Sau hơn 6 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (XDNTM), 31/32 xã, thị trấn của huyện Ý Yên (Nam Định) đã hoàn thành 19/19 tiêu chí.
Kết quả đó là sự nỗ lực không ngừng của cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở trong công tác chỉ đạo, đề ra các giải pháp hữu hiệu để thực hiện và sự phấn đấu không mệt mỏi của nhân dân các địa phương.
Đồng chí Trịnh Thị Kim Tình, Phó chủ tịch UBND huyện Ý Yên, cho biết: Xác định XDNTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt giai đoạn 2016-2020, để đạt các tiêu chí NTM, Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các xã rà soát, đánh giá thực trạng, mức đạt từng tiêu chí NTM, sau đó xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện. Đối với các xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011-2015, tiếp tục duy trì, nâng cao các tiêu chí đã đạt theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2016-2020, tiến tới xây dựng NTM bền vững.
Tinh thần dân chủ được phát huy cao độ
Tại Ý Yên, cấp ủy Đảng, chính quyền các xã đã tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, phổ biến, quán triệt kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh, huyện tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân gắn với phát động phong trào thi đua “Toàn dân chung sức XDNTM”; xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện; tích cực tuyên truyền cho nhân dân hiểu XDNTM là chương trình mang tính tổng thể, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, đặc biệt là cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng và nhân dân chính là người được thụ hưởng.
Vì vậy, khi địa phương triển khai XDNTM, nhận được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, phát huy Quy chế dân chủ cơ sở trong quá trình XDNTM theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia XDNTM.
Từ đó phát huy hiệu quả các phong trào như: “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh”, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, phong trào thi đua “Phụ nữ Ý Yên chung tay XDNTM”, phong trào “Tuổi trẻ chung tay XDNTM”..., vận động cán bộ, hội viên, hộ nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, đóng góp, ủng hộ kinh phí xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao thôn, xóm; hiến đất, tháo dỡ công trình giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án làm đường giao thông; vệ sinh đường làng, ngõ xóm, bảo vệ môi trường...
Ưu tiên nguồn vốn xây dựng công trình công cộng
Hiện, các xã, thị trấn trên địa bàn Ý Yên đã huy động nguồn vốn và tập trung nhựa hoá, bê tông hóa được 31,3km đường trục xã; cải tạo, nâng cấp 39,97km đường liên thôn và đường trục thôn, xóm; 45,8km đường ngõ; “cứng hóa” 37,5km đường giao thông nội đồng. Năm 2017, tổng khối lượng đào đắp kênh mương đạt 178.713m3; nạo vét 658 kênh cấp 3; xây mới 335 cống đập cấp 3 và cống khoảnh; kiên cố 13 kênh với chiều dài gần 3km.
Bên cạnh các tuyến đường giao thông cấp xã được cải tạo, nâng cấp, nhằm tạo điểm nhấn trong thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong nhiều năm, huyện Ý Yên đã tập trung, từng bước cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng hạ tầng mạng lưới giao thông tuyến huyện. Theo đó, ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông từ trung tâm thị trấn Lâm theo trục chính từ Bắc đến Nam huyện, tạo kết nối giữa các vùng miền nhằm từng bước đảm bảo tính đồng bộ, kết nối liên hoàn các tuyến giao thông huyết mạch quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện.
Đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới trường học các cấp và các công trình phụ trợ, đồng thời mở rộng, cải tạo khuôn viên các trường học bảo đảm xanh - sạch - đẹp; mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học. Toàn huyện có 16/38 trường mầm non (42,1%), 42/42 trường tiểu học (100%), 22/33 trường THCS (66,67%) và 2/6 trường THPT (33,33%) đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học THPT, BTVH và học nghề bình quân đạt 90,1%.
Cải tạo, đầu tư, xây mới các trạm y tế. Hiện, 31/32 xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế, các chương trình mục tiêu y tế quốc gia đều triển khai thực hiện, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 79,5% dân số. Xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa 66 nhà văn hoá thôn/xóm....
Dồn tổng lực đạt huyện NTM thứ 5 của tỉnh
Trên địa bàn huyện Ý Yên đã từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, nông sản đã trở thành hàng hóa, sản xuất theo chuỗi liên kết như: Vùng sản xuất lạc trong vụ chiêm xuân; vùng sản xuất khoai tây vụ đông; vùng sản xuất lúa đặc sản; vùng sản xuất rau chuyên canh; vùng chăn nuôi tập trung phát triển tại các xã Yên Ninh, Yên Lợi, Yên Lộc, Yên Thắng, Yên Đồng...
Đồng thời, huyện chú trọng phát triển các mô hình theo hướng công nghệ sạch, an toàn như: mô hình của HTX SXKD DVNN Nam Cường liên kết với Công ty xuất khẩu Đồng Giao, mô hình sản xuất gạo sạch Bắc thơm 7 với Công ty TNHH Toản Xuân, mô hình nuôi cá lồng bè Sông Đào Yên Phúc; thử nghiệm và mở rộng mô hình sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản tại Yên Dương, Yên Cường...
Khuyến khích nông dân đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật và mở rộng đưa cơ giới hóa vào sản xuất, sản xuất phân hữu cơ... Đến nay, toàn huyện đã đạt 100% cơ giới hóa trong khâu làm đất, 80% cơ giới hóa trong thu hoạch. Nhiều xã đã thực hiện chuyển đổi linh hoạt đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây có giá trị kinh tế cao hơn kết hợp nuôi trồng thủy sản, điển hình như: Yên Bình, Yên Khang, Yên Cường, Yên Lương, Yên Phong...
Ngoài việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, chú trọng phát triển các nghề mới, huyện còn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp về địa phương đầu tư sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Các hình thức sản xuất, phát triển ngành nghề nông thôn, đặc biệt là các ngành nghề truyền thống như: đúc đồng, gỗ, nứa chắp, may mặc, thêu ren, đan mũ... ở thị trấn Lâm và các xã Yên Khánh, Yên Tiến, Yên Ninh, Yên Xá, Yên Trị, Yên Phú... được chú trọng duy trì, mở rộng, tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho nhiều lao động với mức thu nhập ổn định, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. So với năm 2016, thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 37,25 triệu đồng, tăng 4,45 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo ở mức 3,71%, giảm 1,05%.
Với những kết quả đạt được và các bài học kinh nghiệm cụ thể trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện, Ý Yên sẽ tập trung tối đa sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, phấn đấu hoàn thành mục tiêu năm 2019 trở thành huyện thứ 5 của tỉnh Nam Định đạt chuẩn NTM.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.