo Phú Xuyên dậy sóng sau thông tin 2 vợ chồng Hùng Cúc vỡ nợ tín dụng đen với số tiền lên tới hàng trăm tỉ đồng. Vòng xoáy của vụ vỡ nợ kéo theo việc nhiều hộ dân đã trót dốc hết gia sản cho đôi vợ chồng này vay tiền, lâm vào bước đường cùng phải bán nhà, tài sản để trả nợ. Thậm chí một số hộ dân phải bán nhà, thuê thầu lại đất nông nghiệp để sinh sống.
Đơn thư của 12 hộ dân tiểu khu Phú Gia, thị trấn Phú Minh phản ánh: Năm 2007, do vỡ nợ tín dụng đen Hùng Cúc, họ đành phải thuê thầu lại đất nông nghiệp tại khu trại ông Ổn (tiểu khu Phú Gia, Phú Thịnh) làm nơi sinh sống. Khu vực này tại thời điểm đó không có đường vào nên người dân phải đi xin đất của xã Vạn Điểm (huyện Thường Tín) làm đường đi. Nhà cửa theo thời gian được dựng lên thành khu dân cư sinh sống gần 10 năm qua. Cũng trong suốt từng ấy năm, UBND thị trấn Phú Minh làm ngơ để người dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Thời gian gần đây, chính quyền sở tại tiến hành xử lý những sai phạm mà họ đang mắc phải, đó là xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên, người dân cho rằng, họ bị đối xử không công bằng bởi nhà hàng xây dựng hoành tráng kinh doanh thu lợi, cán bộ xây dựng trái phép thì được ưu ái, bỏ qua, còn những người đến tấc đất cắm dùi không có thì bị cưỡng chế.
Cụ thể, gia đình chị Nguyễn Thị Thúy (số nhà 14, xóm Thanh Lịch, tiểu khu Phú Thịnh) vốn hoàn cảnh khó khăn, anh Phùng Khắc Hợp (chồng chị) là người không được bình thường. Một năm chồng chị bỏ đi không biết bao lần, con cái đứa thì học lớp 9, đứa học lớp 7. Căn nhà chỉ vài mét vuông sập sệ, cũ nát cũng được một người dân thương cảm mà cho thuê với giá như cho chỉ 100.000 đồng/tháng. Thời gian trước, chị Thúy có tích cóp, vay mượn mua được mấy chục mét vuông đất 5% tại tiểu khu Phú Thịnh, cách UBND thị trấn không xa. Do trời mưa gió, chuồng lợn ngập, mấy con lợn ngoi ngóp trong nước, chị đành ra chỗ đất 5% dựng tạm cái lán để di chuyển đàn lợn ra đó.
Nơi ở và sinh hoạt chật chội, ẩm thấp của gia đình chị Nguyễn Thị Thúy.
Nhưng không lâu sau, lãnh đạo UBND thị trấn Phú Minh là ông Vũ Văn Hữu (Chủ tịch) đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể với lực lượng hùng hậu gần 20 người ra cưỡng chế cái chuồng lợn trong khi gia đình chị đi đám hiếu. Tuy nhiên, những sai phạm chềnh ềnh như nhà hàng Minh Lùn, nhà hàng Vinh Hiền, gia đình bà Huệ - Hiệu trưởng Trường mầm non Phú Minh, điển hình hơn cả là trường hợp sai phạm của gia đình ông Hoàng Văn Nhàn, Phó chủ tịch UBND thị trấn, lại không hề hấn gì?!
Nhà hàng Vinh Hiền lấp cả mương thủy lợi xây dựng trái phép nhưng không hề bị xử lý.
Tìm hiểu phóng viên được biết, ngôi nhà 4 tầng 1 tum hiện nay của ông Hoàng Văn Nhàn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phú Minh, vốn là ki-ốt chợ thị trấn Phú Minh chỉ có 1 tầng. Ông Nhàn và gia đình lấn chiếm thêm diện tích đất công khu vực này (dài 7m, rộng 6m), biến ki-ốt thành nhà riêng. Dựa vào việc vi phạm của ông Nhàn, nhiều gia đình cũng đua nhau xây dựng nhà cao tầng, phá vỡ quy hoạch.
