Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 17 tháng 6 năm 2016 | 5:39

Xuất hiện nhiều tàu lạ, Công ty Khoáng sản Sông Hồng có tiếp tay cho "cát tặc" lộng hành?

Công ty Khoáng sản Sông Hồng được cho là huy động gần 10 tàu thuyền thực hiện nạo vét cát trái quy định đang khiến người dân bức xúc.

Hiện nay, vấn đề núp bóng Dự án nạo vét đường thủy để khai thác cát trá hình đang là một trong những điểm nóng trong dư luận. Có những đơn vị thực hiện chưa nghiêm túc và sớm “biến tướng” để vơ vét tận thu khoáng sản.

Trong một cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) chia sẻ, về mặt chủ trương thực hiện việc nạo vét, duy tu luồng lạch tận thu sản phẩm là một chủ trương rất tốt, thực chất đây là việc xã hội hóa đầu tư luồng lạch mà không sử dụng đến ngân sách, bên cạnh đó nhà đầu tư có lợi nhuận.

Vấn đề kiểm soát, quản lý các đơn vị thực hiện dự án, Cục Đường thủy nội địa đang vào cuộc rất quyết liệt, quản lý chặt chẽ để không thất thoát tài nguyên khoáng sản, quán triệt một số doanh nghiệp khi thực hiện phải đảm bảo đúng tuyến, đúng luồng lạch đã quy định, đảm bảo sự chuẩn tắc trong hoạt động nạo vét.

"Tuy nhiên, trên thực tế, có những nhà đầu tư thực sự chưa tuân thủ theo sự chuẩn tắc trong quá trình thực hiện dự án. Đơn vị nào chưa tuân thủ sự chuẩn tắc sẽ bị dừng, và buộc phải thu hồi giấy phép", ông Giang thừa nhận. 

Một trong những doanh nghiệp có dấu hiệu của việc tận thu hút cát trá hình đang được dư luận, người dân bức xúc là Công ty Cổ phần đầu tư khai thác và phát triển khoáng sản Sông Hồng (Công ty Khoáng sản Sông Hồng).

Qua tìm hiểu của phóng viên, đơn vị này được cấp phép thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa với số lượng là 3 chiếc tàu hút cát. Tuy nhiên, doanh nghiệp này có lúc điều tới 10 tàu ra hút cát trên sông Hồng đoạn qua khu vực Bắc Cổ (Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Nhiều tàu, thuyền tập trung hút cát, thậm chí có những tàu tiến sát vào khu vực gần bờ để tận thu khoáng sản (Ảnh  Minh Chí)

Theo tìm hiểu của phóng viên, Ngày 11/7/2014, Cục đường thủy nội địa Việt Nam đã chấp thuận hồ sơ đề xuất của Công ty Cổ phần đầu tư khai thác và Phát triển khoáng sản sông Hồng để thực hiện dự án nạo vét, kết hợp tận thu sản phẩm đoạn cạn Bắc Cổ km 177+000 đến km182+000 trên sông Hồng, theo hình thức lấy thu bù chi, kinh phí thực hiện bằng nguồn vốn huy động của doanh nghiệp, không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

Quy định về thông số kỹ thuật đối với dự án như sau: Về chuẩn tắc luồng nạo vét, đoạn cạn từ km 177+850 đến km 180 +325 với chiều dài tuyến nạo vét: 2.475m; Cao độ đáy luồng bình quân thiết kế: -1,80; bề rộng luồng B=80m; mái dốc m= 5; bán kính cong >500m.

Đoạn cạn từ km 181+175 đến km 181+725 với chiều dài tuyến nạo vét: 550m; Cao độ đáy luồng bình quân thiết kế: -1,50; bề rộng luồng B=80m; mái dốc m= 5; bán kính cong >500m. Khối lượng nạo vét: 117.533.75m3 (gồm cả khối lượng sai số trong quá trình thi công). Thiết bị thi công: 3 chiếc tàu hút 585CV; tàu kéo 360CV là 3 chiếc; Xà lan 400T là 3 chiếc.

Quy định là vậy, nhưng thực tế người dân khu vực trên cho biết, có rất nhiều tàu, thuyền hút cát, thậm chí có tàu đi gần bờ để hút cát, dọc tuyến bờ sông Hồng có dấu hiệu có sự sạt lở đe dọa đến đất đai, hoa màu của người dân.

Sau khi người dân, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh, cơ quan chức năng đã kiểm tra và bắt giữ, xử phạt một số tàu được cho là hợp đồng với Công ty khoáng sản Sông Hồng để tận thu khoáng sản.

Báo cáo kiểm tra, xử lý một số tàu vi phạm của Chi cục đường thủy nội địa phía Bắc sau khi báo chí, người dân phản ánh (Ảnh Minh Chí)

Cụ thể, vào ngày 27/5, Chi cục đường thủy nội địa phía Bắc đã thực hiện việc kiểm tra việc khai thác cát từ km177+00 đến km182+00 thuộc phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm và phát hiện 1 tàu cuốc PT2175 đang thi công và 1 tàu hàng HN-1637 đang lấy sản phẩm tận thu sản phẩm. Sau khi phát hiện, Đội thanh tra – An toàn số 2 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với phương tiện HN-1637.

“Thời gian qua, việc tập trung nhiều tàu, thuyền ở đoạn này (đoạn Bắc Cổ thuộc phường Chương Dương và quận Hai Bà Trưng_PV) có lẽ do khả năng là Công ty Sông Hồng ký hợp đồng, thỏa thuận với họ để một số tàu, thuyền mới hút tràn lan như vậy. Để khi cơ quan chức năng kiểm tra, Công ty Sông Hồng lại “đổ tội” cho tàu, thuyền khác...”, ông Nguyễn Văn T, một người dân cho biết.

Trước những vấn đề trên, bà Trịnh Thị Minh Phương, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hoàn Kiếm cho biết:“Ngay sau khi báo chí, người dân phản ánh, ngày 1/6, chúng tôi đã phối hợp với lực lượng Công an thành phố Hà Nội, và các quận Hai Bà Trưng, quận Long Biên để kiểm tra thực tế. Tại thời điểm kiểm tra thì không phát hiện được tàu nào hút cát và chỉ thấy có khoảng gần 10 tàu, thuyền đang tập trung trên sông Hồng thuộc khu vực quận Hai Bà Trưng. Đến tối 2/6, lực lượng Công an phường Chương Dương đã bắt được 2 tàu hút cát trái phép,…”

Trước việc hút cát tràn lan, phức tạp trên địa bàn, người dân, dư luận nghi rằng có một số tàu tập trung tại địa điểm trên có “hợp đồng” với Công ty khoáng sản Sông Hồng để hút cát, tràn lan trái quy định?

Đề nghị Cục đường thủy nội địa, các cơ quan chức năng cần kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với đơn vị Công ty khoáng sản Sông Hồng để có biện pháp xử lý nghiêm khắc.

Minh Nhân/GDVN

 

Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top