Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 14 tháng 7 năm 2022 | 15:32

Xuất khẩu nông sản: Để các bên cùng thắng

Dù từ đầu năm đến nay, XK nông sản tăng trưởng tốt, song theo nhận định của các chuyên gia, hoạt động này trong thời gian tới sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức từ những yếu tố rủi ro khó lường của dịch Covid-19, lạm phát và chiến sự Nga-Ukraine.

Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, cùng với việc chú trọng theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản tại địa phương trong nước trong điều kiện mới, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang triển khai cập nhật hệ thống phần mềm dữ liệu cung - cầu nông sản từ địa phương; tăng cường kết nối, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại các vùng sản xuất trọng điểm và tại các cửa khẩu chính với Trung Quốc.

Nông sản Việt đón nhận nhiều tin vui

Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cho biết, khoảng 500 tấn gạo mang thương hiệu “Cơm ViệtNam Rice” được công ty giao trong tháng 6/2022 sẽ tới Đức, Hà Lan và Pháp trong tháng 7 này. Toàn bộ lô hàng được đảm bảo về chất lượng, đóng gói trong bao bì riêng và đã đăng ký mẫu mã quốc tế của tập đoàn.

 

z3564024904574_13502cab97e7db67fe73d4e6de93f414.jpg
“Cơm ViệtNam Rice” của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu sang EU.

 

Đặc biệt, gạo “Cơm ViệtNam Rice” xuất sang Pháp sẽ được bán trong hệ thống siêu thị lớn tại thị trường EU là Carrefour. Mặc dù số lượng xuất khẩu lần này không quá lớn nhưng là bước khởi đầu trong hành trình đưa gạo thương hiệu của Lộc Trời  chinh phục thị trường thế giới.

Trước đó, vào giữa tháng 2/2022, Công ty CP Cánh Cổng Vàng phối hợp cùng Công ty TNHH Western Farm xuất khẩu lô xoài đầu tiên vào thị trường EU. Lô xoài do HTX Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới (Đồng Tháp) cung cấp bán vào EU với giá 11-13 euro/kg, còn mức giá bán tại các siêu thị ở EU là 18 euro/kg.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hàng năm EU chi khoảng 1.000 tỷ USD cho thực phẩm và đồ uống. Trong đó, nhập khẩu khoảng 300 tỷ USD.

Đến nay, thị trường EU là một trong 4 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn của Việt Nam; EU cũng là một trong 3 thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản lớn nhất thế giới. Việt Nam cũng là một trong 4 nước khu vực châu Á ký Hiệp định Thương mại tự do với EU. Vì vậy, cơ hội để khai thác thị trường EU rất lớn.

Ông Hoàng Trung,  Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho biết, Cục đang nộp hồ sơ, đàm phán để mở cửa thị trường trái nhãn sang Nhật Bản, đưa bưởi, dừa sang Mỹ trong năm 2022. 

Tổng cục Hải quan Trung quốc vừa chính thức ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang nước này.

Theo đó, trái sầu riêng của Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu trái cây. Khi sầu riêng tới cửa khẩu Trung Quốc, Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra giấy tờ, hồ sơ liên quan và hoàn tất quá trình kiểm tra kiểm dịch.

Những lô hàng sầu riêng từ các vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói không đăng ký sẽ không được nhập khẩu vào Trung Quốc. Được biết, Nghị định thư này có hiệu lực trong 3 năm.

Để đạt mục tiêu xuất khẩu 55 tỉ USD cả năm 2022 (cao hơn 5 tỉ USD so với Chính phủ giao), ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, cho biết, 6 tháng cuối năm, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ mở rộng thị trường nông sản sang những nền kinh tế có cơ cấu sản phẩm bổ sung với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu hay Trung Đông, lựa chọn và đưa các sản phẩm phù hợp vào các thị trường tiềm năng như Nga, Trung Đông, châu Phi, ASEAN...

Liên kết, chìa khóa của thành công

Những năm qua, HTX Sản xuất - Thương Mại - Dịch vụ - Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (Chư Păh - Gia Lai) liên tục duy trì, phát triển mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cà phê với 369 hộ dân. Ngoài ra, HTX còn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho các hộ nuôi heo tại địa phương với 100 hộ dân.

Bên cạnh đó, HTX đã mở hướng đa dạng hoá sản phẩm cho thành viên thông qua việc trồng xen các loại cây ăn trái khác như sầu riêng, mãng cầu, bơ…

Để có đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông sản, HTX liên kết với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp sản xuất cà phê theo quy trình sản xuất cà phê bền vững 4C. Theo đó, hàng năm HTX cung cấp cho Công ty TNHH Vĩnh Hiệp khoảng 1.000 tấn cà phê. Ngoài ra, HTX còn liên kết với  Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty TNHH bán lẻ Lê BRG, Công ty TNHH QUICORNAC… trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản khác.