Nhà hàng Vinh Hiền (do ông Phùng Đức Vinh làm chủ) được xây dựng trên diện tích đất nông nghiệp, lấp luôn cả con mương thủy lợi để lấy hai mặt tiền với diện tích hàng trăm mét vuông. Bên trong nhà hàng Vinh Hiền được đầu tư khá bài bản với chức năng phục vụ ăn uống, tiệc, sự kiện; khách còn có thể lựa chọn các phòng vip (có máy lạnh).
Cách đó không xa là nhà hàng Minh Lùn (khu ao bà Học do ông Phùng Văn Minh làm chủ) cũng được đầu tư quy mô không kém.
Chính quyền sở tại nói gì?
Trao đổi về việc ông Hoàng Văn Nhàn, Phó chủ tịch thị trấn biết luật mà còn làm sai, ông Vũ Văn Hữu, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Minh thản nhiên trả lời: “Việc này anh phải hỏi anh Nhàn...”.
Trong buổi làm việc với phóng viên, ông Hữu không cung cấp bất cứ một văn bản nào liên quan đến xử lý sai phạm của những công trình trên. Nhưng bản thân ông vẫn khẳng định một cách chắc nịch: “Đối với tôi, khi về làm Chủ tịch, ở đây sẽ không có vùng cấm, sẽ xử lý hết vi phạm...”. Liệu lời hứa của vị Chủ tịch thị trấn có được thực hiện?
Ông Hữu thanh minh cho việc đập bỏ chuồng lợn của gia đình chị Nguyễn Thị Thúy trong khi đó không xử lý căn nhà gác của gia đình bà Huệ (Hiệu trưởng Trường mầm non thị trấn), bởi chuồng lợn là cái mới phát sinh, phải xử lý.
Căn nhà trên đất 5% của gia đình bà Huệ - Hiệu trưởng Trường mần non thị trấn cách UBND thị trấn vài bước chân.
Chúng tôi có buổi làm việc với Đội thanh tra xây dựng huyện Phú Xuyên, gồm ông Lâm Minh Cường – Đội trưởng, ông Nguyễn Văn Thanh – cán bộ phụ trách địa bàn thị trấn Phú Minh. Tại buổi làm việc, ông Cường và ông Thanh luôn cho rằng, hiện nay đội thanh tra xây dựng lực lượng mỏng nên hạn chế trong việc nắm bắt địa bàn.
Ông Cường khẳng định: Tôi có biết trường hợp nhà ông Nhàn – Phó chủ tịch, vi phạm trật tự xây dựng sai. Để xảy ra vi phạm đất đai, xây dựng trái phép, trách nhiệm là do thị trấn đã buông lỏng quản lý?!...
Còn ông Thanh, mặc dù là cán bộ nắm địa bàn của Đội thanh tra xây dựng huyện Phú Xuyên nhưng khi được hỏi về nắm bắt tình hình thực tế những sai phạm nêu trên thì lại mơ hồ cho rằng mình không nhớ, không biết.
Căn nhà 4 tầng 1 tum (màu cam) được ông Nhàn – Phó chủ tịch UBND thị trấn phù phép từ ki-ốt chợ.
Khi chúng tôi đề nghị Thanh tra xây dựng huyện cung cấp hồ sơ, văn bản tham mưu, báo cáo cấp trên thì cả ông Cường và ông Thanh đều trả lời vòng vo, không cung cấp. Đội thanh tra xây dựng huyện Phú Xuyên trong nhiều năm qua vì sao không tham mưu, báo cáo những sai phạm trên cho UBND huyện Phú Xuyên để xử lý? Hay có việc bao che cho những sai phạm này?
Đề nghị Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, UBND huyện Phú Xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm minh những sai phạm trên, tránh gây bức xúc trong dư luận.
Thanh Xuân
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.