Thứ sáu, ngày 27 tháng 9 năm 2013 | 9:31
Ý Yên: Có hay không việc UBND xã “bán” đất đình?
Hàng chục cụ cao niên có đơn tố cáo UBND xã Yên Khang (Ý Yên, Nam Định) tự ý hai lần bán đất đình thôn Đồng Cách cho cá nhân làm xưởng may. Điều đáng nói, các cấp chính quyền lại đùn đẩy trách nhiệm, không xử lý dứt điểm vụ việc.Trong đơn gửi cơ quan chức năng, ông Hoàng Văn Xuân Chi hội trưởng Chi Hội Người cao tuổi (NCT) thôn Đồng Cách, xã Yên Khang phản ánh, việc UBND xã Yên Khang tự ý “bán” đất đình làng cho cá nhân làm xưởng sản xuất may mặc, khiến người dân không có đất để khôi phục đình, làm ô nhiễm đất đình, đất Thánh.Nhiều cụ cao niên tại làng cho biết, đình Đồng Cách đã được xây dựng từ năm 1835, thờ vị Thánh có tên là Côn Lan, người có công lớn đối với triều đình vào cuối đời nhà Lý. Ngài đã được các nhà Vua ban 8 sắc phong, đạo sắc, trong đó hai sắc phong do vua Lý Thánh Tông ban và các sắc phong do vua Trần Nhân Tông, Lê Thái Tổ, Duy Tân, Khải Định, Đồng Khánh và Tự Đức ban.Ngày 06/7/2013, người dân thôn Đồng Cách đã được Viện Hàn lâm KHKT Việt Nam cấp bản công nhận sắc ph
|
Sắc phong còn lưu giữ của ngôi đình cổ. |
Cũng theo các vị cao niên, năm 1960, với tinh thần “tất cả cho tuyền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ”, theo đề nghị của Nhà nước, người dân thôn Đồng Cách đã sử dụng ngôi đình làng làm kho lương thực. Tất cả ngai, bài vị, sắc phong, kiếm… đã được người dân giữ cẩn thận và chuyển sang thờ nhờ ở đình thôn Quảng Nạp. Nhưng do xa xôi, đi lại vất vả, người dân lại chuyển về thờ nhờ ở miếu Bản Thổ, xóm Dưới. Năm 1985, Công ty Lương thực Ý Yên đã giao kho lương thực cho xã Yên Khang quản lý.
Ngày 14/1/1994, ông Hoàng Văn Thị, Chủ tịch UBND xã Yên Khang (lúc bấy giờ) đã ký giấy thu lệ phí 50.000 đồng và ký giấy thu 8 triệu đồng của ông Nguyễn Văn Cường, Chủ nhiệm Tổ hợp may mặc Vĩnh Tiễn, thôn Yên Trị, xã Yên Trị mua quầy hàng kho lương thực (nhưng thực chất xã đã bán 953m2 đất và tài sản kho lương thực cho ông Cường) để làm xưởng may mặc. Mặc dù xã đã thu tiền, nhưng ngày 18/1/1994, ông Cường mới có đơn xin chuyển nhượng kho lương thực gửi UBND huyện Ý Yên và xã Yên Khang. Đến ngày 20/1/1994, UBND huyện Ý Yên mới có ý kiến đề nghị, xã Yên Khang xem xét. Ngày 21/1/1994, UBND xã Yên Khang đã ký biên bản chuyển nhượng tài sản và diện tích 953m2 cho ông Cường.
|
Người dân kiên quyết bảo vệ đình chứng minh nền móng cũ đã bị vùi lấp. |
Không dừng lại ở đó, ngày 20/11/2012, UBND xã Yên Khang tiếp tục “bán” 699m2 đất đình (kho lương thực) cho bà Phạm Thị Ngợi (vợ ông Cường) thời hạn 30 năm, với tổng số tiền 250 triệu đồng, trong đó tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng gần 53 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Cải, hiện là Chủ tịch UBND xã Yên Khang thừa nhận: “Xã đã thu tiền nộp cho huyện, trong đó xã được trích lại 100 triệu đồng. Khi chuẩn bị giao đất thì Chi Hội NCT tuổi thôn Đồng Cách có đơn đòi trả lại đất đình, nên xã chưa giao được đất. Đây là khu đất kho lương thực cũ, do Công ty Lương thực Ý Yên giao lại cho xã và trên các bản đồ đo đạc năm 1975, chỉnh lý năm 1987, tờ bản đồ số 12a, thửa 6, diện tích 2.430m2 đều ghi là kho lương thực. Tại bản đồ số 16, thửa 188, đo năm 1992 cũng ghi diện tích 2.430m2 là kho lương thực cũ. Gần đây nhất tại bản đồ số 18, năm 2010 ghi thửa số 172, diện tích 699m2 (đất phi nông nghiệp do UBND xã quản lý), thửa số 173, diện tích 953m2 ghi hộ ông Cường. Dựa vào hồ sơ lưu trữ tại xã và kế hoạch sử dụng đất đai năm 2011 – 2013, ngày 11.1.2011, xã đã lập tờ trình số 01/TTr- UBND về xây dựng khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, vì trên bản đồ không thể hiện là đất đình thôn Đồng Cách, nên chúng tôi đã cho chuyển nhượng”.
Ông Cải cũng thừa: “Tôi có nghe người ta nói khu kho lương thực trước đây là đình làng Đồng Cách, nhưng vì trên bản đồ không thể hiện, hơn nữa khi xã có kế hoạch sử dụng đất đã thông báo cho thôn, nhưng không thấy ai đòi trả đất, khi xã chuyển nhượng rồi người dân mới đòi, nên rất khó giải quyết”.
Về vấn để này, ông Vũ Đình Vui, Phó phòng TNMT huyện Ý Yên cho rằng, đến nay chưa có tài liệu nào chứng minh năm 1960 dỡ đình làng Đồng Cách đề làm kho lương thực. “Nếu dựa vào sắc phong, việc này không nằm trong lĩnh vực chúng tôi quản lý. Chúng tôi chỉ dựa vào bản đồ thực tại” – ông Vui nói.
Còn bà Trịnh Thị Kim Tình – Trưởng phòng TNMT huyện Ý Yên cho rằng: “Chúng tôi đang giao cho xã xem xét lại quy trình hồ sơ, khi xã không giải quyết được thì huyện sẽ giải quyết. Vừa rồi xuống họp dân, chúng tôi đã tư vấn người dân thay vì đơn xin trả đất, đổi lại là đơn xin cấp đất, nhưng người dân không nghe, nên chúng tôi cũng đang lúng túng trong việc giải quyết”.
Đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Nam Định sớm vào cuộc làm rõ vụ việc trên.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.Hải Minh
KTNT