 

z3564024931777_119264ec2295a352c423fb0670bc101c.jpg
Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, cần tăng cường kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại các vùng sản xuất trọng điểm.

 

Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX Ia Mơ Nông cho biết, nhằm xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, HTX luôn cung cấp thông tin mùa vụ, giá cả, tình hình thị trường kịp thời cho nông dân. Đồng thời, hỗ trợ người dân về phân bón, vật tư nông nghiệp, hệ thống tưới tiết kiệm, cũng như mở các lớp tập huấn, hướng dẫn về sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn theo chuẩn VietGAP, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý…

Dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2021, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu rau quả Doveco Gia Lai (Doveco Gia Lai) vẫn được duy trì tương đối tốt và ổn định với sản phẩm chủ lực là chanh dây với mức bình quân công suất chế biến 150 - 170 tấn/ngày.

Từ tháng 7/2021, Doveco Gia Lai còn chế biến các sản phẩm như dứa, xoài, bơ, thanh long… Đến nay, các sản phẩm của công ty sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó, xuất khẩu vẫn được duy trì ổn định. Cụ thể, năm 2021, sản lượng chanh dây đạt 22.000 tấn, doanh thu khoảng 70 triệu USD, tăng 30% so với năm 2020.

Ông Đinh Gia Nghĩa, Giám đốc Doveco Gia Lai, cho biết, Doveco rất trú trọng đến việc phát triển vùng nguyên liệu qua các hình thức liên doanh, liên kết, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các HTX, người dân. Đến nay, Doveco đã liên kết với người dân, HTX trồng hơn 6.000ha chanh dây và 10ha dứa.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai Đoàn Ngọc Có cho biết, trong thời gian đầu của dịch Covid-19, các mặt hàng nông sản, đặc biệt là các sản phẩm nông sản tươi sống, gặp khó trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của ngành nông nghiệp, nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản đã được triển khai.

Đến nay, toàn tỉnh có 231.000ha cây trồng đã thực hiện liên kết sản xuất. Trong đó có 72 HTX, 145 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất. Ấn tượng phải kể đến Doveco Gia Lai thực hiện liên kết chuỗi sản xuất hơn 3.500ha  chanh dây với người dân, HTX.

Chuỗi liên kết sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, RA, Organic... của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp với diện tích trên 20.000ha thu hút được nhiều HTX và người dân tham gia. Nhờ đó, cà phê có chất lượng tốt, Vĩnh Hiệp trở thành đơn vị xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 cả nước.

Cùng với đó, còn có các chuỗi liên kết sản xuất rau quả chất lượng cao của các HTX tại thị xã An Khê, huyện Đăk Pơ... cũng mang lại dấu ấn cho thị trường nông sản của Gia Lai.

“Đây là mô hình rất hay mà lãnh đạo Gia Lai hết sức quan tâm. Từ những mô hình này mà tỉnh mới thực hiện sản xuất đồng bộ theo quy trình, tiêu chuẩn nhất định để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, sản lượng lớn. Từ đó, giúp địa phương kích cầu thị trường xuất khẩu tốt hơn. Khi xuất khẩu tốt hơn, sẽ đem lại nguồn thu cao hơn cho doanh nghiệp, HTX, nông dân, qua đó thực hiện tái sản xuất cho những năm tiếp theo”, ông Có nhấn mạnh.

Không chỉ liên kết giữa nhà nông, HTX với doanh nghiệp, cần mở rộng liên kết vùng trên cơ sở quy hoạch tổng thể vùng sinh thái.

Đẩy mạnh chế biến sâu

Ông Đoàn Trung Ngọc, chủ vựa chế biến thanh long, xoài, mít sấy khô xuất khẩu tại xã Hưng Thịnh (Đồng Nai), chia sẻ, vài tháng trở lại đây, thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc đã tạm ngưng nhập mặt hàng này khiến đầu ra cho trái cây sấy khô càng khó khăn. Những thị trường khác như Nga, Hàn Quốc... khó tìm được khách hàng mới, đơn hàng của khách quen cũng giảm sút mạnh. Dự báo thời gian tới, thị trường xuất khẩu và cả tiêu thụ trái cây sấy trong nước vẫn khó khăn nên hiện nhiều nhà vườn không đầu tư vì lo ngại càng làm càng lỗ.

 Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), trái cây là loại hàng nhạy cảm vì tính chất mùa vụ, yêu cầu cao về bảo quản, thị trường lại luôn biến động nên không thể chủ quan vì giá bán nông sản cao tại Mỹ, Nhật Bản... Do đó, theo ông Toản, cần phải tăng cường các liên kết sản xuất, xác định rõ cơ cấu giá thành sản xuất nông sản, xây dựng các trung tâm logistics, liên kết các lực lượng trong hợp tác xã để giảm chi phí vật tư đầu vào...

Dẫn chứng từ câu chuyện ở Gia Lai trong việc mở rộng diện tích chanh dây, bám sát tín hiệu thị trường, tạo ra thế mạnh phát triển vùng, ông Toản cho rằng, cùng với việc chuẩn hóa nông sản, cần đẩy mạnh khâu chế biến, bảo quản rau quả, đầu tư vào chuỗi kho lạnh nhằm giúp nông dân yên tâm canh tác. Đa dạng sản phẩm chế biến sâu là chìa khóa để gia tăng giá trị nông sản.

 

Sản lượng trái cây, rau quả Việt Nam đạt 31 triệu tấn nhưng tỷ lệ chế biến mới đạt 12-17%, 76% rau quả xuất khẩu ở dạng tươi hoặc sơ chế. Trong khi nhu cầu ăn uống của người dân trên thế giới nói chung là dùng trái cây, rau củ đã qua chế biến. Điều này khiến chúng ta “đánh rơi” hàng tỷ USD mỗi năm.

 

“Nhiều xu hướng tiêu dùng mới như thực phẩm dựa trên nguồn gốc thực vật, xu hướng trở về với cội nguồn, thay đổi mức tiêu dùng sau đại dịch... Các địa phương cần rà soát kỹ thời vụ, sản lượng của từng nhóm sản phẩm trái cây cụ thể, điểm rơi thu hoạch để xây dựng phương án tiêu thụ phù hợp”, ông Toản gợi ý.

Ngoài đẩy mạnh liên kết và quản chặt mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đề xuất giải pháp xử lý lạnh trái cây, cụ thể là nhãn. “Đối với thị trường Nhật Bản, Việt Nam đã xuất khẩu 3 loại quả tươi. Thanh long và xoài đã được xuất khẩu bằng phương pháp xử lý hơi nước nóng. Sắp tới sẽ xuất khẩu nhãn qua Nhật Bản bằng phương pháp xử lý lạnh, đang trong giai đoạn thí nghiệm cuối cùng. Biện pháp này là tiền đề để xuất khẩu các loại quả khác”, ông Thiệt nói.

Đầu tư công nghệ cao và xuất khẩu trực tuyến

Sản phẩm nông sản của Việt Nam dù đã chinh phục được nhiều thị trường quốc tế, song xuất khẩu chủ yếu vẫn tập trung vào 4 thị trường lớn là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam vẫn luôn phải tìm kiếm cơ hội để mở rộng thị trường, tìm khách hàng mới nhằm giảm phụ thuộc vào một số thị trường, tăng lợi thế hàng hóa.

Ông Huỳnh Thái Hòa, Giám đốc Trung tâm Thương mại điện tử - Công ty OSB (đại lý ủy quyền chính thức của Tập đoàn Alibaba), cho hay, nông sản và trái cây chế biến của Việt Nam rất được quan tâm trên sàn Alibaba.com. Với hệ thống khách hàng ở 240 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có 2 thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc, cơ hội cho doanh nghiệp Việt xuất khẩu trực tuyến là rất lớn. “Gần đây, có một số thị trường gia tăng nhu cầu đối với nông sản chế biến, như: Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Nga, các nước châu Phi... Doanh nghiệp Việt có thể tận dụng cơ hội này”, ông Hòa thông tin.

Theo ông Nguyễn Minh Đức, Phó tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, thông qua các sàn thương mại điện tử quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận với nhiều khách hàng trên toàn thế giới một cách đơn giản, tiết kiệm chi phí so với cách truyền thống là đến các hội chợ quốc tế, gặp gỡ từng khách hàng... Hiện, doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu trực tuyến thông qua 2 sàn Alibaba.com (bán sỉ gần như toàn thế giới) và Amazon.com (bán lẻ trên các quốc gia Amazon hiện diện) với mô hình khác nhau.

Bên cạnh đó, để tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực chế biến nông sản phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, các cấp, các ngành cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy công nghệ bảo quản, chế biến nông sản. Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, cùng với việc doanh nghiệp chủ động đầu tư hệ thống kho lạnh, chế biến nông sản, giảm tổn thất sau thu hoạch..., các ngành chức năng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ nguồn vốn, công nghệ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Đánh giá về việc này, Phó viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Đào Thế Anh cho rằng, việc quy hoạch hệ thống kho lạnh cần phù hợp với từng vùng sản xuất, không thể tự phát như hiện nay; cần có kho lạnh cỡ nhỏ do HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ quản lý tại các vùng trồng cây ăn quả, như: vải thiều, thanh long, nhãn… Còn tại các vùng sản xuất chuyên canh tập trung cần đầu tư hệ thống kho lạnh phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam nhận định, các địa phương cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao vào lĩnh vực chế biến để nâng tỷ trọng nông sản có giá trị gia tăng cao, giảm sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thô. Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương hỗ trợ đầu tư mới và mở rộng công suất các cơ sở chế biến đối với những ngành hàng có vùng nguyên liệu đạt chuẩn; xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm; đồng thời tập trung phát triển các doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản.

Nâng chất, tăng giá trị

Theo ông Nguyễn Trung Kiên (Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Nông nghiệp và PTNT), tỷ trọng một số ngành hàng của Việt Nam trong khai thác thị trường quốc tế vẫn thấp. Đáng chú ý, Việt Nam xuất khẩu nông sản vào EU phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn.

Cụ thể, đối với mặt hàng rau quả, các đối thủ cạnh tranh lớn là Nam Mỹ, Tây Phi, Nam Phi, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc…; với sản phẩm cà phê, hồ tiêu và hạt điều, Việt Nam chịu áp lực cạnh tranh rất lớn bởi Indonesia, Ấn Độ, Brazil, Bờ Biển Ngà, Mozambique.

EU đã định hình được các đối tác làm ăn lâu dài nên xuất khẩu của Việt Nam sang đây chững lại. Do đó, để khai thác tối đa được xuất khẩu vào thị trường EU, các doanh nghiệp buộc phải tăng giá trị. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn cần đẩy mạnh liên kết để xây dựng chuỗi cung ứng hoàn thiện cho xuất khẩu nhằm giảm chi phí vận chuyển, xây dựng hình ảnh, thương hiệu và phát triển thị trường.

Ở góc độ doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản trái cây, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T cho rằng, khó khăn đối với việc xuất khẩu nông sản, trái cây hiện nay là việc bảo quản. Như với trái cây, hiện thời gian bảo quản được cỡ 2 tuần, mua về có thời gian sử dụng ít nhất 3 ngày nhưng hàng hoá xuất khẩu đưa lên quầy kệ chỉ sau 2-3 ngày đã hư hỏng. Trong khi đó, hàng hoá phải đủ tươi, đẹp khi tới người tiêu dùng, thì họ mới mua.

Do đó, việc tập trung nghiên cứu công nghệ bảo quản để sản phẩm nông nghiệp được lưu giữ lâu hơn là vấn đề sống còn. Bên cạnh đó là vấn đề quảng bá, tiếp thị, doanh nghiệp không thể tự làm mà cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng.

TS. Đào Văn Cường, chuyên viên Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam) nhận định, một số mặt hàng của Việt Nam đặc biệt hưởng lợi từ EVFTA. Ví dụ, EU cam kết thuế 0% dành cho hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm với gạo xay xát và gạo thơm. Riêng mặt hàng gạo tấm không còn hạn ngạch và sẽ xóa bỏ thuế trong 5 năm. Một số sản phẩm khác được EU cấp hạn ngạch mỗi năm, gồm 500 tấn trứng gia cầm, 400 tấn tỏi, 5.000 tấn ngô, 30.000 tấn bột sắn, 11.500 tấn cá ngừ, 20.000 tấn đường...

Hưởng lợi từ thuế trong các FTA thế hệ mới, nhưng nông sản Việt cũng gặp thách thức với các hàng rào kỹ thuật. So với cùng kỳ năm 2021, số lượng cảnh báo từ các thành viên WTO với Việt Nam tăng 12%. Với thị trường EU, cảnh báo nhiều nhất là về dư lượng hóa chất (47,5%).

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, TS. Nguyễn Đắc Bình Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển vùng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay, việc này được nhắc đến như một yêu cầu bắt buộc của nhiều FTA đa phương. Riêng thị trường EU, từ ngày 1/1/2005, khối này đã đưa truy xuất nguồn gốc trở thành quy định bắt buộc đối với các nước thành viên của EU.

Để xuất khẩu nông sản thuận lợi, “các nhà” không bị thua thiệt, Bộ Nông nghiệp và PTNT nên bổ sung phần kết nối, tham gia giữa các bộ ngành và địa phương. Trong đó, trọng tâm là cần thay đổi nhận thức, thói quen canh tác của  nông dân. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hạ tầng về sản xuất nông nghiệp, vì đây là một trong những tiêu chuẩn để xuất khẩu sản phẩm vào những thị trường khó tính.

 

Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU đến năm 2030 do Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và PTNT) xây dựng đặt mục tiêu đến năm 2025 giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU đạt 5 - 5,5 tỷ USD; tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chế biến sang EU đạt khoảng 30%; mặt hàng nông, lâm, thủy sản tiếp cận trực tiếp tới kênh khách hàng cuối cùng tại EU đạt 20%.

Mục tiêu đến năm 2030, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU đạt 7,5 - 8 tỷ USD, tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chế biến sang EU đạt khoảng 50% và tiếp cận trực tiếp tới kênh khách hàng cuối cùng tại EU đạt 30%.

 

 

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top